Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với TPHCM về Nghị quyết 98, Nghị quyết 57

05/10/2024 - 12:08

PNO - Sáng 5/10, Đoàn công tác của Đảng đoàn Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm trưởng đoàn đã làm việc với Thành ủy TPHCM.

Tham gia đoàn công tác còn có các phó chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội, đại diện các bộ, ngành trung ương.

Tiếp và làm việc với đoàn công tác có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM Nguyễn Phước Lộc... cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành TPHCM.

Buổi làm việc nhằm đánh giá kết quả 1 năm triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và Nghị quyết 57/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM.

Bên cạnh đó, buổi làm việc còn nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nội dung TPHCM đăng ký thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; các nội dung qua thực tiễn áp dụng tại TPHCM cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật...

Toàn cảnh buổi làm viêc
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Long Hồ

Phát biểu định hướng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, buổi làm việc nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho TPHCM trong thực hiện Nghị quyết 98, Nghị quyết 57 của Quốc hội.

Đồng chí cũng yêu cầu các thành viên đoàn công tác nghiên cứu kỹ các đề nghị của TPHCM. Trên cơ sở đó, thông qua các phiên họp để giải quyết sớm cho TPHCM, nhất là các vấn đề liên quan đến đường Vành đai 3 TPHCM.

Về Nghị quyết 98, sau hơn 1 năm thực hiện, bên cạnh những việc đã làm, đang làm, còn một số nội dung gặp khó khăn, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu nghiên cứu, đề xuất hướng tháo gỡ để TPHCM triển khai đạt hiệu quả cao nhất. Qua đó, giúp TPHCM triển khai các nội dung trên tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tự chủ, thực chất; giảm hội họp cũng như giảm bớt các văn bản...

Tăng trưởng tích cực, nhưng chưa có đột phá

Báo cáo với đoàn công tác, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, 9 tháng đầu năm, kinh tế TP tiếp tục có đà tăng trưởng và nhiều tín hiệu tích cực, quý sau cao hơn quý trước. Tuy nhiên chưa có đột phá, nhiều chỉ tiêu chưa hoàn thành.

Về đánh giá khả năng hoàn thành 22 chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020 – 2025, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, TP có khả năng hoàn thành 19/22 chỉ tiêu, trong đó 12 chỉ tiêu sẽ đạt; 1 chỉ tiêu phấn đấu đạt, 6 chỉ tiêu cần nỗ lực lớn để đạt; 3 chỉ tiêu không đạt gồm tốc độ tăng GRDP do bị ảnh hưởng trực tiếp từ COVID-19 giai đoạn 2020-2021; tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động.

Chủ tịch UBN TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Long Hồ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Long Hồ

Báo cáo thực hiện Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh, Nghị quyết 98 đem lại cơ hội lớn, có tính đột phá để TP tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tiềm năng, thế mạnh của TP; phân cấp, tạo sự linh hoạt, chủ động, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hành chính; tạo cơ chế hoạt động thuận lợi, phát triển cho TP Thủ Đức vận hành mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước.

Theo đó, Nghị quyết số 98 quy định 44 cơ chế đặc thù, trong đó có 30 cơ chế đã áp dụng; 2 cơ chế đang chờ Bộ, ngành bổ sung quy định; 1 cơ chế xin dừng thực hiện do đã có quy định mới thay thế; 4 cơ chế chưa đề xuất áp dụng; 7 cơ chế TP đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn.

Đặc biệt, TPHCM đã sử dụng nguồn ngân sách để đầu tư vào các công trình hạ tầng quan trọng, bao gồm tuyến đường vành đai 3 và 4, cũng như các dự án về y tế, giáo dục, và giao thông. Bên cạnh đó, các cơ chế về phát triển đô thị và nguồn nhân lực cũng đã được thực hiện hiệu quả.

Thành phố Thủ Đức, với vai trò là thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước, đã có nhiều chuyển biến tích cực về tổ chức bộ máy và quản lý. “Về cơ bản, mô hình chính quyền đô thị TP Thủ Đức đang đi vào hoạt động ổn định, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Tiếp tục tháo gỡ nhiều vướng mắc

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cũng kiến nghị Quốc hội thông qua tổng thể dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM, chủ trương đầu tư Dự án thành phần đoạn qua tỉnh Long An và có Nghị quyết về cơ chế chung cho cả dự án để triển khai Dự án.

Về Đề án đường sắt đô thị TP, đồng chí Phan Văn Mãi kiến nghị Quốc hội chấp thuận việc phân bổ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cho TP khoảng 25,6% trong giai đoạn đến 2035, còn lại sử dụng Ngân sách TP; đề xuất Quốc hội thông qua Đề án theo hướng thông qua khung chính sách cho hai TP để triển khai thực hiện Đề án, không phải là thông qua chủ trương đầu tư cho một dự án cụ thể.

Trong các cơ chế, chính sách trình Quốc hội thông qua có bao gồm nội dung về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư từng tuyến: giao thẩm quyền cho HĐND quyết định chủ trương đầu tư, UBND TP quyết định đầu tư nếu vốn huy động cho dự án hoàn toàn là vốn của TP, để có thể áp dụng ngay cho dự án Metro 2 và các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng TOD trong năm 2025.

Về Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP, đồng chí Phan Văn Mãi kiến nghị Quốc hội chấp thuận 10 cơ chế chính sách tập trung vào các nhóm trụ cột năng lực cạnh tranh cần ưu tiên để xây dựng thành công Trung tâm tài chính.

Trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Đầu tư, TPHCM kiến nghị Quốc hội cho phép sửa đổi, bổ sung Khoản 7 Điều 4 của Nghị quyết 98 để phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là về giải ngân vốn đối với nhà đầu tư chiến lược.

Dự án Vành đai 3 đi qua TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, với giai đoạn 1 dài hơn 76km và tổng mức đầu tư hơn 68.600 tỉ đồng, đã được khởi công vào tháng 6/2023.

Đến cuối năm 2023, dự án đã giải ngân 24.302 tỉ đồng, trong đó 14.946 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương. Năm 2024, dự án đã giải ngân 4.409/14.161 tỉ đồng, đạt 31%. TPHCM đang phối hợp chặt chẽ với các tỉnh liên quan để đảm bảo tiến độ và mục tiêu hoàn thành dự án vào năm 2026.

TPHCM cũng kiến nghị Quốc hội cân đối nguồn vốn ngân sách Trung ương để hỗ trợ tỉnh Bình Dương nâng cấp đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn dài 15,3km, nhằm đảm bảo khai thác đồng bộ khi Vành đai 3 được đưa vào hoạt động năm 2026.

Theo Thành ủy TPHCM, ba nội dung quan trọng sẽ trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TPHCM; Đề án đường sắt đô thị TPHCM; Đề án xây ựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TPHCM.

Hà Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI