Chủ tịch UBND TP.HCM: Có cơ chế đặc thù, thành phố tranh thủ được các nguồn lực thì hiệu quả rất lớn

20/11/2017 - 12:55

PNO - "Khi có cơ chế đặc thù, thành phố sẽ tranh thủ được các nguồn lực thì hiệu quả rất lớn", Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết.

Bên hành lang Quốc hội sáng nay, 20/11, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã trả lời một số câu hỏi của báo chí về cơ chế, chính sách phát triển TP HCM (cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM) để tạo xung lực mới thúc đẩy tăng trưởng.

Chu tich UBND TP.HCM: Co co che dac thu, thanh pho tranh thu duoc cac nguon luc thi hieu qua rat lon
 
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong

* Là người đứng đầu UBND TP.HCM, ông có thấy thành phố hiện nay đang gặp phải những vướng mắc cụ thể về phát triển, tốc độ tăng trưởng hay không?

- TPHCM vừa qua vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ chậm lại, vì vậy TP.HCM đề xuất cơ chế chính sách để tạo xung lực mới để thúc đẩy tăng trưởng.

Giai đoạn 2010-2016, tốc độ tăng trưởng GRDP của TP là 9,6% nhưng bắt đầu từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ 8,05%. Năm nay, TP cố gắng phấn đấu 8,4 % nhưng không thể đạt được, vừa rồi sơ bộ tính toán thì tăng cao nhất cũng chỉ 8,25%. Những tháng còn lại TP nỗ lực tìm thêm giải pháp để đạt chỉ tiêu đặt ra nhưng nói chung là khó khăn.

* Thành phố tăng trưởng chậm thì đóng góp ngân sách Trung ương cũng giảm đi. Hiện tỷ lệ điều tiết ngân sách dành cho thành phố chỉ còn 18%, khó khăn có nhiều không, thưa ông?

 -Tất nhiên là khó khăn, trước đây tỷ lệ ngân sách Trung ương điều tiết cho thành phố là 23%. Nay còn 18% thì trong số đó cao nhất cũng chỉ chi 35% là chi cho đầu tư xây dựng cơ bản, còn thì thành phố phải chủ động bằng các phương thức để huy động nguồn lực từ bên ngoài, hoàn thiện chính sách, môi trường đầu tư.

Thành phố đã luôn tìm mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực về đất đai. Khai thác nguồn lực đất đai hiện nay TPHCM theo hướng công khai minh bạch rõ ràng, nhưng nếu hành lang pháp lý được tạo thuận lợi thì sẽ thêm cơ sở vững chắc để tạo động lực phát triển cho TPHCM. TPHCM sẽ nỗ lực hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư để mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài, chủ động tìm kiếm các phương thức đầu tư để phát triển.

*Tăng trưởng thành phố giảm có phải do tỷ lệ điều tiết bị giảm?

- Cái đó chỉ là một phần thôi, còn những tác động khác nữa, mà thành phố đã thể hiện trong đề xuất với Quốc hội. Như tôi nói, tỷ lệ điều tiết còn 18% thì trong số đó cao nhất cũng chỉ chi 35% là chi cho đầu tư xây dựng cơ bản, nhưng nếu kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài, như ODA chẳng hạn thì phải có vốn đối ứng. Hay muốn triển khai các dự án TPP thì phải có vốn mồi, 1 đồng vốn mồi từ ngân sách thì thu được 14 đồng vốn xã hội. Cái đó rất quan trọng. Tỷ lệ điều tiết 18% ngân sách là không thay đổi vì QH đã quyết vốn trung hạn.

* Vậy tỷ lệ không đổi thì cơ chế đặc thù sẽ giúp được gì, thưa ông?

- Khi có cơ chế đặc thù cho thành phố, thì thành phố tranh thủ được các nguồn lực thì hiệu quả rất lớn, lúc đó quy mô tăng GRDP của thành phố tăng lên thì tỷ lệ 18% đó cũng sẽ lớn hơn về quy mô. Nhưng quan trọng hơn là sẽ tạo thêm được cơ chế để thu hút các nguồn lực khác ngoài ngân sách.

* Cơ chế này có tác động gì đến ngân sách quốc gia?

- Trong giải trình của chính phủ đã nói rất rõ rồi, tỷ lệ điều tiết 18% ngân sách Trung ương là không động đến, tức là không động đến cân đối vĩ mô mà Quốc hội đã đề ra. Khi trình cơ chế thì TP.HCM đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để đề xuất 4 nhóm vấn đề về quản lý đầu tư, quản lý đất đai, cơ chế đầu tư, ủy quyền và thu nhập. Đó là những vấn nếu Quốc hội thông qua thì sẽ tạo đột phá cho TP.HCM.

* Đối với thu nhập tăng thêm, dự thảo mới đã điều chỉnh sau khi tiếp thu ý kiến các ĐBQH ở thảo luận tổ, đó là không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ?

- Sau khi có cơ chế thông qua TP.HCM sẽ có hướng dẫn cụ thể. Một mặt chúng ta thực hiện Nghị quyết của Trung ương 6 về sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, điều này cần có lộ trình. Trong việc tăng thu nhập này thì TP.HCM cũng sẽ tính đến cả đối tượng viên chức.

* Nếu tăng thì phải tăng cho cả 2 khu vực?

- Dĩ nhiên. Nên nhớ, trong nội dung cơ chế là cho phép HĐND thành phố được quyết định mức tăng lương nhưng tối đa cụ thể là bao nhiêu với từng khu vực phải có một đề án cụ thể. Nhưng phải nói rằng phải có tăng mới giải quyết được vấn đề.

* Nếu đã lỡ tăng rồi mà năm sau gặp khó khăn không thể tăng được nữa thì có giảm lương không, thưa ông?

- Lương trần là phải đảm bảo như với công chức chung cả nước. Còn nếu anh nỗ lực, ngân sách của thành phố mở rộng ra thì có nguồn thu tăng thêm thì mình trình HĐND quyết định xem tăng bao nhiêu.

* Có nhiều ý kiến băn khoăn về vấn đề thuế tài sản không, thưa ông?

- Tất cả lương của cán bộ công chức là có mức cụ thể theo quy định rồi nhưng giờ ví dụ ngân sách khi kinh tế tăng trưởng, nguồn thu ngân sách tăng lên thì lúc đó mình mới đề xuất HĐND thành phố mức cụ thể, có báo cáo, đề án cụ thể. Nhưng Quốc hội điều chỉnh dự thảo Nghị quyết đến lúc này là đưa ra trần không quá 1,8 lần mức lương chung.

* Nhiều ý kiến cho rằng, tăng lương cũng sẽ không nhiều ý nghĩa nếu việc này khiến tốc độ tăng giá tiêu dùng tại TPHCM tiếp tục được đẩy lên?

- Cái này cũng thuộc trách nhiệm của thành phố phải quản lý để làm sao giá tiêu dùng không tăng quá mức chứ nếu tăng lương, tăng thu nhập mà giá cả cũng tăng lên thì mức lương thực tế đâu có ý nghĩa gì. Vậy nên vấn đề còn lại là phải kiềm chế làm sao để giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm không bị đẩy theo lên để ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Tại cuộc thảo luận của Quốc hội về Dự thảo NQ thí điểm phát triển TP HCM, sáng 20/11, hầu hết các đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết của cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM.

Điểm đặc biệt, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, dự thảo Nghị định mới được sửa đổi, tiếp thu ý kiến vừa trình đại biểu đã có một số điều chỉnh. Cụ thể, cho phép tăng mức thuế với hai loại là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường, tuy nhiên khống chế trần mức tăng không quá 25 % so với mức thuế, thuế suất hiện hành. Do đó, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân giữ nguyên.

Về mức lương, Dự thảo quy định trần nền là lương cơ bản và và mức tăng không vượt quá 1,8 lần. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, việc quy định trần lương là hợp lý, bởi nếu không sẽ tạo sự chênh lệch giữa các TP, xảy ra tình trạng "chảy máu chất xám" của các địa phương khác.

Tuy nhiên, cần phân biệt thu hút nhân tài từ nước ngoài và từ các địa phương khác, Đối với nhân tài từ nước ngoài, cần phải có một cơ chế đặc biệt.

Minh Long (Thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI