Chữa bệnh theo “mẹo”, mang sẹo

24/09/2023 - 17:32

PNO - Dù đã được cảnh báo nhiều lần, không ít người vẫn nghe lời truyền miệng, tự chữa bệnh theo lối dân gian. Điều này chẳng những khiến bệnh không khỏi mà còn gây nhiều sẹo xấu làm bệnh nhân mặc cảm. Ngoài ra, chữa bệnh theo “mẹo” còn để lại nhiều biến chứng nặng nề, nguy hiểm.

 

Bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời bằng cách che chắn và dùng kem chống nắng, tẩy trang mỗi tối là điều cần thiết để hạn chế mụn trứng cá - Nguồn ảnh: Internet
Bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời bằng cách che chắn và dùng kem chống nắng, tẩy trang mỗi tối là điều cần thiết để hạn chế mụn trứng cá - Nguồn ảnh: Internet

Cắt lể chữa mụn, chữa giời leo bằng mẹo

Ngày 14/9, bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Vi Anh - Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - đã tiếp nhận một trường hợp bị biến chứng do chữa mụn bằng phương pháp dân gian.

Bệnh nhân là P.T.K. (17 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM). K. bị mụn rất nhiều, không chỉ ở mặt mà còn tại vùng lưng và cánh tay. Mẹ K. chẳng những mua thuốc về bôi cho con nhưng tình trạng không giảm mà mụn còn mọc lên ngày càng nhiều. Điều này khiến K. vô cùng mặc cảm. Nghe bà ngoại K. mách rằng ở quê có thầy lang chữa mụn bằng lối dân gian rất hiệu quả, không cần thuốc men, mẹ K. đã cho con thử. K. được thầy lang cắt lể để diệt mụn.

Theo lời thầy lang, sau khi cắt lể da, nặn máu xấu, mụn sẽ không mọc lại nữa. Kết quả mụn vẫn còn nguyên, thậm chí mọc nhiều hơn trước. Chưa hết, các vết cắt lể bị rỉ dịch mủ, sưng đau khiến bệnh nhân vô cùng đau đớn, tới mức phải nằm sấp lúc ngủ.

Tại Bệnh viện Đại học y dược TPHCM, bác sĩ Vi Anh chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng do cắt lể trên nền mụn trứng cá (viêm nang lông). Dù đã kiểm soát được tình trạng nhiễm trùng nhưng vị trí cắt lể vẫn để lại chi chít vết sẹo lồi. Đó còn chưa kể bệnh nhân phải đối diện với nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm qua máu nếu dụng cụ cắt lể không đảm bảo vô trùng. 

Một trường hợp khác cũng bị biến chứng do chữa bệnh theo lối dân gian là chị N.T. M. (34 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM). Cách đây 2 tuần, chị M. bị nổi vệt giời leo ở cổ. Chị thử lấy thuốc sát trùng bôi nhưng vết loét đỏ vẫn lan rộng, nổi bóng nước kèm cảm giác đau nhức vô cùng khó chịu. Mẹ chồng bảo chị bị giời leo do quần áo phơi ngoài sân qua đêm. Bà còn nói, nếu không chữa mẹo ngay, giời leo đi đủ một vòng là sẽ bị mất mạng.

Mẹ chồng chị giải thích: “Con “giời” là một loại côn trùng hay đậu lên quần áo vào ban đêm. Bởi vậy, ông bà ta xưa thường kiêng phơi đồ ngoài trời qua đêm để tránh bị “giời” đậu, tiết ra chất độc. Người mặc phải quần áo có dịch nhớt của con “giời” sẽ bị nổi vết đỏ kèm bóng nước. Càng ngày các vết tổn thương trên da càng lan rộng, đường đi ngoằn ngoèo nên gọi là giời leo…”.

Để chữa bệnh, chị M. làm theo lời mẹ chồng: nhai nát hạt đậu xanh sống rồi đắp lên vùng da bị loét. Chị làm như vậy được vài ngày thì hết chịu nổi vì vết thương quá đau nhức, cảm giác đau rất sâu nên đã đi bệnh viện khám.

Bác sĩ Vi Anh xác định bệnh nhân bị viêm da do zona (vi rút varicella) còn được dân gian gọi là giời leo. Khi bị zona, trên da người bệnh sẽ nổi các vết loét kèm mụn nước rải rác, để lâu sẽ lan rộng và liên kết lại thành mảng. Vi rút gây bệnh zona và thủy đậu là một loại. Khi bị zona, bệnh nhân sẽ đau rát. Đối với bệnh zona, thời gian điều trị hiệu quả nhất bằng thuốc kháng vi rút là trong vòng 48 giờ đầu kể từ lúc khởi phát. Vi rút này gây tổn thương trên da theo đường dây thần kinh nên bà con tưởng là giời leo vẽ bùa. Nếu can thiệp chậm trễ hoặc sai cách, bệnh nhân sẽ bị các di chứng đau mạn tính do dây thần kinh bị tổn thương. Ngoài ra, vết thương nhiễm trùng dễ để lại sẹo xấu, mất thẩm mỹ.

Trường hợp tương tự là anh T.V.H. (33 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM). Ban đầu, anh H. bị sốt. Sau đó, trên tay và mặt bệnh nhân bắt đầu nổi các mụn nước. Gia đình thấy giống bệnh trái rạ (thủy đậu) đã ra ngoại thành xin gốc rạ đem về đốt thành tro rồi bôi lên các mụn nước. Sở dĩ làm như vậy vì người nhà anh H. nghe đồn rằng khi bị bệnh trái rạ phải bôi tro của gốc rạ mới mau khỏi. Kết quả, các đốm mụn nước bể ra, chảy mủ xanh. Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán bị thủy đậu bội nhiễm. Dù được xử trí nhưng trên mặt bệnh nhân vẫn còn lại các vết sẹo rỗ sâu vô cùng mất thẩm mỹ.

Cần đi khám để điều trị kịp thời

Bệnh nhân bị  tổn thương sẹo xấu chi chít trên lưng do cắt lể trị mụn trứng cá ẢNH: L.A.
Bệnh nhân bị tổn thương sẹo xấu chi chít trên lưng do cắt lể trị mụn trứng cá - Ảnh: L.A.

Qua những ca bệnh kể trên, bác sĩ Vi Anh khuyến cáo người bệnh tuyệt đối không được bôi các loại thuốc tự chế, cắt lể da để chữa bệnh. Thanh thiếu niên ở tuổi dậy thì thường bị bùng phát mụn. Mụn trứng cá hay xuất hiện ở mặt, cổ, lưng, cánh tay. Nguyên nhân gây ra mụn trứng cá là do bất thường sừng hóa nang lông, tăng tiết bã nhờn, dinh dưỡng, lối sống (thức khuya, stress, chăm sóc da chưa đúng cách). Để điều trị mụn trứng cá, bệnh nhân cần đi khám chuyên khoa da liễu nhằm được chẩn đoán và đưa ra phương pháp can thiệp phù hợp.

Bên cạnh các loại thuốc uống và bôi, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn cách làm sạch da, tránh các sản phẩm gây kích ứng da, uống nước và cấp ẩm cho da đầy đủ. Bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời bằng cách che chắn và dùng kem chống nắng, tẩy trang mỗi tối là điều cần thiết để hạn chế mụn trứng cá.

Người bệnh còn được khuyên chú ý dinh dưỡng như hạn chế uống sữa, tránh các chất kích thích như cà phê, bia rượu và không nên thức khuya. Việc điều trị mụn sai cách dễ gây các biến chứng như nhiễm trùng, để lại sẹo rỗ, sẹo xấu, khiến người bệnh không chỉ tốn thời gian và tiền bạc để khắc phục hậu quả mà tâm lý còn bị ảnh hưởng nặng nề.

Đặc biệt, bệnh nhân đi cắt lể để trị mụn dễ bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, viêm gan siêu vi B/C… do dụng cụ không đảm bảo vô trùng.

Tiếp đến, với nhóm bệnh có biểu hiện ngoài da do vi rút gây ra như thủy đậu, giời leo, bệnh nhân cần đi khám và được bác sĩ điều trị trong vòng 48 giờ. Các hình thức như bôi thuốc tím sát trùng chỉ có tác dụng ngoài da. Bệnh do vi rút có thể gây ra các biến chứng như tổn thương dây thần kinh, viêm phổi, viêm màng não. Một số biến chứng của bệnh thủy đậu do điều trị chậm trễ là viêm tai, viêm thanh quản, viêm phổi, viêm não…

Ngoài ra, bệnh nhân có thể tiểu ra máu do bị viêm thận. Bệnh thủy đậu ở phụ nữ mang thai có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho thai nhi, đặc biệt với giai đoạn đầu thai kỳ. Thai phụ dễ sẩy thai. Nếu mẹ mang thai bị thủy đậu thì trẻ sinh ra có thể mắc thủy đậu bẩm sinh hoặc nhiều dị tật như đầu nhỏ, tay chân co gồng, bại não, nhẹ cân, chậm phát triển… Trường hợp thai phụ mắc bệnh vào thời điểm gần sinh hoặc sau sinh, trẻ có nguy cơ bị nhiễm bệnh với tình trạng nghiêm trọng, có nhiều mụn nước, dễ mắc viêm phổi, viêm đường hô hấp…

Thông thường, bệnh thủy đậu có thể tự khỏi nếu bệnh nhân được chăm sóc tốt. Một số trường hợp trở nặng cần được bác sĩ thăm khám và điều trị. Có thể phòng ngừa thủy đậu bằng cách tiêm vắc xin. Bệnh dễ lây nên người bệnh cần được cách ly ở phòng riêng, mặc đồ rộng và giữ gìn cơ thể sạch sẽ để tránh bội nhiễm. Không được tự ý bôi đắp các loại lá theo lối dân gian lên vết thương. Dù thủy đậu đã khỏi nhưng vi rút varicella vẫn còn tiềm ẩn trong các đầu dây thần kinh. Vào thời điểm đề kháng cơ thể suy giảm, vi rút này sẽ hoạt động và khởi phát thành zona hay còn gọi là giời leo.

Zona thần kinh là bệnh truyền nhiễm, có thể lây lan cho người thân trong gia đình lúc thời tiết giao mùa (mùa mưa). Đường lây do tiếp xúc với dịch tiết từ vết mụn nước của người bệnh khi sinh hoạt chung. Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần nhưng với người chưa tiêm vắc xin thủy đậu, nếu bị lây vi rút varicella thì dễ khởi phát bệnh. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI