Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi xây dựng luật an toàn sinh học

15/02/2020 - 07:49

PNO - Ngày 14/2 Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi cải thiện hệ thống ứng phó khẩn cấp y tế của Trung Quốc, ông nhấn mạnh sự cần thiết của luật an toàn sinh học vì lợi ích an ninh quốc gia

Tính đến ngày 15/2, số liệu thống kê của Ủy ban Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tổng số ca nhiễm covid-19 trên toàn thế giới là 66.894 người, trong đó 1.523 người đã chết và 7.820 người hồi phục sau khi được điều trị.

Đáng chú ý, ngày hôm qua (14/2) NHC đã trừ đi 108 ca tử vong và 1.043 ca lây nhiễm trước đó báo cáo trong số liệu của tỉnh Hồ Bắc, lý do được giải thích là do “thống kê trùng lặp”.

Trước diễn biến mới của dịch bệnh, hôm 14/2 Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi cải thiện hệ thống ứng phó khẩn cấp y tế của Trung Quốc, ông nhấn mạnh sự cần thiết của luật an toàn sinh học vì lợi ích an ninh quốc gia, trong bối cảnh thêm nhiều thành phố ở đại lục tăng cường các biện pháp phong tỏa mạnh mẽ.

Báo SCMP dẫn lời Chủ tịch Tập kêu gọi cải cách công tác ứng phó y tế khẩn cấp khi dịch coronavirrus chủng mới đang làm đình trệ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của Trung Quốc. Ông cũng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường pháp luật về sức khỏe cộng đồng, về phòng chống và điều trị bệnh truyền nhiễm, cũng như bảo vệ động vật hoang dã trong bộ luật chung về an toàn sinh học.

Nhân viên y tế kiểm tra hình ảnh quét CAT của bệnh nhân tại một trung tâm dịch vụ y tế cộng đồng ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc – Reuters/China Daily
Nhân viên y tế kiểm tra hình ảnh quét CAT của bệnh nhân tại một trung tâm dịch vụ y tế cộng đồng ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc – Reuters/China Daily

Tại cuộc họp với lãnh đạo thành phố Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc nói, “mặc dù chúng ta có những thành tích trong công tác diệt dịch, nhưng về dài hạn, cần tóm tắt kinh nghiệm và học hỏi các bài học để khắc phục những yếu kém và những bất cập đã bộc lộ thời gian vừa qua”.

Việc xử lý khủng hoảng, bắt đầu tại thành phố Vũ Hán từ tháng 12, đến nay đã lây nhiễm hơn 66.000 người ở khắp mọi miền đất nước, gây ra một làn sóng chỉ trích công khai, với nhiều nghi vấn về phản ứng của chính quyền địa phương, tiết lộ sự che giấu thông tin và thiếu hụt các nguồn cung cấp bảo vệ cần thiết cho nhân viên y tế tuyến đầu.

NHC hôm 14/2 tiết lộ tổng cộng 1.716 nhân viên y tế đã bị nhiễm coronavirus và ít nhất 6 bác sĩ đã chết, ủy ban đổ lỗi cho sự thiếu hụt nguồn cung cấp y tế trong những ngày đầu dịch mới bùng phát. Trước phản ứng giận dữ của công chúng, chính phủ Trung Quốc đã kỷ luật và cách chức các quan chức hàng đầu ở thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc.

Trong một diễn biến mới nhằm đối phó với coronavirus, Bắc Kinh đã ra lệnh cách ly 14 ngày đối với những người từ nơi khác trở về thành phố sau tết Nguyên đán.

Hơn 66.000 người ở Trung Quốc đã bị nhiễm coronavirus - Ảnh: Reuters
Hơn 66.000 người ở Trung Quốc đã bị nhiễm coronavirus - Ảnh: Reuters

Cư dân thành phố 20 triệu người được thông báo "tự cách ly hoặc đến các địa điểm được chỉ định để cách ly" sau khi họ trở về Bắc Kinh từ các địa phương khác.

Phát biểu tại một sự kiện báo chí ở Berlin hôm 13/2, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thừa nhận Trung Quốc đang đương đầu với thách thức rất lớn của coronavirus, nhưng ông cũng chỉ trích “phản ứng thái quá” của các nước khác.

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Vương tán dương các nỗ lực dập dịch quyết liệt của Bắc Kinh khi nói rằng “tôi không thấy một nước nào khác làm như vậy”, đồng thời cảnh báo các phản ứng đối với Covid-19 của Mỹ có thể cản trở hoạt động thương mại và du lịch, ảnh hưởng đến việc thực thi thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một.

Trong khi đó, Mỹ tiếp tục tăng cường các biện pháp ngăn chặn virus, cụ thể nước này sẽ xét nghiệm để kiểm tra những người có triệu chứng cúm. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết, việc xét nghiệm đầu tiên sẽ được thực hiện tại các phòng thí nghiệm ở Los Angeles, San Francisco, Seattle, Chicago và New York.

Chợ nổi ở Pattaya (Thái Lan) vắng khách do Covid-19 - Ảnh: AFP
Chợ nổi ở Pattaya (Thái Lan) vắng khách do Covid-19 - Ảnh: AFP

Khi dịch Covid-19 đang lên đến cao điểm, du lịch toàn cầu là ngành kinh tế phải chịu rất nhiều thiệt hại. Một báo cáo mới được Economist Intelligence Unit công bố hôm 14/2 dự báo ngành công nghiệp không khói của thế giới có thể phải chịu thiệt hại đến 80 tỷ đô la Mỹ và một năm để rũ bỏ ảnh hưởng của coronavirus.

Đặc biệt, các nước ASEAN sẽ bị tổn thương nhiều nhất vì số lượng khách du lịch Trung Quốc đến các điểm đến này sẽ giảm 30-40% và gây thiệt hại doanh thu khoảng 7 tỷ USD

Hoàng Diệu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI