Chưa cận tết, giá thực phẩm đã tăng

09/12/2022 - 07:07

PNO - Giá lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng - đặc biệt là những mặt hàng phục vụ tết Nguyên đán - ở TPHCM bắt đầu tăng từ 5 - 20%. Nhiều tiểu thương lo lắng chưa dám nhập hàng nhiều để bán vì sức mua khá yếu.

Giá tăng dù sức mua yếu 

Chị Yến - chuyên bán tôm, mực, cá khô tại sạp Kim Nhung, chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh - cho biết, giá nhập vào của nhóm hàng này tăng từ 5 - 10% nên giá bán lẻ cũng tăng theo tương ứng. Hiện giá tôm khô các loại dao động từ 500.000-1,5 triệu đồng/kg, giá mực khô từ 1,2-1,4 triệu đồng/kg và có thể còn tăng tiếp từ nay đến tết. 

Sức mua hiện chỉ bằng khoảng 50% so với cùng thời điểm này trước dịch COVID-19 nên hầu hết tiểu thương không dám nhập hàng tết nhiều. Thêm một lý do nữa là hiện nay, công nhân một số nhà máy, sinh viên nhiều trường đã nghỉ tết. 

Giá heo hơi giảm nhẹ nhưng giá bán lẻ thịt heo ở các chợ nhỏ tại TPHCM không giảm  (ảnh chụp tại chợ Hà Đô, quận Gò Vấp) - ẢNH: N.CẨM
Giá heo hơi giảm nhẹ nhưng giá bán lẻ thịt heo ở các chợ nhỏ tại TPHCM không giảm (ảnh chụp tại chợ Hà Đô, quận Gò Vấp) - Ảnh: N.Cẩm

Anh Bảo - chủ một đại lý ở chợ Rạch Ông, quận 8 - nói, chợ vắng khách, giá hàng hóa lại tăng nên anh không dám nhập nhiều hàng. Trước đây, anh chủ yếu bán sỉ nhưng hiện giờ, các mối hàng cũng bán chậm, giảm lượng mua và nợ tiền hàng nên anh phải bán lẻ thêm. 

Anh Bảo nhận định, càng gần tết, giá nhập hàng sẽ càng tăng. Hiện tại, giá bắt đầu tăng từ 3.000-5.000 đồng/sản phẩm, tập trung vào các loại thực phẩm đóng chai như nước mắm, nước tương, dầu hào, sa tế. Giá mì, miến, phở, bún khô cũng tăng từ 10 - 15%/thùng. Riêng giá dầu ăn giảm 3.000 đồng/lít nhưng mức giảm này không đáng kể so với mức tăng trước đó, từ 38.000 đồng lên 50.000 đồng/lít. 

“Sau đợt dịch COVID-19 năm 2021, sức mua ở chợ giảm. Gần đây, việc buôn bán càng ế ẩm hơn do công nhân thất nghiệp, nghỉ tết sớm, về quê. Nhiều tiểu thương bán chậm, hàng hư hỏng hết, không trụ được nên nghỉ bán luôn” - anh Bảo lắc đầu. 

Bánh, kẹo, mứt, cà phê các loại là nhóm hàng tăng giá mạnh nhất do giá nhập vào tăng từ 10 - 20%. Chị Quyên - bán ở sạp 783 chợ Bến Thành, quận 1 - cho biết, các mối sỉ tăng giá bán với lý do “nguyên liệu bị thiếu hụt, giá nguyên liệu đầu vào tăng”. Mức tăng này khá cao nhưng từ nay đến tết, giá sẽ còn tăng nữa. Tuy nhiên, do sức mua thấp, khách đã quen giá cũ nên chị chỉ tăng giá bán khoảng 2.000-5.000 đồng/kg tùy mặt hàng. 

Theo chị Quyên, để giữ khách, chị chấp nhận bán giá cũ với một số món hàng, thậm chí bán giá vốn. Khi khách mua 3-4 món hàng, chị chỉ tăng giá 1-2 món để khách dễ chấp nhận hơn. “Giá cà phê nhập vào tăng từ 40.000 lên 43.000 đồng/gói nhưng tôi chỉ bán 45.000 đồng/gói, lời 2.000 đồng/gói. Mức lời ít nhưng bù qua sớt lại, bán được thêm các mặt hàng khác” - chị nói.

Giá trứng bình ổn thị trường tăng nhẹ 

Thịt heo thuộc nhóm hàng có sức mua giảm mạnh. Cô Nhi - bán thịt heo ở chợ Gò Vấp, quận Gò Vấp - cho hay, lượng thịt heo mà cô nhập vào giảm hơn 50%. Lúc trước, cô bán trung bình 100kg/ngày, giờ chỉ bán 40kg/ngày mà nhiều ngày vẫn tồn hàng. Cô Nhi chủ yếu bán cho sinh viên nhưng hiện giờ, sinh viên nghỉ tết sớm, về quê nên sức mua càng yếu hơn. Giá heo mảnh nhập vào hiện 68.000 đồng/kg, giá bán lẻ dao động từ 70.000-170.000 đồng/kg tùy loại. Cô Nhi cho biết, giá thịt heo đang tăng, giảm 1.000-2.000 đồng/kg tùy ngày chứ chưa biến động nhiều. Dự đoán, giá thịt heo sẽ tăng trong những ngày cận tết, khi nhu cầu làm thịt kho tàu, giò, chả, bánh chưng tăng cao. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, giá heo hơi đang giảm nhưng giá thịt heo bán lẻ không giảm và cũng không đồng nhất giữa các chợ. Tại các chợ Phạm Văn Hai, Bàu Cát, Bà Chiểu, Nguyễn Văn Trỗi, Gò Vấp, giá thịt heo các loại chênh nhau từ 10.000-20.000 đồng/kg. Hiện giá thịt đùi 90.000 đồng/kg, thịt ba rọi 120.000 đồng/kg, thịt ba rọi rút sườn 150.000 đồng/kg, sườn non 160.000 đồng/kg; ở một số chợ nhỏ khác, giá thịt heo cùng loại tương ứng là 100.000 đồng, 140.000 đồng, 170.000 đồng, 180.000 đồng/kg.

Giá bán lẻ gas cũng tăng. Bình gas 12kg hiện có giá từ 438.000-461.500 đồng tùy hãng, tăng 14.000 đồng/bình so với tháng trước. Đây là tháng thứ năm kể từ đầu năm, giá gas tăng, với tổng mức tăng 107.000 đồng/bình 12kg.

Theo đại diện Sở Tài chính TPHCM, giá nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm trong tháng 11/2022 đồng loạt tăng so với tháng trước đó do giá nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển tăng, cộng với ảnh hưởng của thời tiết và mùa vụ. Trong đó, giá rau tươi, rau khô và rau đã chế biến tăng 2,38%. Cụ thể, giá bắp cải tăng 9,58%, rau muống tăng 5,3%, đậu tươi tăng 3,95%. Giá thịt gia cầm cũng tăng 0,9%, thịt chế biến tăng 0,4%, giá đồ gia vị tăng 0,7%, sữa, bơ, phô mai tăng 0,27%, bánh, mứt, kẹo tăng 0,59%, chè, cà phê, ca cao tăng 0,37%, trứng gia cầm tăng 0,51%. 

Từ ngày 10/11, giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn thị trường đã được điều chỉnh tăng. Giá trứng gà loại 1 trong chương trình hiện nay là 33.500 đồng/vỉ, tăng 2.000 đồng/vỉ; giá trứng vịt loại 1 đang là 38.500 đồng/vỉ, tăng 1.500 đồng/vỉ. 

Hiện tại, giá bán lẻ trứng gia cầm trên thị trường tăng 2.000-3.000 đồng/chục: trứng gà loại 1 bình quân 36.600 đồng/chục, trứng vịt loại 1 bình quân 40.150 đồng/chục. Sau khi điều chỉnh giá, giá các loại trứng gia cầm trong chương trình bình ổn thị trường vẫn thấp hơn giá bình quân các mặt hàng cùng chủng loại trên thị trường từ 5,1 - 7,2%.

Giá các thực phẩm khác trong chương trình bình ổn hiện cũng thấp hơn giá thị trường. Chẳng hạn, giá gạo thấp hơn 5,8 - 10,3%, giá đường thấp hơn 19,6%, dầu ăn thấp hơn 9,8%, thịt gia cầm thấp hơn 11,7 - 26,8%, thịt heo thấp hơn 5 - 9,1% tùy loại. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI