Chùa Cầu được trùng tu như thế nào?

05/08/2024 - 19:04

PNO - Trải qua khoảng 400 năm tồn tại, chùa Cầu trong phố cổ Hội An đã được tu bổ ít nhất 7 lần vào các năm 1763, 1817, 1875, 1915, 1962, 1986, 1996. Do những hạn chế về kỹ thuật và nhiều yếu tố khác nên 3 lần tu bổ gần đây nhất chưa giải quyết căn cơ những nguyên nhân làm xuống cấp chùa này.

Ngày 24/7/1999, UBND TP Hội An đã tổ chức hội nghị tư vấn trùng tu chùa Cầu với sự có mặt của nhiều chuyên gia trong nước nhưng do chưa tìm được giải pháp trùng tu phù hợp nên trong thời gian dài, chùa Cầu chỉ được gia cố, chống đỡ để tránh sụp đổ.

Ngày 16/8/2016, UBND tỉnh Quảng Nam, UBND TP Hội An phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế về trùng tu chùa Cầu với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về tu bổ di tích kiến trúc gỗ trong nước và Nhật Bản. Ngày 28/12/2022, việc trùng tu chùa Cầu được khởi công.

Du khách tham quan chùa Cầu sau khi được trùng tu - ẢNH: LÊ ĐÌNH DŨNG
Du khách tham quan chùa Cầu sau khi được trùng tu - ẢNH: LÊ ĐÌNH DŨNG

Ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An - khẳng định: “Việc tu bổ chùa Cầu lần này là đại tu nên mọi hoạt động đều cẩn trọng, tỉ mỉ, bài bản, khoa học từ khâu chuẩn bị dự án đến các giải pháp tổ chức và kỹ thuật thi công.

Trong quá trình thi công, trung tâm liên tục thu thập, nghiên cứu thông tin, tư liệu, phân tích dấu vết kiến trúc qua các thời kỳ, tham vấn chuyên gia, nhà nghiên cứu, nghệ nhân đối với những vấn đề mới, vướng mắc nảy sinh”.

Ông cho hay, với quan điểm xuyên suốt là giữ gìn sự nguyên vẹn của tổng thể kiến trúc và kết cấu từng bộ phận, đơn vị thi công luôn có ý thức giữ gìn tối đa các cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử. Sau khi hoàn thành việc trùng tu, có gần 60% khối lượng gỗ, gần 30% số viên ngói, 80% số đĩa cổ, 20% cấu kiện đá nền, 35% số con giống trang trí bờ mái… được giữ gìn, tái định vị.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An - khẳng định, đơn vị trùng tu chùa Cầu không cố đưa di tích về một thời điểm nào đó trong lịch sử tồn tại của nó mà cố gắng duy trì tính nguyên gốc của kiến trúc, vật liệu, kiểu dáng, màu sắc. Do toàn bộ di tích hư hỏng nên trong đợt đại trùng tu này, đơn vị thi công phải hạ giải toàn bộ chùa.

Sau mỗi đợt hạ giải bộ phận nào đó, các bên liên quan và cơ quan chuyên môn đều họp, đánh giá toàn diện và đưa ra giải pháp tu bổ hữu hiệu nhất, đồng thời đưa ra phương án tối ưu cho việc hạ giải các cấu kiện tiếp theo.

Mới đây, khi tháo dỡ nhà bao công trình để chuẩn bị cho lễ khánh thành dự án trùng tu chùa Cầu, đã có nhiều ý kiến tranh cãi về diện mạo trông quá mới so với tuổi di tích.

Ông Phạm Phú Ngọc khẳng định: “Việc chọn tông màu, sắc thái sao cho gần nhất với hình ảnh trước khi tu bổ hoặc làm cho chùa Cầu “bớt mới” là không phù hợp với quan điểm “không làm giả” mà dự án đã đề ra ban đầu. Đặc biệt, việc “làm giả” sẽ làm sai lệch yếu tố gốc, gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến kết quả của việc nghiên cứu về sau”.

Ông Nguyễn Văn Sơn chia sẻ: “Hiếm có công trình trùng tu nào như chùa Cầu bởi vì việc xây dựng, tháo dỡ, trùng tu đều diễn ra công khai; trong quá trình trùng tu, người dân, du khách vẫn không bị cấm tham quan, chụp ảnh, quay phim chùa Cầu và các nhà nghiên cứu, cơ quan chuyên môn có thể đến kiểm tra bất cứ lúc nào”.

Ông Nguyễn Văn Sơn nói rất mừng khi nhận được các ý kiến đa chiều sau khi hoàn tất việc trùng tu chùa Cầu: “Mỗi ý kiến có thể xung khắc nhau nhưng đều thể hiện sự quan tâm đến chùa Cầu, thể hiện tình yêu mến đối với Hội An nên chúng tôi rất trân trọng. Đối với những ý kiến và nhận xét chưa chính xác, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin để họ hiểu đúng”.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI