PNO - Diễn ra tại Cần Thơ từ 25/10 - 15/11, Liên hoan cải lương toàn quốc 2024 là kỳ liên hoan kéo dài nhất, quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, bức tranh tổng quan về sân khấu cải lương hiện tại vẫn chưa thể tươi màu.
Gần 1.500 diễn viên, 33 vở diễn từ 29 đơn vị nghệ thuật tham dự liên hoan. “Phải yêu cải lương đến nhường nào thì các nghệ sĩ mới có thể kiên trì tập luyện trong tình trạng cơ sở vật chất hư hại, ngập nước do cơn bão Yagi, để kịp khăn gói về Tây Đô dự hội nghề” - Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ quá trình chuẩn bị liên hoan đầy khó khăn của đoàn nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh.
Vở Tây Sơn nữ tướng - Chói rạng sơn hà (sân khấu Sen Việt) tạo cơ hội cho nhiều diễn viên trẻ
Những giọt nước mắt cũng đã rơi trên gương mặt các nghệ sĩ đoàn cải lương Nam Định sau khi hoàn thành phần thi diễn vở Huyền Trân công chúa. Lần này, đoàn trình làng một gương mặt mới là Nguyễn Vinh Quang với vai vua Chế Mân. “Đây là kỳ liên hoan đầu tiên của tôi. Vượt đường xa vào đây, được xem các đoàn bạn, nhất là các anh chị trong Nam thi diễn, thực sự rất vui, tiếp thêm động lực cho mình trên bước đường làm nghề sắp tới” - Vinh Quang chia sẻ.
Theo Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Lê Nguyên Đạt, qua liên hoan, một lần nữa có thể thấy và tự tin về một lực lượng làm nghề giàu nội lực, năng động và ngày càng trẻ hóa. Bên cạnh những Mỹ Hằng, Lê Tứ, Tú Sương, Võ Minh Lâm, Lê Hồng Thắm, Ngọc Đợi, Lịch Sử, Lan Hương, Hồng Nhung… đã khẳng định mình thì những Hoàng Hải, Văn Hợp, Lệ Trinh, Lê Duy, Hoài Thanh, Trọng Hiếu, Kim Luận, Văn Mẹo, Hùng Vương, Kim Thùy, Thanh Khang, Trọng Nhân, Bảo Ngọc, Minh Nghiêm… ngày càng tự tin, mong muốn tạo dấu ấn với nghề. Đáng mừng là bên cạnh lực lượng biểu diễn hùng hậu tại TPHCM thì các đoàn nghệ thuật cải lương Long An, nhà hát cải lương Tây Đô (Cần Thơ), nhà hát Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai… đều có nguồn lực trẻ kế thừa.
Còn nhiều khoảng trống
Nếu các mùa hội diễn trước, ấn tượng về sự cũ kỹ đã thể hiện từ danh sách tác phẩm dự thi thì liên hoan này thực sự khởi sắc với nhiều vở mới hoặc lần đầu được dàn dựng trên sân khấu cải lương. Tuy nhiên, vở mới không đồng nghĩa với vở hay hoặc có dấu ấn mới. Chất ngọc - Cầm Thi giang (nhà hát cải lương Tây Đô - Cần Thơ) dù được đầu tư nhiều về hình thức nhưng cách dàn dựng như “liên khúc ca cảnh” làm vở thiếu điểm nhấn, thiếu thu hút. Ánh nhật nguyệt (nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Đồng Nai) khai thác đề tài mới lạ là ngành y tế sau cơn khủng hoảng đại dịch COVID-19 nhưng hình thức thể hiện không tương xứng với nội dung.
Vở Chất ngọc - Cầm Thi giang của đơn vị chủ nhà - Nhà hát Tây Đô - được dàn dựng rất công phu nhưng thiếu sức hấp dẫn
Không ít vở nhờ các mảng miếng dàn dựng “gánh” phần kịch bản còn thiếu thuyết phục như: Khúc tráng ca thành Gia Định, San hô đỏ (nhà hát cải lương Trần Hữu Trang), Hào kiệt Lam Sơn (sân khấu Thiên Long), Nơi bình minh vẫy gọi (đoàn nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh)… Hoặc có vở như Hào quang và bóng tối (đoàn cải lương Hương Tràm - Cà Mau), Anh hùng đất phương Nam (sân khấu Vũ Luân) hoàn toàn nhờ sức hút của diễn viên, không thấy dấu ấn dàn dựng…
Liên hoan này cũng chứng kiến sự “nở rộ” các đơn vị xã hội hóa khi nhiều nghệ sĩ mạnh dạn đầu tư tác phẩm dự thi. Trong đó, có những vở được đầu tư lớn, dàn dựng chỉn chu, mới mẻ, thể hiện tâm huyết của nghệ sĩ như: Truyền tích Cổ Loa xưa (công ty Bảo Sơn), Chân mệnh (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long), Lưu vong - Khí tiết một trung thần (công ty Hồng Lạc Xuân), Người mang 9 án tử (công ty giải trí We)… Nhưng cùng với đó là thực trạng nghệ sĩ bỏ tiền đi thi chỉ cốt lấy huy chương cá nhân nên tìm vội kịch bản, dàn dựng sơ sài, chỉ cần tập trung đất diễn cho mình. Vì vậy mới có những vở cũ kỹ cả nội dung lẫn hình thức (Trước bình minh, Giọt máu oan cừu, Mưa nguồn, Vẫn xanh màu áo lính, Cánh đồng bất khuất, Đêm giao thừa…), thậm chí một số cá nhân còn không đủ năng lực ở một sân chơi chuyên nghiệp.
Các đạo diễn lão làng như NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Giang Mạnh Hà, NSND Hoàng Quỳnh Mai, NSƯT Hoa Hạ hay trẻ hơn có NSƯT Nguyên Đạt vẫn là những cái tên bảo chứng, được nhiều đơn vị đặt niềm tin. Các đạo diễn trẻ muốn thử sức mình hoặc tự giới thiệu gần như phải tự bỏ vốn đầu tư. Đáng mừng là liên hoan này đã xuất hiện gương mặt đạo diễn mới là Dương Khôn (Truyền tích Cổ Loa xưa). Một cái tên không mới là Lê Trung Thảo cũng có bước tiến rất đáng ghi nhận với những tìm tòi làm nên một Lưu vong - Khí tiết một trung thần giàu chất thơ. Đạo diễn Thanh Bình (Cần Thơ) cũng nâng cao tay nghề với bản dựng mới của Chân mệnh. Tuy nhiên, chỉ bấy nhiêu là quá ít.
Đáng lo nhất vẫn là lực lượng biên kịch khi soạn giả Hoàng Song Việt vẫn được trông đợi nhất, dù thời gian qua ông chỉ chủ yếu nhận chuyển thể cải lương. Một cái tên vừa quen vừa lạ là Võ Tử Uyên với những Bến nước Ngũ Bồ, Đêm trước ngày hoàng đạo và Người mang 9 án tử đều tạo được tiếng vang, nhưng chị lại không sáng tác thường xuyên và phải “thai nghén” tác phẩm rất lâu. 2 cây bút trẻ sung sức nhất hiện nay là Phạm Văn Đằng và Nguyên Phương dù đã có bước tiến dài trong quá trình làm nghề nhưng vẫn còn phải học hỏi và rèn giũa thêm để có thể kế thừa ngòi bút sắc nét của các tác giả tiền bối.
Công tác quảng bá, giới thiệu, lan tỏa liên hoan đến người dân Tây Đô cũng chưa hiệu quả. Phần lớn các suất diễn đều vắng vẻ, ngay cả vào buổi tối. Ngoài đoàn chủ nhà, một số buổi thi của các vở Người ven đô, Tây Sơn nữ tướng - Chói rạng sơn hà, Hào quang và bóng tối... “xôm tụ” nhờ nhiều khán giả ruột đi đường xa đến xem hơn là khán giả tại chỗ. Đây thực sự là điều đáng tiếc.