Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, ông Nguyễn Thiện Nhân - người theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ TPHCM cho đến kết thúc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng - đã đưa ra nhiều nhận định và chỉ đạo.
Theo ông Nhân, về giải ngân vốn đầu tư công, UBND TPHCM đã làm quyết liệt. Tuy nhiên, thành phố đặt mục tiêu vốn giải ngân đến tháng 10/2020 đạt 80% mà đến tháng 11 mới đạt 60%, đây là vấn đề của năm 2021, phải nghiêm túc nhìn nhận và có sự chịu trách nhiệm của cá nhân, tập thể.
|
Hội nghị diễn ra ngày 4/12 |
Một vấn đề nữa cần lưu tâm, theo ông Nhân, là thay đổi phương thức quản lý và xúc tiến đầu tư nước ngoài của thành phố. 4 năm trước, bình quân vốn đầu tư một dự án nước ngoài vào thành phố là 2 triệu USD. Năm 2020, con số này là 500 ngàn USD.
"Tình hình này xảy ra không biết trách nhiệm của ai. Chúng ta có Trung tâm xúc tiến thương mại, đầu tư thuộc UBND TPHCM, có Sở Công thương quản lý doanh nghiệp, có Ban quản lý Khu chế xuất..." - ông Nhân chỉ ra một số đơn vị quản lý đầu tư phát triển công nghiệp và nhận định: “Là do đầu mối quản lý phát triển công nghiệp không tập trung, cần thay đổi cơ cấu, nếu không thay đổi sẽ không biết ai chịu trách nhiệm”. Ông cũng đề nghị phải có sự cải cách, đột phá trong quản lý và xúc tiến đầu tiên, nguyên tắc là một cửa.
Liên quan đến cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, ông Nhân cho rằng, cần phấn đấu quy trình giải quyết thủ tục hành chính tại TPHCM. Ông đặt ra 5 yêu cầu cho quy trình này: có thời gian, có địa chỉ người chịu trách nhiệm, có sự tham gia ý kiến của doanh nghiệp, có sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và Hội đồng nhân dân, có chế tài và khen thưởng.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng có một số báo cáo liên quan đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Nói về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, ông Phong cho biết, ông đã có chỉ đạo rằng trước ngày 15/10/2020, nếu đơn vị nào không giải ngân trên 80% sẽ không xem xét thi đua, mà trước hết sẽ quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Tuy nhiên, đạt hay không đều phải phân tích rõ nguyên nhân. Trường hợp không đạt chỉ tiêu do nguyên nhân khách quan thì cần được giải thích rõ để Thường trực UBND TPHCM có cơ sở xem xét. Ngược lại, nếu không đạt chỉ tiêu do nguyên nhân chủ quan sẽ áp dụng đúng nội dung chỉ đạo.
|
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, vốn ODA là nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ giải ngân của thành phố không đạt |
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, hiện nay, tỷ lệ giải ngân nói chung so với cùng kỳ năm 2019 vẫn tốt hơn. “Đến phút này, tỷ lệ giải ngân chưa tới 60% là có lý do” - ông Phong nói và cho biết, nguyên nhân giải ngân chậm chủ yếu tập trung ở vốn ODA. Tình hình giải ngân ODA cả nước chỉ có 40%, và thành phố đạt 32%. Điểm nghẽn chính là giải ngân vốn ODA của tuyến metro 2.
“Sau nhiều lần làm việc với Thủ tướng Chính phủ cũng như với các bộ, ngành và đặc biệt với Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, thành phố đã nhiều lần kiến nghị, kiến nghị từ tháng 9/2019 về tỷ lệ đồng yên và tiền đồng Việt Nam quanh vốn ODA. Trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, thành phố cũng báo cáo và Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến kết luận nhưng mãi đến hôm nay, thành phố vẫn chưa nhận được. Chỉ cần thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, còn điểm nghẽn hiện nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư” - ông Phong nói.
Liên quan đến nội dung này, tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu G1iám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đăng ký với Chính phủ để có báo cáo, nếu không thành phố sẽ vi phạm cam kết của lãnh đạo thành phố với Chính phủ về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cuối năm 2020.
Thành phố kiểm soát tốt lây nhiễm dịch COVID-19
Nhận định về nhiệm vụ chung của năm 2021, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân đồng tình với các chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, điều ông quan tâm liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Đó là thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 nên kiểm soát tốt lây nhiễm. “Thành phố không có dịch” - ông Nhân khẳng định. Ông phân tích, hiện nay, số ca nhiễm tại thành phố, kể cả số ca nhiễm nhập cảnh là 36 ca trên 10 triệu dân, so với mức công bố có dịch là rất thấp. Do đó, cần nhìn nhận đúng bản chất để không gây hoang mang, không chủ quan và tập trung kiểm soát tốt sự lây lan.
Chủ tịch UBND TPHCM xin điều chỉnh tỷ lệ GRDP
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phân tích thêm nội dung trước một số ý kiến cho rằng cần điều chỉnh chỉ tiêu GRDP là 6% theo hướng thấp xuống, do ảnh hưởng dịch bệnh; lẫn ý kiến cho rằng cần tăng cao hơn 6% do tỷ lệ của cả nước đặt ra là 6% mà thành phố là đầu tàu kinh tế cũng chỉ đạt 6% thì khiêm tốn quá.
Theo đó, ông Phong cho rằng, năm 2020, dù ảnh hưởng dịch bệnh, thành phố vẫn có 7/9 ngành tăng trưởng rất tốt và tới đây, đặc biệt tập trung quan tâm, thúc đẩy nhóm ngành chủ lực này.
“Tôi có một niềm tin rằng, phát triển kinh tế của thành phố theo chữ V chứ không phải chữ L hay U” - ông Phong nêu, đồng thời ông cũng cho biết, thành phố sẽ tập trung cải cách hành chính mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư, khơi dậy tiềm năng và nội lực, tập trung đẩy mạnh 4 ngành công nghiệp chủ lực...
“Với những cơ sở đó, chúng ta không thể hạ thấp chỉ tiêu GRDP dưới 6%. Tôi xin phép cho điều chỉnh chỉ tiêu này thành năm 2021 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP từ 6% trở lên” - Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nói.
|
Tuyết Dân