Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Đầu tư cho đường sắt đô thị là phương thức tất yếu để phát triển đô thị lớn

13/06/2024 - 12:39

PNO - Sáng 13/6, Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã khai mạc Hội nghị lần thứ 31 (mở rộng). Ban cán sự Đảng UBND TPHCM đã trình Ban chấp hành Đảng bộ thành phố cho ý kiến đối với các nội dung về Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát triển đường sắt đô thị hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM. Hình thành phương thức vận tải văn minh, hiện đại, góp phần tái cấu trúc hệ thống giao thông công cộng của Thành phố, xây dựng văn hóa giao thông, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Hướng tới đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế vào năm 2045; phấn đấu tỉ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2030 đảm nhận từ 15-20%, đến năm 2035 đạt 40-50% và sau năm 2035 đạt 50-60%.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành- Suối Tiên) Ảnh: Minh An
Tuyến metro số 1 (Bến Thành- Suối Tiên) Ảnh: Minh An

Về mục tiêu phát triển đường sắt đô thị tại TPHCM, cụ thể đến năm 2035 TPHCM sẽ xây dựng hoàn thành khoảng 183km đường sắt đô thị loại hình vận tải hành khách khối lượng lớn, tần suất cao.

Đến năm 2045 xây dựng thêm khoảng 168,36km để hoàn thiện 7 tuyến đường sắt đô thị theo dự thảo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 351,08km.

Đến năm 2060 xây dựng hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị số 8, số 9, số 10 nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 510,02km.

Theo đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng và vận hành khai thác sơ bộ (chưa bao gồm lãi vay trong quá trình xây dựng) giai đoạn từ nay đến năm 2035 khoảng 837.249 tỉ đồng (tương đương khoảng 35 tỉ USD), không bao gồm vốn đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 1.

Việc khẩn trương đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị TPHCM là cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay, nhằm hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và các quy hoạch liên quan đến hệ thống đường sắt đô thị TPHCM; phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của vùng Đông Nam Bộ và quy hoạch TPHCM.

Đồng thời, tăng cường năng lực cơ sở hạ tầng giao thông thành phố, thúc đẩy phát triển hệ thống giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng trên địa bàn thành phố. Phát triển đô thị hiện đại, lấy định hướng phát triển giao thông công cộng (mô hình TOD) làm cơ sở quy hoạch đô thị.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Tú Ngân
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Tú Ngân

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhìn nhận đầu tư cho đường sắt đô thị là phương thức tất yếu để phát triển đô thị lớn.

“Khi có đường sắt đô thị sẽ giúp cho TPHCM giải quyết điểm nghẽn giao thông hiện nay, tạo thuận lợi cho việc phát triển các mô hình đô thị trung tâm, phát triển được không gian ngầm, không gian trên cao” - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Tú Ngân - Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI