Chủ trì cuộc kỳ họp về kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách tháng Năm và 5 tháng đầu năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm tháng 6/2019 vào chiều 4/6, ông Nguyễn Thành Phong - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM - đánh giá cao việc thực hiện các chỉ tiêu của các sở, ban, ngành dẫn đến thu ngân sách khả quan hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy vậy, ông vẫn tỏ vẻ không hài lòng đối với một số dự án chậm tiến độ. Ông yêu cầu: “Bây giờ, với mỗi dự án, các đồng chí làm ơn nói cho tôi biết thời gian hoàn thành cụ thể chứ cứ thế này, tôi không biết khi nào xong”.
|
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM |
Cụ thể, đối với hai tuyến metro, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã thi công đạt 63,9%, đảm bảo đưa vào khai thác vào năm 2020; tuyến metro số 2 hiện đang điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Hiện sở đang tổ chức thành lập một hội đồng thẩm định và cũng đang yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan cử nhân sự tham gia hội đồng này.
Ông Phong bất ngờ cho biết, đây là những thông tin… lạc hậu: “Vào ngày 22/5, tôi đã ký quyết định thành lập hội đồng thẩm định rồi, sao các đồng chí không chịu cập nhật. Thực tế, hội đồng thẩm định này đã thực hiện việc thẩm định và có những báo cáo với tôi”.
Tương tự, với đề án “Năm đột phá cải cách hành chính”, Văn phòng UBND đã chọn thực hiện 40 bộ thủ tục và hiện đã hoàn tất 10 bộ. Ông Phong cho rằng, trong 6 tháng mà chỉ hoàn thành 10 bộ thủ tục là một tốc độ không thể nào gọi là “đột phá cải cách hành chính”.
Từ đó, ông yêu cầu: “Các đồng chí phải lập tổ công tác làm ngày làm đêm, sao đó tôi không biết, nhưng cuối tháng Sáu, phải hoàn thành đủ 30 bộ còn lại cho tôi”.
Về dự án chỉnh trang, xây dựng Công viên 23/9, trước đó, UBND TP.HCM đã giao các sở, ban, ngành phải bàn giao mặt bằng chậm nhất là ngày 30/4. Khi đại diện Sở Xây dựng vừa nhắc đến dự án này, ông Phong nói ngay: “Hứa 30/4 phải báo cáo cho tôi biết nhưng đến nay, các đồng chí thấy công viên nó như thế nào?”.
Ông Phong khẳng định, đã giao việc cho Sở Xây dựng, Sở Tài chính và cuối cùng thì không sở nào xác định được thời gian hoàn thành và cũng không báo cáo cụ thể tiến độ. Đơn cử, bến xe buýt hay Sân khấu Sen Hồng sẽ dời đi đâu, bộ phần tiếp nhận ra sao và ai bảo quản công trình… vẫn chưa ai nắm được.
“Bây giờ, các đồng chí phải xác định thời gian cho tôi. Chấp hành hay không thì các đồng chí báo tôi biết. Các đồng chí làm ăn không có kỷ cương gì ráo trọi. Cứ kéo dài mãi thế này mà cải cách thủ tục hành chính cái gì” - ông Phong tỏ ra không hài lòng.
Về dự án Biến rác thành năng lượng, ông Phong cũng cho rằng, việc Sở Tài nguyên và Môi trường cam kết cuối quý II/2020 sẽ chọn được nhà đầu tư là quá chậm, cho thấy sự trì trệ của sở này.
Theo ông Phong, TP.HCM mỗi ngày thải ra 8.000 - 9.000 tấn rác sinh hoạt (chưa kể rác thải công nghiệp và y tế) mà hiện tại chỉ mới tính được phương án tái chế và chôn lấp.
Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ sự quan tâm và rất mong muốn đem công nghệ tiên tiến sang, nhằm biến rác thải thành năng lượng cho TP.HCM, và thành phố chỉ việc chọn nhà tư vấn, sau đó chọn ra người trúng thầu để thực hiện dự án, mà xem ra vẫn quá... nhiêu khê.
“Cái này đã đề cập quá lâu và giờ vẫn đang trên bàn. Đến tháng 6/2020 mới chọn được nhà đầu tư thì có phải anh để cho nhiệm kỳ khác, lúc đó liệu anh có còn làm ở sở này không?” - ông Phong phê bình lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường.
Với quá nhiều dự án có tiến độ “rùa bò”, phát biểu kết thúc kỳ họp, ông Phong quyết liệt yêu cầu các sở, ngành phải tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, bởi “ai cũng quan tâm mà mình thì cứ chậm chạp”.
Tuyết Dân