Chưa bổ sung sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá

14/07/2020 - 18:29

PNO - Chiều 14/7, tại ngày họp cuối cùng của kỳ họp 46, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.

Theo đó, thực hiện nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, căn cứ quy định của Luật Giáo dục, Luật Giá và các văn bản hướng dẫn, Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết định việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức tối đa.

Theo Chính phủ, việc này sẽ kiểm soát được tình trạng các doanh nghiệp tăng giá đột biến, bất hợp lý.

Toàn cảnh phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp

Về nội dung Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sách giáo khoa không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá hoặc Nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá, theo đó thẩm quyền quyết định giá sách giáo khoa thuộc các đơn vị được cấp phép xuất bản sách.

Một số ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, sách giáo khoa không thuộc diện hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Vì vậy, UBTVQH không có thẩm quyền bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa như Tờ trình của Chính phủ. Trường hợp thực sự cần thiết, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Luật Giá.

Tại cuộc thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nêu ra hai vướng mắc của vấn đề này. Một là Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội quy định phải xã hội hóa phần biên soạn sách giáo khoa.

Hai là Điều 19 của Luật Giá quy định là hàng hóa, dịch vụ mà do Nhà nước định giá là phải đảm bảo các nguyên tắc là hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh; tài nguyên quan trọng; hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.

Trong khi đó sách giáo khoa không phải hàng độc quyền, cũng không phải là dịch vụ công ích, cũng không phải dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước. 

Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét về tờ trình của Chính phủ.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét về tờ trình của Chính phủ

"Tờ trình của Chính phủ chỉ nói tác động một chiều, còn chiều ngược lại khi Nhà nước định giá mà giá của các nhà xuất bản cao hơn thì Nhà nước có trợ giá không, có dùng ngân sách không là những vấn đề chưa rõ", Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, UBTVQH đã thảo luận rất kỹ lưỡng và thấy rằng hiện nay vấn đề cấp bách đặt ra là bộ sách lớp 1 đã in ấn, đã chọn và thực tế có nhiều gia đình đã bắt đầu mua và mức độ ảnh hưởng đối với bộ sách lớp 1 thì không lớn lắm. Thứ hai, đất nước đã đi một chặng đường rất dài, từ bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường, từ Nhà nước chuyển sang xã hội hóa, nếu lại quay trở lại với những quy định chưa phù hợp với kinh tế thị trường thì cần được đánh giá một cách kỹ lưỡng.

Mặt khác, sách giáo khoa không phải là mặt hàng mà Nhà nước định giá theo quy định của Luật Giá. Do đó, UBTVQH đề nghị Chính phủ đánh giá lại, rà soát lại để có cái nhìn căn cơ, tổng thể, hoàn chỉnh lại hồ sơ. Trên cơ sở đó, nếu thấy rằng vấn đề này là cần thiết, cấp bách thì phải đánh giá và báo cáo với Quốc hội ban hành nghị quyết hoặc phải sửa lại Luật Giá. 

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI