Nhà văn hoá Đại tướng Lê Đức Anh (làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) có diện tích khoảng 4.000m2, gồm nhiều hạng mục như: Nhà lưu niệm, thư viện, sân vườn với hệ thống cây xanh và đèn chiếu sáng.
Bên trong khuôn viên nhà văn hóa có biểu tượng cột mốc chủ quyền của Việt Nam được dựng lại theo mẫu cột mốc tại Trường Sa năm 1988. Ngoài ra, thư viện tại đây có hơn 3.000 đầu sách đủ thể loại cùng nhiều hình ảnh, tư liệu về Đại tướng…
|
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm Nhà văn hoá Đại tướng Lê Đức Anh |
Trong sổ lưu niệm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn viết: “Tôi cùng đoàn công tác xúc động được đến thắp nén nhang, tưởng nhớ nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh – Nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước, người đồng chí thân thiết, chí tình, vị tướng tài ba, người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế”.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong muốn, địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo, giữ gìn Khu tưởng niệm nhà văn hoá và Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh ngày càng khang trang, là nơi tiếp đón nhân dân khắp mọi miền đất nước đến thắp hương, tưởng nhớ Đại tướng Lê Đức Anh.
|
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đến thăm Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh |
Tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đoàn công tác bày tỏ xúc động khi được dâng hương tưởng nhớ người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị tướng tài ba của Cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong muốn, địa phương tiếp tục quan tâm, phát huy Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, để nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống cách mạng và lan tỏa tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ.
|
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đến thăm, tặng quà thương binh Nguyễn Viết Đáo - nguyên là chiến sĩ Đại đội Nhật Lệ chi viện cho Thừa Thiên Huế giai đoạn 1969 – 1973. |
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có trụ sở tại 144 Đặng Thái Thân, phường Thuận Hòa, thành phố Huế, là bảo tàng ngoài công lập thứ tư tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bảo tàng này được thành lập nhằm tôn vinh, tri ân công lao của các nhà cách mạng tiền bối và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Thừa Thiên Huế nói riêng và cách mạng Việt Nam nói chung, từ đó tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cho nhân dân, lực lượng vũ trang, học sinh sinh viên và du khách khi đến với Thừa Thiên Huế.
|
Chủ tịch Quốc hội đến thăm ông Hà Văn Lưỡng, nguyên giảng viên Khoa Ngữ Văn- Trường đại học Khoa học - Đại học Huế. |
Trong buổi sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đến thăm, tặng quà thương binh Hà Văn Lưỡng (8/35 Lê Hồng Phong, phường Phú Nhuận, TP. Huế) và thương binh Nguyễn Viết Đáo (9/35 Lê Hồng Phong, phường Phú Nhuận, TP Huế).
Ông Hà Văn Lưỡng, nguyên là giảng viên Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. Trong giai đoạn 1972 – 1974, là chiến sĩ công binh, Quân khu 4. Từ 1974 – 1980 là sinh viên Trường đại học Khoa học Hà Nội. 1980 – 2014 là cán bộ Khoa Ngữ văn, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. Ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang; Huy chương Vì sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và nhiều bằng khen, giấy khen khác.
Thương binh Nguyễn Viết Đáo là chiến sĩ Đại đội Nhật Lệ chi viện cho Thừa Thiên Huế giai đoạn 1969 – 1973. Năm 1973, ông ra Bắc học tập và về công tác tại Trường đại học Khoa học, Đại học Huế.
Ông được tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba; Huy chương Giáo dục Việt Nam và các bằng khen, giấy khen khác.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong muốn, các thương binh tiếp tục là nguồn động viên, là tấm gương sáng về tinh thần, ý chí cách mạng cho các thế hệ; tiếp tục có những đóng góp trong quá trình phát triển của đất nước và thành phố Huế.
Thuận Hóa