Chưa bao giờ chúng ta sống như bây giờ

11/05/2020 - 09:13

PNO - Chưa bao giờ chúng ta sống như bây giờ, thì ngay bây giờ chúng ta phải chuẩn bị tinh thần cho những thứ sẽ xảy đến

Một clip khá dễ thương nhưng sâu sắc, khiến người xem phải suy nghĩ, được lan truyền trên Facebook từ trang của một người Tây Ban Nha, có gần ngàn lượt chia sẻ. 

Một ông cụ, đoán là ông ngoại, ngồi ghế tài xế một chiếc ô tô mở cửa đang cài lại khẩu trang cho cô cháu gái khoảng năm, sáu tuổi đứng dưới đất. Cô bé mặc áo mưa loại nhựa trong, mỏng. Hai bàn tay cô mang đôi găng tay màu trắng. Người ông sau khi cài khẩu trang bèn kéo mũ áo mưa trùm kín đầu, đứng dậy đưa cháu đến một chiếc ô tô khác đậu cách đó khoảng hai mét.

Ô tô này cũng đang mở cửa, có một người đàn ông trung niên ngồi ở ghế tài xế đón cháu, có lẽ là người bố, trong trang phục cảnh sát. Chiếc xe có chữ Police. Người bố ôm đứa con gái một cách thân thương, trìu mến nói lên được nỗi nhớ nhung xa cách. 

Trong đại dịch COVID-19 này, có thể đoán câu chuyện như sau, người bố làm nhiệm vụ (trên đường phố) đã lâu chưa về nhà. Bố nhớ con gái hay con gái nhớ bố, nhờ ông ngoại đưa bé đến gặp bố. Để tránh lây lan (có thể) cho bé, ông ngoại và bố phải bàn biện pháp bảo vệ bé. Một bên là ông ngoại trang bị bảo hộ cho cháu, một bên chỉ là cái ôm thương yêu của người bố nhưng khiến người xem xúc động. 

Hay, hình ảnh một bác sĩ về thăm nhà giữa đợt công tác chống dịch. Những đứa con chạy ùa ra định ôm bố thì có tiếng bố bảo dừng lại. Họ chỉ có thể gặp nhau bằng ánh mắt, từ khoảng cách an toàn hơn hai mét. Rồi hình ảnh con cái đến thăm cha mẹ ở viện dưỡng lão chỉ nhìn nhau bày tỏ tình cảm hay lưu luyến qua bức tường kính. 

Để thấy rằng, không ai ngờ được, một ngày thế giới lại có những câu chuyện lạ lùng như vậy. Con người không còn được phép thể hiện tình yêu thương qua những cái hôn, ôm nhau, bắt tay… Một vật cản vô hình, ghê gớm, kinh khủng ngăn chặn chúng ta bày tỏ tình yêu thương bằng cử chỉ, tiếp xúc. Thậm chí phải đứng cách xa nhau hai mét, là giới hạn an toàn để tránh lây nhiễm.

Đến một lúc mà những thông tin cảnh báo phải ghi lên điều này: nếu bạn muốn không bị lây nhiễm, bạn phải nghĩ rằng tất cả những người bạn gặp bên ngoài khung cửa gia đình đều có khả năng lây nhiễm cho bạn. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mẹ tôi gần 90 tuổi, nhiều bệnh, ở với gia đình em gái tôi. Đã gần hai tháng nay tôi không dám qua thăm mẹ, chỉ hỏi han mẹ qua em gái. Đa phần câu trả lời của em là mẹ ổn. Hồi mới công bố dịch, em tôi lấy tất cả thông tin trên các báo điện tử xuống và in ra cho mẹ đọc. Nhưng sau này tin số người chết nhiều quá em không dám cho mẹ biết nữa. Ngay cả tin “cách ly xã hội” em cũng không nói với mẹ, vì em quan niệm, mẹ sống được ngày nào nên để mẹ an tâm và vui vẻ ngày ấy.  

Nhiều bạn bè tôi trên Facebook có những câu trạng thái tương tự, rằng đã lâu rồi không dám đến thăm mẹ vì sợ nếu xui rủi mang lây nhiễm cho người cao tuổi. Thậm chí, đôi lúc tôi còn có ý nghĩ, giả dụ nếu mẹ tôi không ổn, em gái tôi cũng không dám nói thật vì sợ tôi và anh trai sốt ruột. Không qua thăm mẹ thì áy náy, mà qua thăm mẹ thì nguy cơ cao. 

Có bao giờ chúng ta nghĩ những việc đang xảy ra ngày hôm nay, ở thời điểm năm 2020 đã trôi qua gần nửa năm? Mọi thứ đảo lộn tất cả, từ cảnh người ăn đong từng bữa cho đến những kế hoạch to lớn, tiền bạc đổ vào rồi đứng khựng hết thảy.  

Thử gõ cụm từ khóa trên Google: “Đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến ngành kinh tế nào của Việt Nam?”. Câu trả lời gần như một bức tranh tổng hợp, ngành nào cũng bị ảnh hưởng, nhiều hay ít. Tuy nhiên không phải tất cả, ví dụ như: ngành bưu điện với dịch vụ chuyển phát hàng, ngành may khẩu trang… lại có doanh thu cao.

Để thấy, một nỗi lo âu mơ hồ trong tương lai khi hết dịch, kinh tế sẽ như người ốm dậy, chậm, từ từ, từng bước hồi phục. 

Bỏ qua cái nhìn bi quan, nghĩ về một ngày mới tích cực, để thấy mỗi người cần chung tay một chút. Chung tay ở đây không cần bạn phải góp sức nhưng chỉ là tuân thủ những quy định của pháp luật về phòng chống dịch. Ngồi trách cứ, đổ lỗi cho nhau không ích gì, bởi vấn đề của con người là phải sống và tạo cuộc sống thích nghi như trong clip ở đầu bài, ông ngoại đã tạo cho em bé an toàn để gặp bố, thỏa nhớ mong trong những ngày căng thẳng này. 

Nghĩ đến một ngày mới, con người phải thận trọng hơn, suy nghĩ thấu đáo, nhìn về quá khứ chuẩn bị cho tương lai. Bởi nếu không, chúng ta sẽ mãi mãi nhìn nhau như thể ai cũng đang mang mầm vi-rút, một cái bắt tay cũng không dám. 

Chưa bao giờ chúng ta sống như bây giờ, thì ngay bây giờ chúng ta phải chuẩn bị tinh thần cho những thứ sẽ xảy đến, bình tĩnh đón nhận và thích ứng nó để tìm giải pháp tích cực. 

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI