Chùa Cầu "mới đi và trẻ ra": Chọn tông màu trước trùng tu sẽ phạm nguyên tắc “không làm giả”

28/07/2024 - 17:47

PNO - Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An khẳng định việc chọn tông màu Chùa Cầu cho gần nhất với hình ảnh trước khi tu bổ, sẽ phạm nguyên tắc “không làm giả”.

Chiều 28/7, Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An - đơn vị được giao chủ trì thực hiện dự án - phát đi thông cáo báo chí về việc tu bổ Chùa Cầu.

Theo đơn vị này, từ khi được xây dựng đến cuối thế kỷ 20, Chùa Cầu đã được tu bổ ít nhất 7 lần vào các năm 1763, 1817, 1875, 1915, 1962, 1986, 1996.

Ngày 28/12/2022, Chùa Cầu được khởi công đại tu bổ. Trung tâm cho rằng: “Việc tu bổ Chùa Cầu được thực hiện trên tinh thần như một cuộc “giải phẫu - chữa bệnh”, nên mọi hoạt động đều cẩn trọng, tỉ mỉ, bài bản, khoa học từ khâu chuẩn bị dự án đến các giải pháp tổ chức và kỹ thuật thi công”.

"Quan điểm và giải pháp tu bổ xuyên suốt dự án là giữ gìn sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu, từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được trân quý gìn giữ ở mức tối đa có thể" - thông cáo cho hay.

Theo đó, có đến gần 60% khối lượng gỗ, gần 30% số viên ngói, 80% số đĩa cổ, 20% cấu kiện đá nền, 35% số con giống trang trí bờ mái… được gìn giữ, tái định vị tại di tích sau khi tu bổ.

Trung tâm cho rằng màu sắc hoàn thiện sau tu bổ của Chùa Cầu được quyết định giữ nguyên màu hiện trạng của tất cả cấu kiện gỗ, bao gồm cả những chi tiết chạm khắc trang trí, hoành phi, liễn đối, không sơn vẽ gì thêm; cấu kiện thay mới hoặc thành phần gia cố chỉ quét phủ chất bảo quản không màu. Tương tự phần thân mố, trụ cầu cũng hoàn toàn giữ nguyên không can thiệp về màu sắc.

Riêng đối với phần tường và chi tiết trang trí trên mái cần phải được phục hồi, bởi hiện trạng gần như đã phai màu hoàn toàn, trong khi cấu trúc vật liệu của chúng đều được làm từ gạch ngói, vữa vôi phần lớn đã bị mục, mất liên kết, nên phải được thay thế hoặc gia cố chắp vá để tận dụng.

Với luồng ý kiến cho rằng nên chọn tông màu, sắc thái sao cho gần nhất với hình ảnh trước khi tu bổ, hoặc làm cho Chùa Cầu bớt “mới” đi; đơn vị này khẳng định điều này không phù hợp với quan điểm, nguyên tắc “không làm giả” mà dự án đã đề ra, đặc biệt dẫn đến lo ngại sẽ làm sai lệch yếu tố gốc, gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến kết quả của việc nghiên cứu về sau.

“Thực tế màu sắc của hệ trang trí mái Chùa Cầu được tu bổ, phục hồi dựa theo một số vị trí tồn tại màu sắc nguyên trạng, kết hợp với kết quả nghiên cứu, khảo sát các công trình tín ngưỡng truyền thống tương tự ở Hội An, như đề xuất của các chuyên gia qua các lần tham vấn, tọa đàm.

Việc phục hồi màu sắc, dù thế nào cũng không thể tránh làm cho di tích có phần “mới” ra, nhưng quan trọng hơn là đã giữ gìn được tính nguyên gốc, đảm bảo tính nguyên tắc trong tu bổ di tích phù hợp với bản chất vốn có của di tích”- Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An cho hay.

Hình ảnh Chùa Cầu mới mẻ sau trùng tu
Hình ảnh Chùa Cầu mới mẻ sau trùng tu
Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hoá Hội An cho biết giải pháp tu bổ xuyên suốt dự án là giữ gìn sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu, từng bộ phận
Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An cho biết, giải pháp tu bổ xuyên suốt dự án là giữ gìn sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu, từng bộ phận.
Riêng hệ mái và màu tường được phục hồi như gốc
Riêng hệ mái và màu tường, chủ dự án cho rằng được phục hồi như gốc.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI