Chưa chọn được phương án thiết kế cầu vượt sông Hương

10/01/2020 - 08:25

PNO - UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ba lần tổ chức thi thiết kế công trình cầu vượt sông Hương nhưng vẫn chưa chọn ra phương án ưng ý để triển khai.

Dọc bờ sông Hương, có ba cây cầu gồm Trường Tiền, Phú Xuân và Dã Viên. Để giảm tải phương tiện lưu thông, tạo thêm điểm nhấn cho con sông di sản, từ tháng 10/2015, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức cuộc thi thiết kế cầu vượt sông Hương, nhận được 11 phương án của 5 đơn vị. Các phương án dự thi được đánh giá có chất lượng thấp, chưa đáp ứng yêu cầu. Phương án đoạt giải cao nhất cũng chỉ được chấm giải ba nên không được lựa chọn.

Tháng 2/2016, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức cuộc thi lần thứ hai, thu hút 20 phương án dự tuyển của 13 đơn vị, trong đó có một đơn vị đến từ Pháp. Kết quả, phương án Chiếc nón xứ Huế đoạt giải nhất, Vầng trăng sông Hương và Sông Hương núi Ngự đoạt giải nhì và ba. Tuy nhiên, các phương án đoạt giải vẫn bị các nhà chuyên môn và công chúng Huế cho là không đẹp, không thể hiện sự đặc sắc về văn hóa, lịch sử Huế. Vì thế, UBND tỉnh mới tiếp tục tổ chức thi lần ba.

Phương án thiết kế cầu Long Thọ của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Thực nghiệm kiến trúc xây dựng, Trường đại học Kiến trúc TP.HCM
Phương án thiết kế cầu Long Thọ của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Thực nghiệm kiến trúc xây dựng, Trường đại học Kiến trúc TPHCM

Cuộc thi thiết kế công trình cầu vượt sông Hương lần thứ ba được phát động tháng 7/2019, nhận được 15 phương án thiết kế của 11 đơn vị dự thi. Tháng 11/2019, hội đồng chấm thi của tỉnh đã chấm bước 1 và chọn được ba phương án để lấy ý kiến của cộng đồng.

Theo phương án thiết kế của liên danh gồm Công ty TNHH WSP Phần Lan và Công ty cổ phần Tư vấn kỹ thuật E&R (TP. Hà Nội), cầu vòm được thiết kế để tạo ra hình ảnh đẹp vào ban ngày và sống động, hấp dẫn vào ban đêm, kết cấu  hiện đại và độc đáo nhưng vẫn phù hợp với môi trường cổ kính của thành phố Huế. Tổng chiều rộng mặt cầu là 43m, bề rộng vòm 2,5m. Dự trù mức kinh phí đầu tư cho phương án này là 2.438 tỷ đồng. 

Trong khi đó, phương án thiết kế của Công ty cổ phần Kiến trúc Lập Phương (CUBIC Architects) nêu ý tưởng, thiết kế phải tôn trọng và hài hòa với thiên nhiên, tạo lập sự khác biệt, tính độc đáo và có “câu chuyện” gắn liền với cây cầu.

Đánh giá về ba phương án được lựa chọn, ông Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, thành viên hội đồng thi tuyển - cho biết, hội đồng đã phân tích phương án và bỏ phiếu kín để lựa chọn các phương án bước vào vòng 2 với quan điểm cầu không được làm to, làm cao, lấn át các cảnh quan văn hóa, lịch sử xung quanh, như hai bờ sông Hương, núi Ngự, chùa Thiên Mụ. Tuy nhiên, sau gần một tháng công bố và lấy ý kiến chính thức, có một số ý kiến cho rằng, ba phương án thiết kế trên chưa thực sự ấn tượng. 

Theo thạc sĩ cầu đường Hoàng Minh Sơn, cây cầu không chỉ để vượt qua sông mà còn có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, biểu tượng của hiện tại và tầm nhìn về tương lai. Huế là một địa phương có nhiều nét đặc trưng về lịch sử, văn hóa, con người. Do vậy, khi lựa chọn một cây cầu, cần tìm sự khác biệt so với những cây cầu trước đây; nó phải vừa mang nét cổ kính của cố đô, vừa mang tính hiện đại, vừa rực rỡ ban ngày, vừa hoa lệ ban đêm. Khi đánh giá các phương án, nên đưa ra nhiều tiêu chí, càng nhiều tiêu chí càng tốt. Ngoài ra, vẻ đẹp kiến trúc và đặc trưng của một cây cầu thể hiện ở nhiều yếu tố: hai đường dẫn đầu cầu, lan can, trụ cầu, mố cầu, chỗ người dân đi bộ, ngắm cảnh, thậm chí là nơi tổ chức các sự kiện lớn (nếu có).

Theo thạc sĩ Sơn, nên công bố rộng rãi 15 phương án dự thi trên các phương tiện thông tin đại chúng để có thêm nhiều góc nhìn từ các chuyên gia, các nhà văn hóa, lịch sử, các nhà quy hoạch. 

Bà Trần Thị Hoài Trâm - Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết, hiện nay, UBND tỉnh chỉ mới có văn bản xin trung ương 1.500 tỷ đồng cho việc thực hiện dự án này. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ thực hiện tiếp các nội dung của cuộc thi để lựa chọn phương án khả thi nhất. 

Riêng trong lần thi thứ ba này, mức tiền thưởng cho giải nhất là 500 triệu đồng, giải nhì 100 triệu đồng. Bà Hoài Trâm thông tin, kinh phí tổ chức các cuộc thi nói trên đều được huy động từ nguồn xã hội hóa. “UBND tỉnh sẽ chọn lựa phương án phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để triển khai. Chúng tôi không khẳng định phương án có giải cao sẽ được chọn” - bà Trâm nói. 

 Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI