Chưa bao giờ hết thương nhau

26/10/2021 - 06:00

PNO - Gặp gỡ những hoàn cảnh thắt ngặt thương tâm, anh chị mới thấy những gian khổ từng trải qua chẳng là gì, nên càng trân quý hạnh phúc đang có.

Trò chuyện với tôi, chị Nguyễn Thị Thúy Nga (xã An Bình, H.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) thở dài: “Đời tôi gian nan, ba chìm bảy nổi lắm”. 

Ở tuổi U60, chị Nga vẫn lưu giữ những nét đẹp thanh tú thời son trẻ. Thuở đó, cô giáo Thúy Nga nên duyên cùng anh Kiều Anh Tuấn - kỹ thuật viên ở công ty dệt may. Ngoài giờ dạy, chị Nga bán thêm quần áo, vải, chăn màn… Nhờ có duyên, sạp vải của chị rất đắt khách.

Có lần cho bạn mượn một số tiền lớn, bạn quỵt không trả, khiến chị Nga lâm vào cảnh nợ nần. Chị phải bán sạp vải, gom số tiền còn lại mở xưởng làm đầu lọc thuốc lá. Ban ngày sản xuất, chiều muộn chị Nga và chồng chở từng bao đầu lọc đi bỏ mối cho các xưởng làm thuốc lá, rồi lắt nhắt đi gom tiền. Dù cực nhọc nhưng vợ chồng chị luôn động viên nhau cố gắng.

Anh Tuấn chị Nga (bìa trái) trong ngày vui của con trai
Anh Tuấn chị Nga (bìa trái) trong ngày vui của con trai

 

Thời gian sau, không cạnh tranh nổi với hàng Thái Lan, chị Nga đành dẹp xưởng. Lần thất bại này, chị Nga bán hết máy móc trang trải, vẫn còn nợ một số tiền lớn. Cùng đường, anh chị gửi ba đứa con cho nhà nội rồi lên TP.HCM làm công nhân.

Thuở đó điện thoại chưa phổ biến nên anh chị nhớ con cũng không biết làm sao. Lo bà nội không gánh nổi ba đứa nhỏ, chưa hết năm anh chị lại quay về quê.

Má chị Nga bày cho chị bán cơm tấm. Bà chủ tiệm vải ngày nào giờ phải bưng bê từng đĩa cơm cho khách nhưng chị Nga không ngại, miễn có tiền trả nợ. 3 giờ sáng anh Tuấn dậy cùng vợ dọn quán, nướng thịt. Anh Tuấn làm ở xí nghiệp dệt, rồi qua công ty chăn nuôi… Dù trái nghề nhưng anh vẫn chịu khó học hỏi, miễn có lương mang về cho vợ.

Vợ chồng tích góp dần rồi cũng trả dứt nợ, nuôi ba đứa con học hết đại học. Thấy ba mẹ cực nhọc, tụi nhỏ cũng biết nghĩ, đứa nào cũng ngoan, chăm chỉ học hành, đi làm có tiền thì gửi về phụ ba mẹ.

Trong dòng nhớ miên man, chị Nga biết ơn chồng luôn kề vai sát cánh bên vợ. Sống với nhau từng ấy năm, vợ chồng chị chưa bao giờ cãi vã. Thấy chị nổi nóng, anh Tuấn liền đi chỗ khác, đợi chị nguôi mới phân tích đúng sai.

Hỏi anh Tuấn, khi vợ làm ăn thất bại anh có cằn nhằn chị không. Anh Tuấn cười hiền: “Vợ cực khổ lắm, thương còn không hết, giận sao được”. Chị Nga thì nói: “Anh ấy không bao giờ nặng nhẹ, luôn ủng hộ vợ hết mình. Lúc trước em gan lắm, thất bại thì làm lại, chưa bao giờ ngán, cũng không thấy vất vả”.

Chị kể, cái năm em trai chị Nga bị xuất huyết bao tử, bệnh viện tỉnh trả về. Vợ chồng chị đưa em lên TP.HCM chữa trị, quyết tâm còn nước còn tát. Em qua giai đoạn nguy hiểm, chị Nga lật đật về buôn bán kiếm tiền, anh Tuấn ở lại nuôi em vợ. Nhờ vậy mà em chị qua ải tử thần.

Má chị Nga đau ốm, cũng anh Tuấn đưa đi bệnh viện, cùng chị chăm nuôi. Má đi đám tiệc, thăm họ hàng, anh Tuấn làm tài xế. Anh Tuấn cười hiền: “Việc nhà vợ cũng là việc của mình, phân biệt làm chi”.

Nỗi khổ mấy năm đó chưa bằng lần con trai lớn của anh chị bị suy thận. Tài sản tích góp bấy lâu đội nón ra đi. Nhìn con trai đang tuổi thanh niên bỗng dưng vướng bệnh hiểm nghèo, anh chị không khỏi rơi nước mắt. Dù thắt lòng, anh chị vẫn động viên con: “Con còn trẻ, tích cực chữa bệnh rồi sẽ không sao”.

Hơn một năm, bệnh tình con dần ổn định. Các em chồng thấy anh chị khó khăn, thường hay giúp đỡ. Cháu bệnh, các em phụ tiền thuốc thang, giúp vốn để cháu kinh doanh phụ tùng xe máy, kiếm tiền để chạy thận định kỳ. Chị Nga luôn biết ơn gia đình chồng đã thương yêu, bảo bọc mẹ con chị. 

Chị Nga (áo ca rô hàng đứng) và nhóm thiện nguyện trong lần khánh thành cầu mới
Chị Nga (áo ca rô hàng đứng) và nhóm thiện nguyện trong lần khánh thành cầu mới

 

Giờ anh chị vui tuổi già cùng tiệm tạp hóa nhỏ và mấy đứa cháu nội. Từng trải qua thăng trầm nên chị Nga rất thương những hoàn cảnh khó khăn. Bạn bè chị ở TP.HCM nấu suất ăn tặng các bệnh viện, chị gửi tiền ủng hộ. Bạn chị muốn về quê xây cầu, xây nhà, tặng học bổng cho học sinh nghèo… lại kết nối với chị Nga để tìm hiểu những nơi cần giúp. 

Dịp lễ, tết, chị Nga và nhóm bạn phát hàng trăm phần quà tặng người nghèo. Chị phụ trách giữ quỹ và mua gạo, thực phẩm rồi đóng gói, chở tận nơi cho bà con. Nơi nào cầu đường chất lượng kém, nhà dân hư nát, chị Nga liên hệ với địa phương để cùng nhóm thiện nguyện lên kế hoạch giúp đỡ.

Chị không biết chạy xe máy nên đi đâu anh Tuấn cũng làm tài xế, phụ khuân vác, đồng hành cùng chị.

Gặp gỡ những hoàn cảnh thắt ngặt thương tâm, anh chị mới thấy những gian khổ từng trải qua chẳng là gì, nên càng trân quý hạnh phúc đang có. Vợ chồng ở tuổi tóc pha sương, vẫn chưa bao giờ hết thương nhau, đồng hành trên mọi nẻo đường.

Anh Tuấn luôn tâm niệm rằng “giữ lòng mình bình an, không sân si, không ganh tỵ với ai, ai không phải với mình cũng kệ. Vậy cho nhẹ lòng”. Nhờ có tâm thiện lành và luôn bao dung, anh chị đã có cuộc sống yên ấm bên nhau lúc tuổi già. 

Đức Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI