Chủ tịch UBND TPHCM: Tăng thẩm quyền để “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”

13/02/2025 - 11:50

PNO - Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, phải sửa luật để địa phương thực hiện hiệu quả, phát huy nội lực, góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi góp ý vào dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), sáng 13/2 - ảnh: M.Quang
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi góp ý vào dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), sáng 13/2 - ảnh: M.Quang

Sáng 13/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá cao sự đổi mới của các dự án luật trình Quốc hội lần này. Góp ý vào dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương, ông đề nghị tiếp tục có nghiên cứu tổng thể, toàn diện về mô hình chính quyền.

Theo đó, nghiên cứu phải trả lời câu hỏi lớn là chính quyền có mấy cấp? Mỗi cấp chính quyền gồm có cơ quan nào? Từ đó mới trả lời chính quyền có 3 hay 4 cấp, có bỏ cấp huyện hay không? Ở từng cấp như vậy có HĐND và UBND hay không? Hiện nay, quy định này chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, làm rõ mối quan hệ giữa UBND và Ủy ban hành chính.

Từ kết quả nghiên cứu này, theo ông Phan Văn Mãi có thể sẽ có sửa đổi hiến pháp và các luật. Còn việc sửa đổi luật Luật Chính quyền địa phương, Luật tổ chức Chính phủ... tại Kỳ họp này là để phục vụ các nhiệm vụ trước mắt.

Đối với TPHCM, ngay ở lần sửa đổi này, UBND TP kiến nghị duy trì tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo một số Nghị quyết đã có gồm Luật Thủ đô, Nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị đối với Hà Nội, Nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị với TP Đà Nẵng và Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.

Hiện nay, TPHCM đã bước sang năm thứ 5 thực hiện Nghị quyết 131. TPHCM đã chỉ đạo xây dựng kết hoạch tổng kết nghị quyết. Việc duy trì áp dụng các Luật, Nghị quyết trên giúp TPHCM và một số địa phương có thời gian tổng kết kỹ lưỡng, nghiên cứu thấu đáo để đề xuất khung pháp lý một cách phù hợp; duy trì những điểm hợp lý trong quy định cũ.

Liên quan tới quan điểm chỉ đạo để “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề xuất phải tăng thẩm quyền, tăng trách nhiệm cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND.

Ông lấy ví dụ, năm 2025, TPHCM được trung ương giao chỉ tiêu 509.000 tỉ đồng thu ngân sách. HĐND giao phấn đấu thu 520.000 tỉ đồng. Nếu TPHCM thu được 550.000 tỉ đồng (tức vượt 30.000 tỉ đồng) thì phải đi vào một quy trình được thưởng, đầu tư trở lại rất mất công.

Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị, với TPHCM và các địa phương có số thu ngân sách cân đối, vượt chỉ tiêu đóng góp vào ngân sách nhà nước thì cần có cơ chế mạnh hơn để tạo động lực.

Quay trở lại điều khoản trong dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), HĐND được quyền quyết định các chủ trương, biện pháp để phát triển đầu tư tài chính, khoa học công nghệ, văn hóa, xã hội. Song ông Phan Văn Mãi nêu thực tế:

“Ví dụ Đại học Quốc gia TPHCM là đơn vị trung ương nằm trên địa bàn phố. Năng lực khoa học công nghệ nằm ở đây. TPHCM muốn đầu tư cho Đại học Quốc gia 10 trung tâm nghiên cứu, mỗi trung tâm 100 tỉ đồng; hỗ trợ đào tạo mỗi giáo sư 100.000 USD/năm. HĐND có quyết được không khi biết hiệu quả nằm ở đây? Luật ghi rất hay nhưng HĐND TP không quyết định được.

Năm 2030, nếu Đại học Quốc gia TPHCM được đầu tư từ 15.000 – 20.000 tỉ đồng sẽ hoàn thành được khu đô thị đại học như Thủ Thiêm. Nhưng nếu để thế này, ngân sách Trung ương có đầu tư hay không? TPHCM muốn có làm được không, HĐND có quyết được không, UBND TP có đề xuất được không?”.

Ông cho rằng, những vấn đề trong luật vẫn phải sửa mới thực hiện và làm hiệu quả được để góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước ở hai con số, phát huy được nội lực để vươn mình.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI