Chú trọng sức khỏe tinh thần của vận động viên

27/07/2024 - 06:20

PNO - Tại Olympic Paris 2024, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã mở rộng các chương trình phúc lợi và tiện ích nhằm nâng cao sức khỏe tinh thần cho vận động viên.

Trong một thế giới đang ngày càng đánh giá cao tầm quan trọng của việc bảo vệ, cải thiện trạng thái tinh thần cá nhân bên cạnh nhiệm vụ rèn luyện sức khỏe thể chất, 3 vận động viên (VĐV) Olympic là Simone Biles (thể dục dụng cụ, Mỹ), Naomi Osaka (quần vợt, Nhật Bản) và Michael Phelps (bơi lội, Mỹ) đã lên tiếng mạnh mẽ về sự bất ổn tình thần của các VĐV dưới áp lực cạnh tranh thành tích trong môi trường thi đấu chuyên nghiệp.

Vận động viên Simone Biles của đội tuyển Mỹ trong lúc chuẩn bị tranh tài  ở trận chung kết thể dục dụng cụ nữ tại Olympic Tokyo năm 2021  -  ẢNH: GREGORY BULL/AP
Vận động viên Simone Biles của đội tuyển Mỹ trong lúc chuẩn bị tranh tài ở trận chung kết thể dục dụng cụ nữ tại Olympic Tokyo năm 2021 - Ảnh: GREGORY BULL/AP

Vào mùa hè năm 2021, Biles quyết định rút lui khỏi trận chung kết đồng đội môn thể dục dụng cụ tại Olympic Tokyo do sự bất ổn tinh thần khiến cô mất khả năng cảm nhận vị trí cơ thể trong không trung. Cô thừa nhận, mình “vẫn sợ tập thể dục dụng cụ” suốt vài tháng sau đó.

Lựa chọn rút lui đầy dũng cảm của Biles tác động rất lớn đến các VĐV khác, bao gồm VĐV đua thuyền Nevin Harrison - người giành huy chương Vàng tại Olympic Tokyo 2020 ở tuổi 19. Harrison chia sẻ: “Lo lắng, sợ hãi, căng thẳng là những vấn đề lớn khi bạn thi đấu ở cấp độ cao như Olympic”. Trong khi đó, VĐV bơi lội đã nghỉ hưu Michael Phelps - người đoạt nhiều huy chương Olympic nhất trong lịch sử - kể, anh từng có ý nghĩ tự sát khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp và giúp sản xuất một bộ phim tài liệu về chứng trầm cảm ở các VĐV Olympic. Anh cũng kêu gọi IOC và Ủy ban Olympic - Paralympic Mỹ (USOPC) làm nhiều hơn nữa để bảo vệ phúc lợi của các VĐV.

Naomi Osaka - nhà vô địch Grand Slam 4 lần, cựu VĐV số 1 thế giới môn quần vợt nữ - nói: “Cảm nhận của mỗi người là khác nhau, nhưng khi có rất nhiều VĐV giỏi thổ lộ về cùng một vấn đề tâm lý, tôi thực sự nghĩ rằng điều đó đáng được quan tâm”. Naomi từng thẳng thắn chia sẻ về những cơn lo lắng, trầm cảm của mình và là một trong những nhân vật thể thao đầu tiên công bố quyết định tạm nghỉ thi đấu do có vấn đề về sức khỏe tâm thần, mở đường cho những người khác làm điều tương tự.

Jessica Bartley - Giám đốc cấp cao về dịch vụ tâm lý của USOPC - cho biết, trong 2 kỳ Olympic gần nhất, khoảng một nửa số VĐV của Mỹ đã trải qua một trong những trạng thái lo lắng, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, sử dụng hoặc lạm dụng chất gây nghiện.

IOC đã nhận thấy sự cần thiết phải hỗ trợ VĐV và thiết lập bộ công cụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho họ. Ở Olympic Paris 2024 và sau đó là Paralympic 2024, các VĐV sẽ dễ dàng tiếp cận những nguồn tài nguyên trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần. IOC cung cấp cho các VĐV 2.000 tài khoản ứng dụng chánh niệm Calm và đường dây điện thoại trợ giúp 24/7 do các cố vấn sức khỏe tâm thần chuyên nghiệp đảm trách. Bên cạnh phòng tập thể dục ở làng Olympic, ban tổ chức còn thiết kế một khu vực dành riêng cho việc giải tỏa căng thẳng, bao gồm sân tập yoga và các công cụ khác. Ngoài ra, ban tổ chức sẽ sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để loại bỏ hành vi bắt nạt trên mạng xã hội.

Kirsty Burrows - người đứng đầu đơn vị thể thao an toàn của IOC - giải thích: “Nếu các VĐV cảm thấy họ có mối lo ngại về sức khỏe tâm thần, phúc lợi hoặc bất kỳ lĩnh vực nào khác, họ có thể lên tiếng và tìm kiếm sự hỗ trợ. Chúng tôi cam kết tạo ra những hệ thống giúp họ làm điều đó”.

Linh La (theo AP, The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI