NHỮNG CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ 

CẦN ĐƯỢC TIẾP CẬN ĐA CHIỀU

Anh từng làm kinh doanh, làm báo để rồi chọn ở lại với dịch thuật. Liệu có ảnh hưởng nào từ truyền thống của gia đình đến sự lựa chọn này của anh?

Dịch giả Châu Hải Đường: Sau khi tốt nghiệp Đại học tôi đã làm qua nhiều công việc. Từ dạo ấy, ngoài thời gian làm việc, mỗi buổi tối ở nhà hay rảnh rỗi tôi đã đọc và có những bài dịch đầu tiên về các lĩnh vực văn hóa, lịch sử gửi đăng ở một số báo và tạp chí. Được khám phá những câu chuyện lịch sử, văn hóa mới mẻ và có thể chia sẻ đến các bạn cùng chung niềm yêu thích qua con chữ là điều vô cùng hạnh phúc. Đó chính là sức lôi cuốn âm thầm dần kéo tôi tập trung sâu hơn vào công việc dịch thuật, đặc biệt là dịch sách vở, tư liệu trong lĩnh vực văn, sử mà tôi yêu thích từ nhỏ.

Với chữ Hán, tôi luôn thấy mình may mắn khi được ông nội - người thầy dạy chữ đầu tiên - hướng dẫn chỉ bảo từ những nét bút đầu tiên. Ông tôi là người rất yêu thơ văn và khéo kể chuyện. Tuy gia đình không có ai làm trong lĩnh vực văn chương, dịch thuật, nhưng tôi vẫn thấy mình học được rất nhiều từ lời ăn tiếng nói, những câu trò chuyện trong gia đình và cả ở vùng quê tôi sống.        

Ở buổi chuyển giao giữa chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ cũng xuất hiện không ít cây bút làm công việc dịch thuật này với nỗi lo “đứt gãy văn hóa” giữa thế hệ trước và thế hệ sau, giữa quá khứ và tương lai. Hẳn đó cũng là mối bận lòng của anh khi “tìm sử Việt trong sử Trung”?

Đúng như bạn nói, vào những năm đầu thế kỷ trước, khi chữ Nho - nay ta hay nói là chữ Hán, chữ Nôm - dần mất đi vị thế và được thay thế bằng chữ Quốc ngữ, không ít nhà nho, nhà khoa bảng đã lo ngại về việc “đứt gãy văn hóa”. Các cụ đã tìm cách duy trì và truyền bá nền cổ học bằng cách dịch thuật sách vở, kinh điển của Nho gia, dịch các sách sử, văn chương Trung Hoa, Việt Nam để thế hệ kế cận có thể hiểu biết cặn kẽ hơn về văn hóa dân tộc trước làn sóng Âu hóa khi ấy.

Việc tìm kiếm, dịch thuật các sử liệu liên quan đến nước ta từ chính sử, tư sử, hay những ghi chép của Trung Quốc xưa như bạn vừa nói là “Tìm sử Việt trong sử Trung” thì không hoàn toàn như vậy. Như tôi từng chia sẻ, đó là nhu cầu được tìm hiểu thông tin đa chiều hơn về những câu chuyện lịch sử của đất nước, dân tộc. Trong thế giới mở, các tư liệu về lịch sử đang ngày càng phong phú thêm do sự giao lưu về kinh tế chính trị xã hội ngày một mở rộng và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin. Các tư liệu cũng đa chiều hơn, các sự việc được nhìn nhận từ nhiều hướng hơn.

Làm việc với các văn bản cổ chưa bao giờ là dễ dàng với bất cứ dịch giả nào. Lúc chọn nghề này anh có đắn đo, không chỉ là ở khía cạnh lao động mà còn ở khía cạnh kinh tế?

Công việc cứ cuốn tôi theo nó. Vì thế có lẽ tôi còn chưa kịp đắn đo. Tuy nhiên tôi biết, làm việc với các văn bản Hán văn cổ thực sự không dễ dàng. Chỉ khi yêu thích nó mới có thể để tâm tìm hiểu, nghiên cứu và giải mã, dịch thuật được tốt nhất. Ở khía cạnh lao động, bạn phải chấp nhận sự vất vả nhưng cũng hấp dẫn ấy của nó.

Còn ở khía cạnh kinh tế, bạn phải thử làm phép tính: với khả năng làm việc như vậy mình có thể kiếm được thu nhập có đủ sống không. Nếu tự tin là có thể thì bạn quyết định được rồi. Những đắn đo như vậy sẽ giúp bạn quyết tâm và nỗ lực hơn để làm công việc mình yêu thích.

Chỉ riêng sự đa nghĩa và súc tích của văn bản cổ đã là một thách thức. Làm thế nào để dịch giả có thể hiểu rõ bản chất sự kiện, nội dung sau lớp vỏ của ngôn từ?

Những văn bản cổ viết theo lối văn ngôn, hay dẫn dụng điển cố, điển tích luôn là thách thức không nhỏ cho người dịch. Đặc biệt, với các tài liệu Hán Nôm viết tay với lối chữ thảo thì sự thách thức ấy còn tăng thêm một bậc. Chỉ có thể không ngừng trau dồi kiến thức, chịu khó tìm hiểu, không chủ quan võ đoán, để tâm tham cứu các lối chữ viết khác nhau… thì dịch giả mới có thể thực hiện được tốt nhất công việc dịch thuật, nghiên cứu.

ĐỌC VÀ VIẾT

NHƯ HAI CHIỀU MỘT CON ĐƯỜNG

Bên cạnh tính chính xác, khi dịch, anh còn quan tâm đến những yếu tố nào?

Nhà dịch thuật Trung Hoa - Nghiêm Phục đề ra tiêu chuẩn dịch thuật sau này được nhiều dịch giả coi như tiêu chuẩn là “Tín - Đạt - Nhã”. Tôi hoàn toàn đồng tình. Tính chính xác mà bạn nói đến chính là chữ “Tín” trong ba chữ ấy. Như vậy, ngoài sự chính xác (Tín) thì một bản dịch còn phải “Đạt” - tức là truyền tải đủ ý. “Nhã” tức là dùng từ ngữ trang nhã, chuẩn mực để diễn đạt. Gần đây tôi lại được biết đến một quan điểm về dịch thuật của Phó Lôi - một nhà dịch thuật Trung Hoa khác - là: “Thần tự”. Tức là dịch phẩm phải truyền tải được thần thái của tác phẩm gốc. Quan điểm này rất đúng, có thể bổ sung thêm cho tiêu chuẩn Tín - Đạt - Nhã. Tôi thường trò chuyện với bạn bè rằng: người dịch phải làm sao dịch ra được cái giọng điệu trong từng câu văn của tác giả, thậm chí phải hiểu được ý tứ ở ngoài lời văn.       

Giao lưu với độc giả trong buổi giới thiệu bản dịch đầy đủ Đông Chu Liệt Quốc

Giao lưu với độc giả trong buổi giới thiệu bản dịch đầy đủ Đông Chu Liệt Quốc

Người làm công tác nghiên cứu, dịch thuật sử liệu cần hỗ trợ gì, ở góc độ nhà nước, để có thể theo đuổi lâu dài công việc này, thưa anh?

Tôi vẫn luôn cho rằng, nếu có cơ chế hợp tác hoặc hỗ trợ của Nhà nước thông qua các cơ quan chuyên môn hay các viện nghiên cứu chuyên ngành cho những người nghiên cứu, dịch thuật sử liệu thì việc ấy có thể thực hiện một cách có hệ thống hơn, có tiềm lực để theo đuổi các công trình lớn, dài hơi hơn. Từ đó, chúng ta dần sẽ có một kho sử liệu cung cấp cho các nhà nghiên cứu, cũng như các bạn yêu thích tìm hiểu lịch sử. Việc số hóa tư liệu, sách vở Hán Nôm để những nhà nghiên cứu có thể tiếp cận cũng là một việc vô cùng quan trọng.

Việt Kiệu Thư - bộ sách được dịch giả dành nhiều thời gian đối chiếu và dịch Việt Kiệu Thư - bộ sách được dịch giả dành nhiều thời gian đối chiếu và dịch

Trong tản văn “Những ngày không sách”, Phùng Ký Tài có đoạn viết: “Đọc sách là thưởng thức người khác. Viết sách là đào xới chính mình. Đọc sách là được người khác tắm gội cho mình, còn viết sách là một kiểu tự mình gột sạch cho mình”. Hẳn là, anh ít nhiều cũng đồng cảm với điều này?

Với tôi, viết và đọc giống như hai chiều của một con đường để chúng ta đi và trở về, tiếp nhận và chia sẻ. Tôi đặc biệt tâm đắc với điều ấy, bởi công việc của một dịch giả, rất may mắn, đã bao gồm cả hai công việc: được đọc tác phẩm gốc của tác giả, và được dùng ngôn ngữ của mình kể lại câu chuyện ấy, chia sẻ cùng độc giả.

Tham gia Hội thảo tại Viện VHNT Phùng Ký Tài - Thiên Tân TQ

Tham gia Hội thảo tại Viện VHNT Phùng Ký Tài - Thiên Tân TQ

Một số dịch phẩm đáng chú ý như: Đường Tống truyền kỳ - Lỗ Tấn hiệu lục (2017), Đông Chu liệt quốc (2018, hiệu đính và bổ sung), Phù sinh lục ký - Thẩm Phục (2018), Dạ đàm tùy lục - Hòa Bang Ngạch (2019), Đường thi họa phổ - Hoàng Phượng Trì (2020), Việt Kiệu thư - Lý Văn Phượng (dịch và khảo đính, 2022), Thái Bình Thiên Quốc diễn nghĩa - Hoàng Tiểu Phối (2023)… Gần đây là Xuân Thu sử - Đồng Thư Nghiệp (2025). Anh cũng biên soạn nhiều đầu sách có giá trị như: An Nam truyện (2018), Cổ vận tân phong - tuyển tập thi từ chữ Hán Việt Nam đương đại (in chung, 2022). Một số tác phẩm của các tác giả Trung Quốc hiện đại như Phùng Ký Tài, Diêm Liên Khoa… cũng được Châu Hải Đường chọn dịch và giới thiệu đến độc giả trong nước.

Chia sẻ bài viết: