Chủ tịch Omega+: "Tôi có niềm tin vào nhu cầu đọc rất lớn của người trẻ"

24/12/2022 - 07:19

PNO - Say mê nói về sách nhưng cũng đủ tỉnh táo để nhìn nhận thị trường, bản lĩnh trong xây dựng đội ngũ và can đảm với những sự lựa chọn mới, ông Vũ Trọng Đại - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Omega+ - bày tỏ niềm tin vào việc đọc của người trẻ.

Ra đời vào năm 2016, chọn ngách xuất bản hẹp trong thị trường đầy thách thức (các đầu sách nghiên cứu, khoa học nền tảng chất lượng về nội dung, in ấn đẹp, hình ảnh bắt mắt và có giá thành cao hơn thị trường khoảng 30%) nhưng Omega+ nhanh chóng chinh phục được người yêu sách cả nước khi phần nào lấp đầy được khoảng trống của thị trường. Nhiều đầu sách của đơn vị này trở thành sách bán chạy mà chính người làm sách cũng ngạc nhiên.

Ông Vũ Trọng Đại chia sẻ, mong mỏi của ông là có thể xuất bản và giới thiệu các thành tựu tri thức mới nhất của thế giới ngang bằng tốc độ của các nền xuất bản phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc. “Một mong muốn khác vẫn còn canh cánh: bên cạnh mảng sách khoa học xã hội (văn hóa, giáo dục, lịch sử, nghệ thuật…), chúng tôi ấp ủ dự định làm mảng sách khoa học kỹ thuật vốn cũng thiếu và yếu. Thế nhưng đây là thách thức lớn vì cần cả nhân lực và tài chính để xây dựng kế hoạch và chương trình hành động có thể tạo nên tác động đủ mạnh mẽ cho khoảng trống thị trường này”.

Sách cho thế hệ Z cần cô đọng 

* Phóng viên: Thưa ông, trong một cuộc trò chuyện gần đây, ông bày tỏ niềm tin vào việc đọc của người trẻ hiện nay, rằng họ luôn có khát khao lớn với tri thức. Niềm tin này của ông dựa trên cơ sở nào? Liệu có lạc quan quá không khi khảo sát gần đây nhất cho thấy sức đọc của người Việt chỉ hơn 1 cuốn sách/người/năm?

Ông Vũ Trọng Đại: Tôi không biết chắc nguồn gốc của con số thống kê trung bình số sách đọc trên đầu người/năm là từ cuộc khảo sát nào hay có lẽ được quy đổi từ số liệu bản in hằng năm/tổng dân số nhưng tôi không tin vào con số thống kê này vì chưa chắc nó phản ánh được chất lượng đọc. Đọc ít, dù chỉ 1 cuốn/năm mà hữu ích, vận dụng thiết thực vào cuộc sống, học tập, công việc thì hơn đọc nhiều mà không có mục đích.

Còn về niềm tin vào việc đọc của giới trẻ là dựa vào chính số liệu thống kê trên trang của Omega+. Khi mới thành lập công ty (năm 2016), chúng tôi hình dung độc giả của mình là những người độ tuổi U40, có nền tảng kiến thức căn bản và thu nhập khá thì mới có thể tiêu thụ được sách khoa học của Omega+ (khối lượng kiến thức lớn và giá bìa tương đối cao so với mặt bằng chung). Sau 6 tháng hoạt động, chúng tôi xem xét và phân tích dữ liệu người dùng trên fanpage, thực hiện một số khảo sát nhỏ thông qua các chương trình marketing bán hàng và thực sự ngạc nhiên khi thấy rằng chúng tôi đã nhầm.

Ông Vũ Trọng Đại chia sẻ tại một hội thảo về sách
Ông Vũ Trọng Đại chia sẻ tại một hội thảo về sách

Đối tượng đọc chủ yếu của Omega+ lại là các bạn trẻ trong khoảng từ 18-29 tuổi. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều khi đọc bình luận của một sinh viên năm hai ở một trường đại học tại Hà Nội trên fanpage của Omega+: “Em đã đọc cuốn Lịch sử giao thương. Dù chưa hiểu được đến 20% nội dung sách, vì có quá nhiều kiến thức mới, nhưng nó thôi thúc em học hỏi nhiều hơn”.

Trong hơn 2 năm dịch bệnh vừa qua, việc mua bán sách qua các trang thương mại điện tử ngày càng phổ biến, đặc biệt đang nở rộ trên TikTok. Đó là một trong những đặc trưng tiêu dùng của giới trẻ. Từ việc tiếp xúc và giao dịch với độc giả hằng ngày cùng những biểu hiện ngoài xã hội, tôi càng có niềm tin vào nhu cầu đọc rất lớn của giới trẻ. Nếu các bạn trẻ không biết đọc cái gì, tìm đọc ở đâu thì có lẽ chính các đơn vị làm xuất bản và phát hành phải xem lại cách thức tiếp cận khách hàng của mình.

* Bằng góc nhìn của một người làm sách, theo ông, đâu là lý do khiến người trẻ ngày càng ngại đọc sách và đâu là hình thức sách có thể thu hút người đọc trẻ?

- Như trên đã nói, tôi không cho là người trẻ ngại đọc sách. Có lẽ chính chúng ta đang tự cho mình quyền định kiến như vậy. Họ chỉ ngại khi họ bắt buộc phải đọc thứ họ không muốn, không cần, không phù hợp với tư duy của họ. Không thể lấy cách đọc truyền thống để làm thước đo đánh giá việc đọc của giới trẻ. Tôi cho rằng tư duy thế hệ Z rất nhanh nhạy, tốc độ xử lý thông tin hơn hẳn thế hệ trước, cho nên các hình thức sách phù hợp cho thế hệ mới phải ở một hình thức mã hóa thông tin cực lớn và cô đọng, thiên về biểu tượng hình ảnh hơn là về ký tự. Không phải tự nhiên mà xu hướng sách tranh ảnh cho giới trẻ ngày càng trở nên phổ biến.

Một số đầu sách của Omega+
Một số đầu sách của Omega+

* Với tốc độ phát triển của công nghệ như hiện nay, nhiều ý kiến “đổ lỗi” cho các nền tảng mạng xã hội - khiến người trẻ mất nhiều thời gian hơn vào đó mà ít chịu đọc hơn. Ông nghĩ sao?

- Các nền tảng mạng xã hội là thành tựu nổi bật của xã hội đương đại. Chúng ta chưa có khoảng thời gian lùi đủ xa nên chưa thể nhận xét gì về nó. Cái gì cũng có hai mặt. Khi không có các nền tảng này thì lỗi do game ư? Hay xưa hơn nữa thì do gì? Thực ra, tôi rất muốn hỏi ngược lại: hơn 20 năm trước, chúng ta đã bao giờ có lượng sách hết sức phong phú như hiện nay để lựa chọn hay không? Khi đó, sách còn đóng vai trò như một trong số ít nguồn giải trí. Bây giờ khác xưa nhiều rồi. Các nền tảng cũng tồn tại những cộng đồng dành cho độc giả cũng như nhiều nhóm kiến thức đa dạng chứ không phải toàn điều vô bổ. Vấn đề lại thuộc về những người có trách nhiệm: hãy làm sao thu hút được đông đảo giới trẻ tham gia vào các cộng đồng đọc, cộng đồng kiến thức như vậy.

* Đối với các đơn vị làm sách, đặc biệt là dòng sách đặc thù như Omega+, làm thế nào để sách có thể chuyển dịch cùng người trẻ theo sự phát triển của công nghệ và các nền tảng mạng xã hội?

- Thứ nhất, suy nghĩ như giới trẻ, bám sát nhịp thở của giới trẻ, sống cùng môi trường của giới trẻ, bạn sẽ hiểu họ mong muốn sở hữu một sản phẩm nội dung như thế nào, dưới định dạng ra sao, chạy trên nền tảng công nghệ nào. Thứ hai, hãy nghĩ về thứ mà họ sắp mong muốn mà chưa hình dung ra.

* Trái ngược với những người ít đọc là những cá nhân đọc quá nhiều, đọc đến mức trở thành mọt sách, đề cập đến sách nào cũng biết nhưng bước ra cuộc sống lại “lơ ngơ”. Lời khuyên của ông cho những trường hợp này là gì?

- Khi còn là một đứa trẻ, tôi nghiện đọc. Tôi sống trong thế giới của sách đến mức có lúc không tìm được tiếng nói chung với bạn bè. Đó là một kinh nghiệm sống đáng giá. Hãy đọc có mục đích, tức là đọc để học, để sử dụng chứ không chỉ đọc để giải cơn nghiện chữ thì sẽ không bị ngộ chữ, mộng du giữa cuộc đời. 

Tạo không gian sống có sự hiện diện của sách 

* Đang có một xu thế bùng nổ tại Việt Nam trong 2-3 năm trở lại đây là tóm tắt sách. Góc nhìn của ông về hình thức này như thế nào?

- Thực ra đây không phải là xu thế mới. Nó là hình thức đã có từ lâu trong ngành xuất bản, tồn tại song song với sách nguyên vẹn nội dung. Đúng ra gần đây nó nở rộ trở lại sau khoảng hơn 10 năm vắng bóng trên thị trường. Khoảng trước năm 2010 đã từng xuất hiện một loạt dạng sách tóm tắt, rút gọn hoặc sách bỏ túi nhưng chỉ tồn tại vài năm. Tình cờ là ở Việt Nam, hình thức sách trên rơi vào đúng 2 khoảng thời gian kinh tế thế giới khủng hoảng, có lẽ chịu tác động từ việc cắt giảm chi phí.

Tôi cho rằng các hình thức sách tóm tắt hợp pháp đều tốt. Đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện đại khi nhịp sống và làm việc hối hả, cùng một khoảng thời gian mà có thể nắm được tri thức từ nhiều sách hơn sẽ tốt hơn. Tôi rất có cảm tình với loại sách rút gọn, bỏ túi của Nhà xuất bản Penguin hay sách bỏ túi của Nhật là vì thế.

“Tôi yêu thích sách từ nhỏ, trước cả khi biết đọc, thông qua những câu chuyện kể của bà tôi. Đến khi biết chữ, tôi trở thành “mọt sách”, nghiện sách lúc nào không hay. Ngay từ thời tiểu học, tôi đã đọc rất nhiều, đủ loại sách văn học từ Đông sang Tây, kể cả những tác phẩm đồ sộ và rất phức tạp về nội dung, kết cấu như Nghìn lẻ một đêm, Tây Du Ký, Đông Chu liệt quốc, Tam Quốc diễn nghĩa… Việc đọc nhiều và ngấm sách nhiều lúc khiến tôi cảm thấy cô đơn, không cùng ngôn ngữ với chúng bạn. Thế nhưng, tình yêu với sách vẫn cứ lớn dần theo năm tháng.

Thực ra không có cuốn sách nào tác động đến việc tôi lựa chọn làm xuất bản. Tôi tốt nghiệp đại học ngành lịch sử. Việc bước chân vào ngành xuất bản cũng là sự lựa chọn ngẫu nhiên. Nhưng, có lẽ chính tình yêu với sách từ nhỏ đã khiến tôi không thể rời bỏ ngành này dù có nhiều cơ hội khác. Tôi vẫn gắn bó và nguyên vẹn cảm xúc với sách vở như hàng chục năm qua, cho dù ngành xuất bản ở nước ta quả là lắm nhọc nhằn, chông gai.

Ông Vũ Trọng Đại

* Thị trường sách ngày nay đa dạng, mang đến nhiều sự lựa chọn cho người đọc. Tuy nhiên, nó cũng khiến người đọc bối rối, không biết nên lựa chọn như thế nào. Làm thế nào để “gạn đục khơi trong” từ góc nhìn của người đọc và ở góc độ của nhà quản lý, về chất lượng sách (ở khâu nội dung và cả nạn sách giả)?

- Hãy là người đọc thông minh bằng một số mẹo sau đây. Một, tìm đọc sách của các tác giả nổi tiếng và ở các nhà xuất bản uy tín. Hai, tìm đọc sách đã được điểm sách trên các cộng đồng đọc uy tín như Goodreads hoặc tham gia các cộng đồng đọc uy tín ở Việt Nam, bảng bình chọn trên các tờ báo nổi tiếng như New York Times, hoặc nhấn nút theo dõi những người có tầm ảnh hưởng trong giới xuất bản Việt Nam như nhà báo Trương Anh Ngọc, trang Zzz Review về văn học… Cuối cùng, nếu bạn là người mê sách khoa học, luôn có thư mục sách tham khảo ở cuối sách để bạn biết cần đọc các sách nào cùng thể loại nhằm mở rộng hiểu biết.

* Việc xây dựng thói quen đọc sách không chỉ và không thể làm trong ngày một ngày hai. Nó cần có sự kiên trì và định hướng đúng đắn từ gia đình ngay khi trẻ còn nhỏ. Làm thế nào để xây dựng thói quen này khi rất nhiều phụ huynh ngày nay thậm chí còn không có thời gian cho bản thân?

- Con người là động vật xã hội. Tức là trước hết hãy tạo ra không gian sống có sự hiện diện của sách. Một giá sách hay một kệ sách nhỏ trong phòng khách hoặc trên bàn học đều được. Sau đó, dù bận rộn thế nào, các bậc phụ huynh hết mình vì con cái chẳng lẽ không thể dành chừng mươi, mười lăm phút mỗi tối để kể chuyện cho con mình? Bạn chỉ cần làm như thế không đến 1 tháng, đứa trẻ sẽ có tập tính đọc rõ ràng, bước đầu cho thói quen rồi đấy.

 

Mỗi năm gầy dựng 1,2 mảng sách mới 

* Omega+ đang triển khai dự án “Tủ sách đời người”. Đâu là tiêu chí để xây dựng tủ sách này?

- Đầu tiên, sách phù hợp với nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi. Mỗi lứa tuổi sẽ có nhu cầu riêng, ví như tuổi nhỏ ưa truyện tranh, văn học; khi về già lại thích sách tư tưởng, tâm linh. Mỗi giới cũng có những nhu cầu khác nhau... Thứ hai, sách cung cấp hệ giá trị cân bằng. Mỗi cá nhân đều có một hệ giá trị. Có những giá trị phổ quát mang tính toàn cầu, có những giá trị riêng biệt mang tính bản sắc/môi trường sống của cá nhân. Tức là chúng tôi sẽ xuất bản sách nền tảng được cả văn hóa Đông - Tây thừa nhận song không thể thiếu sách của Việt Nam được công nhận qua các thế hệ.

* Là đơn vị tiên phong về mảng sách khoa học nền tảng, tuy nhiên hiện tại, bên cạnh Omega+, bắt đầu xuất hiện không ít đối thủ cạnh tranh. Định hướng của ông là gì trong 5 năm tới để vẫn giữ được vị thế đang có trên thị trường?

- Có lẽ chúng tôi đã thành công ít nhiều nên đại dương xanh đã bắt đầu chuyển sang màu đỏ. Chúng tôi không bất ngờ lắm, thậm chí còn cảm thấy vui mừng vì góp phần gầy dựng một thị trường mới. Chúng tôi cũng không lo ngại về sự cạnh tranh. Mảng sách khoa học nền tảng dù chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ trong một nền xuất bản nhưng vẫn không có giới hạn đối với những doanh nghiệp, cá nhân có đủ sức sáng tạo, nhiệt tâm và sự kiên trì. Thứ nữa, dòng sách này không dễ đến mức bất kỳ ai cũng có thể gia nhập thị trường. 

Tôi và các đồng nghiệp đặt ra mục tiêu mỗi năm gầy dựng từ 1-2 mảng sách mới. Ngoài việc tiếp tục đoán định và đáp ứng nhu cầu độc giả, còn là áp lực sáng tạo, đổi mới để vươn lên. Trong 2 năm qua, dù vướng COVID-19, chúng tôi vẫn lần lượt lập ra tủ sách Khám phá châu lục và tủ sách Đời người. Ngay trong tháng Chín vừa qua, nhân sinh nhật lần thứ sáu, chúng tôi thành lập 2 tủ sách: Kinh tế - Luật - Chính trị quốc tế và Lịch sử - Văn hóa.

Ngoài việc lấp dần những khoảng trống kiến thức cần có trong xã hội với việc thành lập các tủ sách như trên (có thể hiểu là thuận theo nhu cầu phát triển của xã hội), chúng tôi không loại trừ những cơ hội có thể nắm bắt khi xã hội hình thành các nhu cầu mới. Thứ mà tôi định hướng có chăng là phát triển một đội ngũ đủ khả năng theo đuổi cả hai giá trị về sản phẩm và thương mại.

* Cảm ơn ông đã chia sẻ

Hoàng Linh Lan (thực hiện). Ảnh: Diệu Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI