Chữa bệnh tâm lý bằng tranh, nhạc, thủ công…

16/05/2019 - 06:00

PNO - Nghệ thuật là một phần trong cách dùng phương pháp trung gian để điều trị cho những bệnh nhân bị rối loạn tâm lý, tâm thần.

Đây là một phương pháp khoa học, được công nhận về tính hiệu quả. Bác sĩ Lâm Hiếu Minh - Đơn vị tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết, 70% số bệnh nhân của mình được ông áp dụng trị liệu thông qua trung gian, đặc biệt là trị liệu bằng nghệ thuật. 

Nhìn tranh đoán hoàn cảnh gia đình

Một cậu bé 5 tuổi tên N.H.T., bị tăng động giảm chú ý đến trị liệu bằng tranh vẽ. T. được bác sĩ phát cho tờ giấy A4, hộp màu. Bác sĩ nói con hãy vẽ bất cứ gì con thích. Sau khi bức tranh hoàn thành, bác sĩ hỏi để cậu bé tự thuyết minh mình đã vẽ những gì, ý nghĩa thế nào.

Chua benh tam ly bang tranh, nhac, thu cong…
Bức tranh của bệnh nhi luôn có hình ảnh mặt trời với hung tính bạo lực. Mặt trời là ẩn dụ cho người cha, người đàn ông trong gia đình.

Bức vẽ được bác sĩ chụp hình lại kèm ghi chú của chính bệnh nhi về nội dung bức tranh, đánh dấu thời gian bức tranh được khởi tạo. Vào buổi hẹn tuần sau, T. lại đến, lại vẽ tranh, đôi khi bác sĩ sẽ gợi ý chủ đề cho bức tranh nhằm tiến sâu thêm vào những ô cửa còn khóa trái trong thế giới nội tâm của cậu bé. Bằng cách đó, những bí mật dần được bộc lộ. Cậu bé cũng học được cách thể hiện cảm xúc qua vẽ tranh thay vì bột phát la hét, kích động như trước đây bởi nghĩ rằng trên đời này không có ai hiểu mình. 

Bác sĩ Minh mở bức tranh ở buổi vẽ thứ nhất, phân tích đời sống nội tâm của cậu bé. Trong bức tranh, cậu bé này sử dụng rất nhiều gam màu đỏ, mặt trời đỏ, ngôi nhà cũng đỏ. Nóc nhà có cây ăng-ten và mặt trời với một hình hài kỳ dị dính vào cây ăng-ten. Trên mặt trời có những nét vẽ rối ren đen thui như dây kẽm gai. Ngoài ngôi nhà có hai người đang đứng.

Cậu bé tự giải thích bằng những ngôn từ lộn xộn, ngô nghê rằng: “Mặt trời bị điện từ cây ăng-ten giật văng con mắt ra ngoài. Trong nhà em bé đang xem ti vi. Mẹ và chị đi chợ chưa về”. Tuy nhiên, dưới phân tích của bác sĩ tâm lý, câu chuyện tưởng chừng rời rạc đó lại có sự liên kết với nhau. Em bé xem ti vi liên quan tới mặt trời bị điện giật. Em bé có một mình đóng khung kín trong nhà, không có người thân nào khác, mẹ và chị đi vắng.

Xem tiếp bức tranh ở buổi thứ hai của bé cũng là hình ảnh ông mặt trời. Bé T. vẽ mặt trời đánh em bé, còn mẹ lại bảo phải đi ngủ sớm không được xem ti vi nữa. 

Hầu hết tranh của bệnh nhi này đều có hình ảnh ông mặt trời dưới ý nghĩa tiêu cực, còn em bé như thể rất cô độc khi phải đối diện với mặt trời. Bác sĩ Minh cho biết, trong tâm lý học, hình ảnh mặt trời trong bức tranh của trẻ em chính là ẩn dụ của người đàn ông trong nhà, có thể là ông nội, chú, bác, là cha của đứa trẻ. Tranh dùng màu đỏ chủ đạo, đứa trẻ này hung tính rất nhiều. Từ những gợi ý qua tranh vẽ của bé trai, bác sĩ trò chuyện với gia đình và biết được bé hay bị cha đánh từ khi chưa đầy hai tuổi. 

Những buổi trị liệu tiếp theo diễn ra, hiệu quả cải thiện trông thấy, sau khi được giải tỏa, chia sẻ, bức tranh sau này của bé T. xuất hiện những gam màu dịu nhẹ tươi sáng hơn, tính bạo lực cũng giảm bớt.

Nhạc cổ điển giảm stress

Âm nhạc là liều thuốc kỳ diệu chữa lành những vết nứt trong tâm hồn, giúp người ta thư giãn, giảm căng thẳng. Đây là liệu pháp được nhiều bác sĩ chỉ định cho những bệnh nhân bị trầm cảm, rối loạn lo âu. Tùy mỗi mục đích và tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đề nghị một thể loại âm nhạc khác nhau. 

Chua benh tam ly bang tranh, nhac, thu cong…
 

Chẳng hạn một buổi trị liệu nhóm bằng âm nhạc cho những bệnh nhân rối loạn tâm thần hoặc tự kỷ, có điểm chung là khó khăn khi bày tỏ và giao tiếp. Mỗi người sử dụng một loại nhạc cụ khác nhau, được hướng dẫn cách làm nhạc cụ phát ra tiếng.

Trong trò chơi này mọi người đều không nói chuyện mà chỉ dùng thanh âm của các nốt nhạc để người khác biết mình vui hay buồn, giận dữ hay hạnh phúc, đồng ý hay từ chối. Âm nhạc cũng rất hữu ích trong điều trị trẻ tự kỷ. Nhờ âm nhạc mà những bệnh nhi này thẩm âm tốt hơn, từ đó hỗ trợ phát triển về ngôn ngữ, giao tiếp cho các bé.

Bác sĩ Minh đang điều trị cho một nữ bệnh nhân 40 tuổi, bị rối loạn lo âu. Người phụ nữ này luôn căng thẳng, mất ngủ vì áp lực công việc và gia đình. Bác sĩ đã khuyên bệnh nhân mỗi ngày nghe nhạc cổ điển trong một không gian yên tĩnh khoảng 45-60 phút.

Nghiên cứu cho thấy tiết tấu của nhạc cổ điển gần với nhịp tim, do đó sẽ giúp ích cho những ai bị stress điều hòa, bình tâm trở lại. Trong trường hợp này tránh nghe nhạc mạnh như rap, rock, nhạc sàn remix, vì tiết tấu nhanh, mạnh sẽ khiến bệnh nhân thêm lo lắng, kích động.

Làm thủ công để biết mình là ai

Ngoài âm nhạc, vẽ tranh, còn một phương pháp trị liệu để kéo bệnh nhân trở về với hiện thực. Chúng tôi được phép tiếp cận 5-6 bệnh nhân đang ngồi quanh chiếc bàn tạo tranh cát, đan lát, cắt dán những con thú ngộ nghĩnh. Họ đang làm một hoạt động giống nhau nhưng mục đích trị liệu lại khác nhau. 

Chẳng hạn, nam bệnh nhân tên P.V.D., 45 tuổi bị hoang tưởng, mục đích dán tranh cát ngày này qua ngày khác để anh ta không có thời gian nghĩ viển vông, tưởng tượng lung tung. Anh này luôn nghĩ mình rất giàu, là giám đốc nhưng dần dần anh ta sẽ tỉnh ra “thực tại của mình là ngồi ở đây, dán tranh mỗi ngày như thế này, mình không phải giám đốc”. Còn đối với anh N.X.S., ngồi bên cạnh, tuy cũng ngồi dán tranh, cắt dán thủ công nhưng anh này bị suy giảm nhận thức, việc làm thủ công nhằm giúp anh linh hoạt hơn.

Còn rất nhiều phương pháp trị liệu trung gian khác được phối hợp, áp dụng điều trị cho các bệnh nhân rối loạn tâm lý, tâm thần. Tuy nhiên, bác sĩ Minh khuyến cáo, cách trị liệu này phải được thực hiện bởi bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý, có thể phối hợp cùng với những người làm nghệ thuật để đạt hiệu quả tối ưu.

Trên thực tế, một số người làm nghệ thuật tự ý trị liệu cho bệnh nhân, đây là điều không nên, bởi họ không có chuyên môn về tâm lý. Trị liệu nghệ thuật chỉ là một phần, chỉ bác sĩ mới biết với từng đối tượng cụ thể sẽ cần kết hợp thêm những liệu pháp điều trị nào.

Áp dụng trị liệu thông qua trung gian đòi hỏi sự kiên nhẫn và thời gian. Một liệu trình điều trị ít nhất phải 20 phiên (mỗi phiên khoảng 45-60 phút).

Thống kê từ Viện Tâm thần Quốc gia cho thấy, có tới 30% người Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó trầm cảm chiếm tới 15-25%. Theo phó giáo sư - tiến sĩ Cao Tiến Đức - Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, mỗi năm khoảng 40.000 người Việt Nam tự tử do trầm cảm. Hầu hết trường hợp tự tử đều do rối loạn tâm thần, trong đó 75% trầm cảm. 85% bệnh nhân ung thư hiện nay đang mắc bệnh trầm cảm.

Thanh Huyền 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI