Chú ý để sớm phát hiện bệnh thận ứ nước ở trẻ

27/08/2024 - 06:12

PNO - Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM, mỗi năm có đến hơn 100 trường hợp trẻ bị mắc bệnh thận ứ nước được đưa đến khám, điều trị. Trong đó, có trẻ đã mắc bệnh trong thời gian dài khiến thận bị tổn thương nặng nề.

Phụ huynh chủ quan

Nhiều trẻ bị các bất thường bẩm sinh như hẹp đoạn nối của thận vào niệu quản, sỏi thận, hay bị các khối u liên quan… đã được bác sĩ phát hiện qua siêu âm từ lúc còn trong bụng mẹ. Tuy nhiên khi trẻ chào đời, cha mẹ chủ quan khi thấy trẻ có thể đi tiểu nên nghĩ sức khỏe bình thường. Đến khi trẻ đi tiểu ra máu, người sưng phù, mệt mỏi… đưa đến bệnh viện thì đã vào giai đoạn nặng.

Phụ huynh cần chú ý các biểu hiện cho thấy có thể trẻ gặp vấn đề về thận - ẢNH MINH HỌA - PHẠM AN
Phụ huynh cần chú ý các biểu hiện cho thấy có thể trẻ gặp vấn đề về thận. Ảnh minh hoạ - Phạm An

Nhận kết quả siêu âm con trai 2 tuổi bị ứ nước ở thận phải mức độ 1, nghi hẹp đoạn nối niệu quản, chị Trần Thị Minh Thảo (mẹ bé trai ở tỉnh Đồng Nai) bật khóc. Chị không ngừng tự trách mình bởi lúc sinh con, bác sĩ đã thông báo em bé có khả năng bị thận ứ nước bẩm sinh, lên kế hoạch theo dõi diễn tiến bệnh của bé, nhưng gia đình không đưa con đến bệnh viện kiểm tra.

Chị Thảo chia sẻ: “Lúc đó còn dịch COVID-19, gia đình sợ con bị lây bệnh. Hơn nữa, thấy con đi tiểu bình thường, ăn, uống tốt, tôi nghĩ con không còn bệnh nữa. Tới khi con bị sốt cao, quấy khóc… chở vào bệnh viện địa phương khám, bác sĩ nói khả năng con nhiễm trùng tiểu, thận ứ nước, tư vấn đưa đi Bệnh viện Nhi Đồng 2”. May mắn, bé mắc bệnh với mức độ nhẹ, chưa cần phẫu thuật, tuy nhiên phải tái khám định kỳ 3 tháng/lần để theo dõi.

Vừa nghe bác sĩ chẩn đoán bé T.T.G.K. (20 tháng tuổi, ở tỉnh Bình Phước) bị thận ứ nước bẩm sinh, mẹ bé liền tìm mua… thuốc gia truyền điều trị cho con. Chị mua chai thuốc có nước màu đen sẫm. Người bán nói bào chế từ rễ cây rừng, giúp đào thải chất có hại, tái tạo tế bào thận mới, uống thuốc này sẽ hết các bệnh liên quan đến thận, bao gồm thận ứ nước.

Sau khi cho bé K. uống, người nhà nhận thấy bé uống nước rất nhiều, có ngày uống đến hơn 2 lít nước. Mẹ bé nhớ lại: “Con tôi cứ khoảng 20-30 phút lại đi tiểu. Bé bị giữ nước, bụng to, nước tiểu có mùi hôi, rồi cứ nằm li bì. Tôi đưa cháu đến thầy lang khám, người ta nói thận đang khỏe lên. Đợi thêm 2 ngày, bé bỏ ăn, nằm thở nên tôi đã đưa bé đi bệnh viện”. Lúc này, gia đình mới tá hỏa khi biết bệnh thận ứ nước của bé K. đang tiến triển nặng, khả năng cao phải phẫu thuật điều trị.

Chú ý các dấu hiệu

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Tấn Đức - Trưởng khoa Thận Niệu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 - có nhiều nguyên nhân gây ứ nước thận như teo hẹp ở khúc nối bể thận và niệu quản, nếp gấp niệu quản, niệu quản cắm cao, mạch máu cực dưới, thận móng ngựa, niệu quản sau tĩnh mạch chủ… Thay vì nước tiểu thoát ra ngoài thì lại ứ đọng trong bể thận làm cho thận ứ nước, sưng to. Ban đầu, bệnh có thể xảy ra ở một bên thận, nên quả thận còn lại phải “gồng gánh” chức năng lọc, theo thời gian cũng quá tải. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ rất dễ đối mặt với suy thận, nhiễm trùng…

Tuy vậy, các dấu hiệu bất thường ở thận có thể phát hiện được qua siêu âm thai kỳ. Bác sĩ sẽ theo dõi diễn tiến bệnh của thai nhi qua việc khám thai định kỳ. Nếu cần can thiệp, bác sĩ sẽ tư vấn các biện pháp xử lý ngay sau khi trẻ chào đời. Sau khi sinh, cha mẹ cần phối hợp với bác sĩ, đưa trẻ đi khám đúng lịch hẹn.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 - việc phát hiện sớm trẻ bị ứ nước thận, can thiệp kịp thời là giải pháp duy nhất bảo tồn chức năng thận. Ngược lại, nếu điều trị sai cách kéo dài, nguy cơ trẻ bị tổn thương thận, suy thận rất cao. “Nếu được phát hiện bệnh trong giai đoạn nhẹ, trẻ chỉ cần điều trị nội khoa và theo dõi sức khỏe thường xuyên. Còn khi để lâu, thận đã bị ứ nước nghiêm trọng, bác sĩ buộc phải phẫu thuật. Trong một số trường hợp, trẻ phải qua phẫu thuật tạo hình các khúc nối bể thận, niệu quản hẹp… khá phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe” - ông nhấn mạnh.

Với trẻ lớn, nếu liên tục bị sốt cao, than đau ở vùng bụng dưới, hông hay lưng, nhiễm trùng tiểu, tiểu gắt, tiểu đau, tiểu ra máu, thường xuyên có dấu hiệu mệt mỏi, chán ăn, sưng căng ở mặt, chân, thậm chí toàn thân… khả năng trẻ đang mắc các vấn đề về thận. Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được điều trị càng sớm càng tốt.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI