Chủ tịch Quốc hội: Cần chủ động di dân ra khỏi vùng thiên tai trong năm 2021

02/11/2020 - 15:09

PNO - Chủ tịch Quốc hội đề nghị bàn và thông qua nghị quyết để Chính phủ chủ động di dân ra khỏi vùng thiên tai ngay trong năm 2021.

 

Sạt lở đất tại Trà Leng
Hỗ trợ y tế cho nạn nhân vụ sạt lở đất tại Trà Leng

Bà con bây giờ khổ lắm!

Sáng 2/11, phát biểu tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội theo chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Kim Ngân cho rằng, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khi thảo luận cần phải gắn với nội dung khắc phục hậu quả và phòng chống thiên tai ở các tỉnh miền Trung.

“Từ cuối tháng 9, đầu tháng 10 tới giờ, miền Trung phải oằn mình trong thiên tai, bão lũ. Bà con bây giờ khổ lắm, nhà không có, không có gì ăn, mì tôm mà cho cũng không có nước nấu phải ăn sống”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Trước tình hình đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp, ngành trước mắt cần tiếp tục hỗ trợ lương thực, thuốc men cho người dân. Đảm bảo sau khi nước rút dịch bệnh không bị bùng phát, người dân sớm vượt qua những khó khăn. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng vẫn phải tiếp tục tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp, ngư dân mất tích ngoài biển…

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu lồng ghép nội dung khắc phục hậu quả và phòng chống thiên tai vào thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu lồng ghép nội dung khắc phục hậu quả và phòng chống thiên tai vào thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, phải lồng ghép nội dung phòng ngừa thiên tai và khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch và chiến lược phát triển cho cả nhiệm kỳ tới.

Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội nhận định phải chủ động trong việc di dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở. “Chẳng nhẽ thời gian tới vẫn có những vụ vùi lấp như vậy hay sao? Tôi đề nghị Quốc hội phải bàn về việc này để chúng ta thông qua nghị quyết sau đó Chính phủ chủ động ngay trong năm 2021 di dân ra khỏi vùng thiên tai. Hàng năm ngân sách Trung ương, địa phương phải chú ý vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Lượng nước khổng lồ tích trên đầu, vô cùng nguy hiểm!

Là ĐBQH tỉnh Quảng Nam - một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, sạt lở đất trong thời gian qua - ông Phan Thái Bình cho rằng, phải tính đến phương án sống chung với bão lũ.

Cụ thể, theo ĐBQH, cần có chính sách giúp cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có thể đảm bảo được cuộc sống tối thiểu, chẳng hạn như cấp gạo, hỗ trợ giải quyết việc làm tại chỗ… để cho đồng bào yên tâm sinh sống, tránh gây tác động xấu tới môi trường.

Thứ hai, khi có thiên tai, người dân thường di chuyển đến các trụ sở cơ quan nhà nước, các trường học vì có xây dựng kiên cố. Tuy nhiên, trong đợt bão lũ vừa qua, thống kê cho thấy, ở Quảng Nam và Quảng Ngãi, hơn 50% trường học bị tốc mái, hư hỏng nặng, nhẹ.

Do đó, đại biểu Bình đề xuất Chính phủ cần nghiên cứu, có chính sách đầu tư, tu bổ, thiết kế xây dựng các trường học đảm bảo chất lượng để lưỡng dụng, không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục mà còn đưa các trường học, điểm trường trở thành điểm tập kết an toàn để di dân đến khi có sự cố thiên tai xảy ra.

Liên quan tới nội dung Tờ trình của Chính phủ về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than (tỉnh Ninh Thuận), Dự án hồ chứa nước Bản Mồng (tỉnh Nghệ An), ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, từ thực tiễn bão lũ ở miền Trung, cần phải có đánh giá thật kỹ mọi tác động.

Đại biểu đề nghị các chuyên gia cần phải nghiên cứu kỹ tác động của việc xây dựng quá nhiều thủy điện nhỏ ở đầu nguồn với vấn đề sạt lở đất thời gian qua. “Cần thiết có thể loại bỏ hết quy hoạch một loạt thủy điện nhỏ và vừa mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Xây hồ đập, thủy điện trên đầu nguồn, cả một khối lượng nước khổng lồ tích ngay trên đầu như vậy, nguy hiểm vô cùng”, đại biểu Bình nói.

ĐBQH Phan Thái Bình
ĐBQH Phan Thái Bình cho rằng, người dân luôn lo sợ trong những mối nguy cơ khi xây dựng nhiều thủy điện đầu nguồn

Ông Bình dẫn chứng, hiện tại Quảng Nam có 40 hồ thủy điện nhỏ và vừa. Tuy nhiên, mùa hạ cũng “lo ngay ngáy” vì thiếu nước, mà thiếu nước thì không sản xuất điện được, không thu được tiền. Còn mùa mưa thì bất an, nước tràn về không biết xả đi đâu. 

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng cho biết, ông ủng hộ các hồ chứa nước nhưng khi triển khai phải coi chừng để không bị chệch hướng đi. Đặc biệt là việc phá rừng để làm thủy điện nhưng bao nhiêu phần diện tích đã phá đi mà không được trồng cây trở lại.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa khẳng định, thiên tai là không né được, nhưng nếu làm tốt hơn công tác phòng tránh thì sẽ bớt tác động gây thiệt hại: “Ví dụ chúng ta làm hàng ngàn thủy điện, khi thiên tai đến thì đã tính đến chưa? Chúng ta đã tính số lượng lớn thủy điện đã ảnh hưởng tới người dân như thế nào? Tính đến sạt lở chưa? Cần phân tích để 10-20 năm tới chúng ta ứng phó được. Thiên tai là thiên tai, không quy hết cho con người nhưng nếu chúng ta làm tốt thì đỡ hơn”.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI