PNO - PNCN - Suốt phiên tòa, hình ảnh hai người mẹ, dù đã khuất và từng rất thân thiết, cứ hiện lên khiến người dự khán bao phen ngỡ rằng đó là sợi dây duy nhất có thể níu kéo chút nghĩa tình trong lòng con cái. Nhưng không, sợi dây ấy...
“Hồi đó, mẹ tôi…”
Mới hơn 7g, nắng đã ngập sân tòa. Người phụ nữ có vóc dáng sang trọng, mái tóc búi cao thảnh thơi bước vào phòng xử án. Theo sau bà mấy bước chân là nhóm phụ nữ khác, lẫn trong số ấy có một người trông dáng hình khắc khổ, nhỏ thó, mặc chiếc áo bạc cũ và mang đôi dép lê đế đã mòn sát đất. Đi sau nhưng họ liên tục chửi vói lên người phụ nữ sang trọng: “Đồ độc ác!”.
Theo nội dung tranh chấp quyền sở hữu nhà, người chị chồng - đại diện cho nhóm phụ nữ - nói rằng ngôi nhà ở đường Đoàn Văn Bơ, Q.4 là do mẹ bà mua lại của một người tên Ngọc bằng giấy tay vào năm 1987, 12 năm sau mới đi đăng ký kê khai nhà đất. Sau khi mẹ mất, ngôi nhà đã bị em dâu (người phụ nữ sang trọng) chiếm đoạt bằng cách giả mạo giấy tờ mua bán và được cấp chứng nhận quyền sở hữu. Mấy chị em bà quyết thưa ra tòa vì cho rằng việc làm của em dâu như vậy là… độc ác! Người em dâu thì phản biện, đích thực ngôi nhà ấy do bà Ngọc bán cho mẹ ruột mình từ năm 1985, chứ không phải bán cho mẹ chồng như lời các chị chồng vừa nêu. Tòa sơ thẩm tuyên người em dâu thắng. Chị chồng gửi đơn kháng cáo.
Phiên phúc thẩm một ngày đầu tháng Năm đầy nắng. Người chị chồng trình bày: “Nhà cô đây rất giàu (ý chỉ người em dâu - PV), còn chúng tôi nghèo khó, cần nhà ở”. Đứng sát bên bà, người phụ nữ ăn vận khổ sở, dáng hình nhỏ thó bất ngờ ôm mặt bật lên những tiếng ho sù sụ. Vừa vuốt lưng em, bà vừa rớm nước mắt, nói: “Em út tôi đó, năm nay trên 60 mà nhà cửa không có, nó phải đi lượm ve chai sống và đêm ngủ trước hiên nhà người ta”. Vị chủ tọa nhắc nhở rằng, đây là một phiên tranh chấp tài sản, đương sự cần tập trung trình bày chứng cứ. Nghe vậy, bà dõng dạc: “Thì nhà đó trước của mẹ tôi mua và mẹ cùng em út tôi sống ở đó từ lâu”. Em dâu phản pháo: “Giấy tờ chứng minh mẹ ruột tôi mua nhà này”.
Hình ảnh hai người mẹ bất ngờ hiện lên như một minh chứng về nguồn gốc của ngôi nhà không dưng khiến phiên tòa dậy tiếng ồn. Vị chủ tọa cũng nheo mày tò mò. Chị chồng giải thích: “Hồi đó, mẹ tôi với bà sui gia thân tình lắm. Quý mến nhau nên bà sui rất hay ghé chơi, sẻ chia, tâm tình như chị em ruột thịt”. Em dâu cãi: “Nhà của mẹ tôi. Hồi đó thấy mẹ chồng và em út của chồng khổ sở, không chỗ ở nên chúng tôi mới kêu đến cho ở cùng”. Giọng vị chủ tọa bất ngờ chùng xuống, cắt ngang: “Vậy là hai người mẹ của các đương sự ít nhiều gắn bó với nhau, qua lại thân tình. Sau khi họ mất, các đương sự mới bắt đầu tranh chấp căn nhà này”. Hai bên im lặng.
Án tại hồ sơ
Suốt phiên xử, vị chủ tọa nhiều lần nhấn mạnh mối quan hệ thân thiết của hai người mẹ. Sui gia mà nhường nhau chỗ ở hay thường xuyên đến chơi, sẻ chia là hiếm có. Đó cũng là nền tảng để con cái gắn kết mai sau. Ông nói với người em dâu: “Em út của chồng cô khổ quá, một chỗ che mưa tránh nắng còn không có…”. Ông chưa dứt lời, người em dâu hùng hổ: “Đừng tin họ bịa đặt”. Bất giác,
người phụ nữ khắc khổ lại bật lên những tiếng ho sù sụ. Vị chủ tọa thở dài. Bên dưới, nhiều người dự khán cũng ngao ngán thở dài. Phiên tòa lại trở về với những lập luận, chứng cứ của mỗi bên.
Người chị chồng kiện đòi nhà nhưng lại không có một lý lẽ thuyết phục. Theo chủ tọa, chỉ riêng chuyện ai ở trước, ở sau cũng đã nói lên được điều này. Chị chồng cho rằng ngôi nhà được mẹ bà mua năm 1987 (bằng giấy tay nhưng chỉ có chữ ký của người bán là bà Ngọc) và ở liền sau khi mua. Trong khi đó, kết quả giấy tờ tạm trú của công an phường chứng minh mẹ ruột của người em dâu đã vào ở từ năm 1985 và bốn năm sau, “bà sui” mới đến ở, tức năm 1989 khi nhà đã được hợp thức hóa trước đó một năm bởi mẹ ruột người em dâu. Điều đặc biệt, ngôi nhà ấy vốn có nguồn gốc từ ông T.V.T. bán cho bà Ngọc. Bản chính giấy tờ mua bán này được mẹ ruột người em dâu giữ, sau đó giao lại cho con gái đến nay. Hơn nữa, trong một biên bản làm việc khác, người chị chồng “buột miệng” cho rằng ngôi nhà do mẹ ruột của mình mua từ bà sui gia. Điều này chẳng những chứng tỏ người chị chồng thừa nhận ngôi nhà là của mẹ ruột em dâu mà còn cho thấy lý lẽ chứng minh trước sau bất nhất, không thuyết phục… Tòa tuyên y án sơ thẩm.
Họ lại kẻ trước, người sau kéo nhau ra về. Người em dâu đi trước, vẫn vóc dáng sang trọng, chân bước thảnh thơi dù sau lưng, các chị chồng luôn miệng chửi vói. Thấy có người dự khán, chị chồng níu tay, xin kể chuyện em dâu: “Nó ác lắm. Nhà đó, em út tôi đang ở ngon lành. Một bữa út đi lượm ve chai về thấy toàn bộ đồ đạc, áo quần của mình bị vứt hết ra đường. Em dâu lấy lại nhà nhưng cũng đâu có ở, cho người khác thuê, trong khi út đêm nào cũng vậy, bạt đâu ngủ đấy, lúc ở chợ, khi mái hiên nhà người khác”. Bà kể thêm, em trai của mình rất bênh vợ, đứng về phía vợ giành nhà khiến quan hệ hai bên căng thẳng, không nhìn mặt nhau. Người đàn ông này không đến dự tòa, chỉ gửi một biên bản thừa nhận ngôi nhà là của mẹ vợ. Giữa cuộc trò chuyện, bà bất ngờ chép miệng: “Tụi tôi già hết, giờ sống nương nhờ con cháu, đâu có cưu mang nó được. Chồng chết, nó ở vậy tự lo”, vừa nói, bà vừa chỉ tay về phía người em út đang loanh quanh sân tòa nhặt nhạnh những vỏ chai, bọc ni lông cho vào một túi vải nhét giấu dưới một gốc cây từ lúc nào…
TUYẾT DÂN
Tình - lý trong tranh chấp dân sự
Trong các vụ án dân sự, nhất là các vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu tài sản như nhà ở, thì việc chứng minh bằng những chứng cứ đóng vai trò quyết định làm sáng tỏ quan hệ tranh chấp cần giải quyết. Nếu như trong tố tụng hình sự, việc chứng minh tội phạm thuộc về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án thì ngược lại, trong tố tụng dân sự, các đương sự có quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, và khi đã thực hiện quyền đó thì họ đồng thời có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp, hoặc đưa ra chứng cứ phản đối cho yêu cầu của bên kia.
Chính vì vậy, chứng cứ trong vụ án dân sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở để chứng minh cho các yêu cầu của đương sự cũng như là căn cứ để tòa án ra phán quyết bác hoặc chấp thuận yêu cầu của đương sự. Bên nào đủ chứng cứ để lập luận thì bên đó có nhiều cơ hội thắng kiện hơn, tòa án chỉ là trọng tài trong xét xử dân sự. Trong vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhà giữa chị chồng - em dâu, thì có nhiều chứng cứ nghiêng về người em dâu, nên xét về “Lý”, tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã bác đơn khởi kiện, kháng cáo của người chị chồng. Ở góc độ các chứng cứ đã được trưng ra tại tòa thì kết quả phiên tòa không làm người dự khán bất ngờ, người ta cũng không thể trách người em dâu đã đòi nhà, nhưng vẫn cảm thấy tiếc và xót xa. Giá như người em dâu xử sự tinh tế hơn, nặng về “Tình” hơn, không để người em út đùng một cái phải rơi vào cảnh không nhà thì có lẽ không gây nên bức xúc cho các chị chồng và phiên tòa không diễn ra với chữ “Tình” lạt lẽo.
Trong mối quan hệ anh chị em, chẳng những luôn được nhấn mạnh mà chữ “Tình” còn được ghi cụ thể vào Luật Hôn nhân và Gia đình: anh chị em có bổn phận thương yêu, chăm sóc giúp đỡ nhau, có nghĩa vụ và quyền đùm bọc nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục con… Phiên tòa khép lại, kẻ vui người buồn, nhưng cho dù bên nào “thắng” cũng không phải là điều mong muốn của hai bà mẹ đã khuất.
Luật sư LÊ NGUYỄN THUYỀN QUYÊN (VPLS Sài Gòn Gia Định)