Chủ xe buýt khốn đốn vì... tiền trợ giá

14/06/2017 - 10:27

PNO - Suốt sáu tháng qua, các chủ xe buýt thuộc Hợp tác xã Vận tải và Dịch vụ Đông Nam lao đao vì tiền trợ giá xe buýt bị cắt giảm, chậm chi trả khiến nhiều chủ xe bỏ nghề hoặc thế chấp nhà để duy trì hoạt động.

“Chết đứng” với xe buýt

Ông N.H.P. (ngụ tại Q.Bình Thạnh) cho biết, gia đình ông có ba chiếc xe buýt chạy trên các tuyến 17, 146, 54. Để duy trì hoạt động, mỗi ngày gia đình ông phải bỏ ra gần 4 triệu đồng. Từ đầu năm 2017 đến nay, chưa nhận được tiền trợ giá xe buýt từ HTX nên cuộc sống của gia đình ông rất chật vật. 

Ông P. than: “Khách đi xe buýt ngày càng ít, tiền bán vé hàng ngày chỉ đủ trả công cho tiếp viên, còn tiền công tài xế và tiền đổ dầu thì chúng tôi phải bỏ tiền túi ra lo, sau đó chờ tiền trợ giá đắp vào. Sáu tháng nay, do chưa có tiền trợ giá, tôi phải thế chấp nhà để có tiền cho xe buýt hoạt động”.

Chu xe buyt khon dón  vi... tien tro gia
Người kinh doanh xe buýt lao đao vì tiền trợ giá bị cắt giảm, chậm chi trả (ảnh lớn) và đơn kêu cứu của các thành viên HTX Đông Nam gửi đến cơ quan chức năng (ảnh nhỏ).

Được biết, đầu năm 2017, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (QL-ĐH VTHKCC, thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM) đã tạm ứng 50% tiền trợ giá xe buýt bốn tháng đầu năm cho HTX Đông Nam với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, HTX Đông Nam chỉ phân phối cho mỗi chủ xe buýt như ông P. 2,4 triệu đồng/tháng. 

“Nếu nói tạm ứng kinh phí 50% thì mỗi xe của tôi ít nhất phải nhận được 30 triệu đồng. Đằng này, họ chỉ ứng cho tôi 2,4 triệu đồng/tháng, làm sao chúng tôi đủ sống?” - ông P. nói.

Tiền trợ giá thấp là do nguồn phân bổ ngân sách ít hơn mọi năm. Do mức trợ giá giảm nên Trung tâm QL-ĐH VTHKCC đã vận động các đơn vị kinh doanh xe buýt xây dựng “xe buýt văn minh” để thu hút hành khách đi xe buýt nhằm tăng thu nhập cho chủ xe.

Ông Trần Chí Trung - Giám đốc Trung tâm QL-ĐH VTHKCC

Không chỉ bị chậm chi trả tiền trợ giá, nhiều hộ kinh doanh xe buýt ở HTX Đông Nam và các doanh nghiệp khác còn lâm vào cảnh “chết đứng” do mức trợ giá năm nay đột ngột bị cắt giảm, nhiều tuyến bị cắt giảm gần 50%. Anh V.C.D. (ngụ tại Q.9, có xe buýt chạy tuyến 43) cho biết, năm 2015, tuyến xe buýt 43 được trợ giá 106.000 đồng/chuyến, đến năm 2016 chỉ còn 74.000 đồng/chuyến và đến năm 2017 thì còn 54.110 đồng/chuyến, chỉ đủ tiền trả cho tài xế và đổ dầu.

Theo các chủ xe, thời gian gần đây, HTX Đông Nam và Trung tâm QL-ĐH VTHKCC còn yêu cầu các chủ xe phải gắn camera trên xe; chi phí lắp đặt camera do chủ xe chi trả nhưng HTX Đông Nam lại chỉ định đơn vị lắp đặt với mức giá cao hơn rất nhiều so với thị trường. Đã vậy, hàng tháng còn bắt đóng tiền để vận hành camera.

Ông M. (ngụ tại Q.Bình Thạnh) cho biết, do tiền trợ giá thấp, rất nhiều người bỏ nghề. Bản thân ông có chín chiếc xe buýt nhưng phải rút tám chiếc về “trùm mền”. Hiện ông M. vẫn đang mỏi mòn chờ khoảng 600 triệu đồng tiền trợ giá để trả nợ.

Tiền trợ giá đang ở đâu?

Trước phản ánh về việc chậm chi trả tiền trợ giá xe buýt, bà Phạm Thị Thanh Thảo - Phó giám đốc HTX Đông Nam - cho biết, tiền trợ giá chậm là do việc thương thảo hợp đồng giữa HTX và Trung tâm QL-ĐH VTHKCC diễn ra chậm. Theo đó, ngày 4/3/2017, Trung tâm QL-ĐH VTHKCC có mời 13 đơn vị kinh doanh xe buýt lên thương thảo hợp đồng nhưng không thành công do giá thấp.

Đến tháng 5/2017, việc thương thảo hợp đồng tiếp diễn nhưng vẫn có đơn vị chưa đồng ý với mức giá nên vẫn chưa có tiền trợ giá. Bên cạnh đó, bà Thảo cũng thừa nhận sự chậm trễ một phần là do HTX chậm nộp hồ sơ quyết toán, mà chậm nộp là do Trung tâm QL-ĐH VTHKCC hay thay đổi biểu mẫu.

Về số tiền tạm ứng gần 8 tỷ đồng nhưng chủ xe chỉ nhận được một khoản “khiêm tốn”, bà Thảo giải thích là do HTX trích một phần trong số tiền này để đóng cho các thành viên vay vốn ngân hàng lúc mua xe, đồng thời còn trích một khoản để duy trì hoạt động cho HTX như: tiền bến bãi, thuê văn phòng, trả lương nhân viên. 

Về việc “độc quyền” lắp đặt camera, bà Thảo cho rằng, tại TP.HCM chỉ có ba công ty lắp đặt camera có đường truyền về Trung tâm QL-ĐH VTHKCC , HTX đã liên hệ với một trong ba công ty này. Trước đó, HTX Đông Nam đã liên hệ với một số đơn vị bên ngoài, họ đề ra mức chi phí lắp đặt thấp hơn nhưng không đảm bảo đường truyền về Trung tâm QL-ĐH VTHKCC nên không đáp ứng được yêu cầu.

Tiền lắp đặt camera là khoảng hơn 13 triệu đồng/xe, phải trả bằng tiền mặt nhưng do không có tiền bỏ ra một lần nên nhà cung cấp cho trả góp, trả góp thì phải có lãi suất nên tổng chi phí tăng lên. Còn phí thu hàng tháng (250.000 đồng) là tiền phí đường truyền.

Sơn Vinh

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI