Chưa có con dâu mà phải nuôi cháu nội

01/03/2021 - 06:00

PNO - Bạn bè biết chuyện, nói tôi tự dưng ôm việc vào thân, tuổi này còn thức đêm thức hôm, bỉm sữa, nuôi con người ta, mai mốt mẹ đứa bé về đòi con thì coi như công cốc.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 
Tôi năm nay gần bước sang tuổi 50, không hẳn đã già nhưng cũng bắt đầu tính chuyện về hưu.

Có điều số trời bắt gian truân chưa đến được chữ nhàn, tôi hiện đang phải chăm sóc, nuôi nấng một bé trai hơn một tuổi, thực ra là cháu nội của tôi.

Tôi vốn là mẹ đơn thân, chỉ có một đứa con trai. Con tôi học hành không tới nơi tới chốn, đang học cấp III thì làm bạn gái cùng lớp mang bầu.

Tôi có đến gặp bên nhà gái, người ta đề nghị bỏ thai. Lúc đó thai đã gần ba tháng, nghĩ tội nghiệp, tôi xin đưa cô gái về nhà nuôi, lo sinh nở mẹ tròn con vuông rồi động viên hai đứa đi học cho xong phổ thông. Vậy là tôi thành người giữ trẻ cho tụi nhỏ.

Hết trung học, con trai tôi không chịu thi đại học còn cô gái ấy thì muốn đi học xa. Chúng tranh cãi to tiếng mấy lần, vả lại cũng chưa đăng ký kết hôn, thành vợ chồng chính thức nên khó mà ràng buộc gì nhau. Vậy là mẹ đứa bé đi học, tôi tiếp tục nuôi cháu.

Nhiều lúc buồn lại nghĩ thôi mình không đẻ nhưng cũng có công nuôi. Con trai mình dại, con gái người ta cũng dại, mình dạy chúng không được bây giờ chẳng lẽ mình cũng dại?

Bạn bè biết chuyện, nói tôi tự dưng ôm việc vào thân, tuổi này còn thức đêm thức hôm, bỉm sữa, nuôi con người ta, mai mốt mẹ đứa bé về đòi con thì coi như công cốc.

Tôi không biết mai này thế nào nhưng hôm nay tôi nuôi cháu mình, cứ lo cho cháu trọn vẹn đi đã. Nói vậy chứ tôi cũng lo lắm chị à.

Minh Thuận (TP.HCM)

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Chị Minh Thuận thân mến,

Qua thư, Hạnh Dung cảm nhận chị là một phụ nữ nhân hậu và chịu thương chịu khó. Trong hoàn cảnh của chị, nhiều người sẽ cho rằng mình bên phía nhà trai, chẳng việc gì phải chịu trách nhiệm.

Chị đã giúp đỡ cô gái để cô ấy không phải chịu rủi ro, chị chấp nhận nuôi con cho cô gái ấy được đi học. Tấm lòng ấy không mất đi đâu chị. Đứa trẻ lớn lên cũng là giọt máu của gia đình mình. Mẹ đứa trẻ học hành nên nghề nghiệp, có thể tự lập được, rồi cô ấy có thể tiếp tục nuôi con cũng là một điều may mắn cho cả hai mẹ con.

Chị đừng băn khoăn về việc mình đã làm. Chị đã làm đúng. Cũng chẳng nên trách móc gia đình bên kia. Trong lúc khó khăn, có thể vì quá hốt hoảng mà họ tìm cách tránh né. Bây giờ, khi đứa trẻ chào đời, đã bắt đầu đi nhà trẻ được rồi, con gái người ta đã đi học đại học, chắc hẳn họ sẽ thấy chỗ xử sự chưa được của mình ngày xưa mà nghĩ lại, nói lại. Mong chị nhân hậu với họ, như đã từng cưu mang con gái họ ngày nào.

Nếu còn băn khoăn thì chỉ là về những việc tương lai mà thôi. Thời gian qua nhanh lắm. Chị hãy để cha đứa trẻ cùng tham gia vào việc chăm con, nuôi con, để có thể thay đổi ý thức của cậu ấy. Sau những biến cố lớn trong năm qua, nhìn mẹ nuôi con của mình, chứng kiến con mình lớn lên… chắc cậu ấy cũng có ít nhiều thay đổi. 

Chị hãy cùng con lên kế hoạch cho tương lai, động viên con học nghề, tìm việc để chăm lo gia đình. Sẽ vất vả cho chị khi phải dạy con trai mình cách làm cha nhưng mình cố gắng, chị nhé!

Dù không có gì chắc chắn về việc rồi hai bạn trẻ kia có quay lại với nhau để thành vợ chồng chính thức hay không nhưng mình nên giữ tình cảm cha con, tình bà cháu, giữ chiếc nôi gia đình ấm áp để cháu lớn lên không thiếu thốn tình cảm.

Việc khó nhất chị đã vượt qua rồi. Bây giờ là câu chuyện gia đình, là bảo bọc nâng niu từng ngày để tạo nên tính cách, tâm hồn đứa trẻ. Chị cũng nên giữ liên lạc với mẹ và gia đình bên ngoại của bé, tạo điều kiện để mẹ bé được thăm con, được phụ giúp chị nuôi con trong khả năng của mình. Biết đâu chị sẽ là nút thắt, là nhịp cầu cho gia đình trẻ dại ấy tìm lại được nhau. 

HẠNH DUNG 

Dù sau này có ở với ai, đứa trẻ ấy cũng là cháu nội của chị- Ảnh minh họa
Dù sau này có ở với ai, đứa trẻ ấy cũng là cháu nội của chị- Ảnh minh họa

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC:

Mỹ An (Chợ Mới, An Giang): Cháu mình thì mình nuôi 

Cho tôi gửi đến chị lời động viên, mong chị đủ sức khỏe để tiếp tục thay con chăm sóc cháu. Mình đã làm đến đây rồi, đắn đo chi nữa. Tôi nghe chị kể cũng thấy mịt mờ nhưng nếu mình chịu khó lần thì cũng có đường đi. Giờ thì mình chăm cháu mình thôi! Cả ba và mẹ của đứa trẻ đều còn quá nhỏ. Họ có biết bao ước mơ, dự định cho bản thân nên đôi khi đứa trẻ chính là rào cản. Mong chị nghĩ đến việc này mà thông cảm và thương các con hơn.

Mà chị ơi, dù mình có nuôi, sau này nhà ngoại có nhìn cháu cũng là chuyện thường tình. Đừng vì bất cứ điều gì mà băn khoăn. Có thêm đứa bé bi bô cũng đỡ buồn mà! Vả lại, dù sau này ở với ai, đứa trẻ ấy vẫn là cháu nội của chị. Tôi tin rằng, khi được sống cùng người bà có tâm hồn nhân hậu như chị, cháu sẽ luôn ghi nhớ công ơn bà đã nuôi dưỡng mình từ những ngày thơ bé. 

Thu Tâm (TP.Thủ Đức, TP.HCM): Đừng băn khoăn chị nhé!

Em trai tôi từng rơi vào cảnh hệt như con chị. Ba má tôi cũng nuôi cháu hệt như chị. Cháu tôi giờ đã học năm nhất, rất ngoan và thương quý ông bà nội.

Mẹ cháu bỏ lại con, sau đó du học, lập gia đình rồi định cư nước ngoài. Trong hoàn cảnh đó, khi gia đình bên ngoại chối bỏ, bọn trẻ đang tuổi ăn học, nếu chị không nuôi cháu thì ai nuôi? Con trai chị và con gái nhà người ta đều là những người trẻ đáng thương. Đường còn dài lắm, hãy thương và giúp các con.

Em trai tôi hồi đó cũng tiếp tục đi học, đậu đại học, rồi trưởng thành, lập gia đình. Tất cả là những đoạn đời mà chúng ta buộc phải đi qua dù muốn hay không. Nếu có thể, chị hãy liên lạc thường xuyên với mẹ đứa trẻ và phía nhà ngoại để lớn lên bé đỡ tủi hờn.

HẠNH DUNG

 

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI