Chưa có “công nghiệp văn hóa” trong Luật Di sản, Hà Nội đề nghị bổ sung

31/07/2022 - 07:59

PNO - Góp ý sửa đổi Luật Di sản văn hoá mà Bộ VHTTDL đang lấy ý kiến, Sở VHTT Hà Nội đề nghị bổ sung khái niệm "công nghiệp văn hoá" và điều kiện liên quan đến phát triển công nghiệp văn hoá vào luật.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) TP. Hà Nội, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, nhiều quốc gia tiến bộ nhanh hơn, thành công hơn dựa trên việc phát huy lợi thế, đặc sắc về văn hóa của đất nước và xác định văn hóa là yếu tố cốt lõi, là động lực mới cho sự phát triển. Nhiều nước phát triển đã xuất khẩu sản phẩm văn hóa ra toàn cầu.

Theo đó, quan điểm và hành động hướng tới các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH), hay công nghiệp sáng tạo đã và đang trở thành xu hướng phát triển chung của thế giới.

Đây được xem là một trong những chiến lược phát triển quan trọng, toàn diện và bền vững, thu hút nguồn lực hợp tác quốc tế, tạo ra lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy và có đóng góp khá lớn vào tăng trưởng GDP, đồng thời góp phần định vị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.

Một cảnh trong Ionah show tại Hà Nội.
Một cảnh trong "Ionah" show tại Hà Nội

Việc ưu tiên phát triển mạnh các ngành CNVH đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa đã được Đại hội XVII Đảng bộ TP đặt ra nhằm quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển các ngành CNVH của Chính phủ. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 phê duyệt chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Hiện nay, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thành phố xác định, phát triển CNVH được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng.

Đây cũng là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô. Là một ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng GRDP, đem lại nhiều việc làm và thu nhập.

Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Nghệ thuật biểu diễn đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và là một bộ phận cốt lõi của công nghiệp văn hóa
Nghệ thuật biểu diễn đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và là một bộ phận cốt lõi của công nghiệp văn hóa

Phát triển CNVH trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Hà Nội trở thành "Thành phố sáng tạo", quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới.

Sở VHTT Hà Nội cho rằng: “Việc phát triển CNVH có thể thực hiện trên tất cả các địa phương. Đây là xu thế chung của khu vực và thế giới”. Từ đó, Sở này đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu đưa vào Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

PV

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI