Chủ tịch UBND TPHCM nói về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm

08/12/2022 - 20:13

PNO - Trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND TPHCM đã chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến giải ngân đầu tư công chậm. Đồng thời cho biết, năm 2023, TPHCM sẽ khắc phục những hạn chế của năm 2022 để đẩy nhanh tiến độ.

Giải ngân vốn chậm, vì sao?

Trả lời chất vấn các đại biểu tại kỳ họp thứ 8, HĐND TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM là địa phương tự cân đối nguồn lực.

TPHCM được phân bổ số vốn đầu tư công khá lớn, Trung ương giao cho 55.000 tỉ đồng, thành phố rà soát cân đối có thể có được 45.000 tỉ đồng. Với 10.000 tỉ đồng còn lại, thành phố có thể cân nhắc ở một số lĩnh vực như: rà lại đấu giá nhà đất, vay nợ chính quyền địa phương, hay tăng nguồn thu từ các nội dung liên quan đến cơ chế chính sách đặc thù của thành phố.

Chủ tịch UBND TPHCM thông tin về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm.
Chủ tịch UBND TPHCM thông tin về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm

Chủ tịch UBND TPHCM cũng cho biết, năm 2022, thành phố giải ngân vốn đầu tư công chậm do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên là do phải chuẩn bị hồ sơ các dự án, nhất là các dự án từ nhiệm kỳ trước chuyển sang.

“Do đó, các dự án tới đây sẽ phải chuẩn bị kỹ hồ sơ, từ nay đến hết quý I/2023 sẽ tập trung hoàn thiện hồ sơ, để thấy đơn vị nào có thể hoàn thành” – ông Phan Văn Mãi nói.

Một nguyên nhân khác liên quan đến giải phóng mặt bằng, đó là câu chuyện quy hoạch, phối hợp giữa các sở ngành địa phương, thẩm định giá để hoàn thiện.

Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh: “Tinh thần là thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ, rà soát ngay từ đầu để thực hiện cho tốt. Năm 2022 đến nay mới chỉ đạt 21% số tiền giải ngân cho giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân do phối hợp giữa các cơ quan để giải quyết vướng mắc từng dự án cụ thể; nguyên nhân về trách nhiệm của chủ đầu tư. Năm 2022 đã nói việc điều chuyển vốn, nhưng chưa thực hiện được nhiều”. 

Ông Phan Văn Mãi cũng cho biết, các dự án ODA đến nay đang gặp nhiều khó khăn dù thành phố đã nỗ lực. Năm tới, thành phố sẽ khắc phục những hạn chế của năm 2022 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Trước đó, trả lời chất vấn các đại biểu liên quan đến Trường tiểu học Trần Văn Kiểu (đường Hậu Giang, quận 6), Chủ tịch UBND quận 6 Lê Thị Thanh Thảo cho biết, dự án này được phê duyệt năm 2002, khởi công năm 2003, công trình rộng 6.600m2, quy mô 26 phòng học, tổng vốn đầu tư 20 tỉ đồng.

Đến năm 2005, công trình được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Nhưng sau 2 năm sử dụng thì công trình bắt đầu sụt lún, có nguy cơ gây mất an toàn cho học sinh và giáo viên. Do vậy, quận 6 đã phối hợp các sở ngành sắp xếp, đưa học sinh qua trường khác để học tập.

Chủ tịch UBND quận 6 thông tin về Trường tiểu học Trần Văn Kiểu.
Chủ tịch UBND quận 6 thông tin về Trường tiểu học Trần Văn Kiểu

Từ năm 2006 - 2018, quận 6 đã có 15 kỳ quan trắc theo hướng dẫn. Đến năm 2018, quá trình quan trắc nhận thấy việc khắc phục, sửa chữa không đảm bảo an toàn cho học sinh nên quận báo cáo UBND TPHCM xin chủ trương tạm dừng quan trắc để nghiệm thu theo hiện trạng, quyết toán và xây dựng lại công trình. Từ đó đến nay, Sở Tài chính và Sở Xây dựng vẫn đang hướng dẫn quận thực hiện một số thủ tục, nhiệm vụ liên quan.

Chủ tịch UBND quận 6 cho biết, hiện quận đạt mức 317 phòng học/ 1 vạn dân, cao hơn quy chuẩn của toàn thành phố. Nhu cầu phòng học trên địa bàn quận không thiếu nhưng địa phương rất mong lãnh đạo thành phố quan tâm để sớm quyết toán và nghiệm thu công trình.

Cần đảm bảo giải ngân tiến độ đầu tư công

Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 8/12, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TPHCM tiếp tục tập trung thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy TPHCM và các nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư tại hội nghị phát triển vùng Đông Nam bộ liên quan đến TPHCM.

Cùng với đó là thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời có những giải pháp đột phá, trước mắt, tích cực chuẩn bị các nội dung Bộ Chính trị đã cho ý kiến, tiếp tục thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM để có thể trình Quốc hội khóa XV trong kỳ họp gần nhất.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả tổ chức thực hiện chính quyền đô thị tại TPHCM theo Nghị quyết số 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Quá trình tổ chức chính quyền đô thị cần gắn với tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh và gắn với cải cách hành chính.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Sau phiên họp này, HĐND TPHCM đề nghị UBND TPHCM, các sở, ban ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực đối với những vấn đề liên quan vừa được chất vấn về phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng, an ninh trên địa bàn thành phố năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

Bà Nguyễn Thị Lệ cũng đề nghị, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đảm bảo giải ngân tiến độ đầu tư công, có giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với lĩnh vực y tế cũng như các ngành văn hóa, xã hội, giáo dục, trong việc trùng tu các di tích, phát triển du lịch. Tập trung các giải pháp điều hành giá cả thị trường và kiểm soát chỉ số giá cả trong thời gian tới, đặc biệt vào dịp tết.

Đồng thời, tăng cường công tác phòng chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng; việc quản lý thương mại điện tử và công tác bảo vệ người tiêu dùng khi mua hàng qua mạng và các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn thành phố.

Tuyết Dân - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI