Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Kiên quyết không để 'chìm xuồng' các vụ bạo hành trẻ em

01/12/2017 - 14:35

PNO - Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc tập trung điều tra xử lý nghiêm minh, đủ mức răn đe đối tượng bạo hành trẻ em vừa qua.

Sáng 1/12, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM do Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 1, 3 và 4. Cử tri Mai Thị Ngọc Thúy  (quận 4) băn khoăn: "Trẻ em như búp trên cành, nhiệm vụ của chúng ta là phải để các em có cơm no, có cuộc sống an toàn nhưng tình trạng trẻ bị bạo hành các cơ sở giáo dục tư vẫn bị báo chí phát hiện, gây bức xúc dư luận. 

Chu tich nuoc Tràn Dại Quang: Kien quyét khong dẻ 'chìm xuòng' các vụ bạo hành trẻ em
Quang cảnh buổi tiếp xúc

Công nhân họ vốn đã khổ mới lựa chọn các cơ sở này. Nhiều vụ việc, khi phát hiện trẻ bị bạo hành thì giáo viên đánh trẻ chỉ bị đình chỉ, chúng ta chỉ mới giải quyết phần ngọn. Đây là yếu kém trong việc  quản lý giám sát của các cơ quan chức năng,  cho thành lập cơ sở dễ dàng, người làm không có nghiệp vụ. Tôi đề nghị thắt chặt quản lý các cơ sở, phải có biện pháp mạnh hơn nữa để răn đe các đối tượng, truy cứu trách nhiệm hình sự, xử phạt thật nặng để xoa dịu nỗi đau của phụ huynh".

Trả lời ý kiến của cử tri Thúy, chủ tịch nước Trần Đại Quang nhận định, bạo lực, bạo hành trẻ em là vấn đề rất  bức xúc. Thông qua thông tin đại chúng, xảy ra một loạt vụ bạo hành, xâm hại, sát hại.

Vụ việc bảo mẫu ở Hà Nam tung trẻ hơn 1 tháng tuổi;  Vụ việc bé gái bị bạo hành bằng sắt nung đỏ dí vào mặt và tay ở Kiên Giang;  Vụ việc chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh hành hạ trẻ em ở TP. Hồ Chí Minh; vụ sát hại cháu bé 20 ngày tuổi ở Thanh Hóa và nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian qua, gây hoang mang, lo lắng cho các gia đình và bức xúc trong dư luận xã hội.

Chu tich nuoc Tràn Dại Quang: Kien quyét khong dẻ 'chìm xuòng' các vụ bạo hành trẻ em
Chủ tịch nước Trần Đại Quang

“Tôi cho rằng, đây là vấn đề hết sức quan tâm, toàn xã hội. Với tư cách Chủ tịch nước, tôi yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc tích cực, rà soát giải pháp, thực hiện nghị quyết của Đảng, dự án luật liên quan bảo vệ chăm sóc. Tập trung điều tra xử lý nghiêm minh, đủ mức răn đe đối tượng bạo hành trẻ em.

Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước. Đây là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”, Chủ tịch nước nói.

Theo Chủ tịch nước, đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước; là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Phải làm tiếp, mạnh mẽ hơn nữa, để quên lãng thì không được. Đẩy mạnh tuyên truyền để xã hội thấy trách nhiệm bảo vệ chăm sóc trẻ em.

Chủ tịch nước đề nghị góp phần dấy lên phong trào lên án mạnh mẽ hành vi xâm phạm trẻ em. Các cơ quan chức năng xử lý nghiêm người vi phạm, giáo dục, phòng ngừa, không để tái diễn. Phải làm thật nhanh, cứ để kéo dài, người nọ xin người kia xin chìm xuồng thì không được. 

Chu tich nuoc Tràn Dại Quang: Kien quyét khong dẻ 'chìm xuòng' các vụ bạo hành trẻ em
Cử tri phát biểu tại buổi tiếp xúc

Xem lại công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, phối hợp các đoàn thể trong công tác giáo dục trẻ em, thanh tra kiểm tra, đừng để xảy ra báo chí nêu lên mới vào cuộc thì chậm qúa. Các bộ, ngành, địa phương cần có các giải pháp hiệu quả bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Hữu Châu (quận 3) cho biết, hiện nay, một trong những vấn đề gây bức xúc nhất đối với nhân dân là bộ máy cồng kềnh của hệ thống chính trị ở nước ta. Biên chế lên đến gần 4 triệu người, trong khi đó, ngân sách nhà nước là do dân góp bằng đóng thuế phải chi cho lương 75%. Vì vậy, việc tinh gọn bộ máy để có điều kiện tập trung tiền thuế của dân cho đầu tư phát triển đất nước là rất bức thiết, không thể trì hoãn.

Ông Châu cho rằng, để việc tinh gọn tổ chức bộ máy, một trong những vấn đề cần xem xét hiện nay là nên chăng tiếp tục giải thể đại bộ phận các Ban Chỉ đạo (BCĐ) kém hiệu quả.

Cử tri này đưa ra những con số đáng suy ngẫm. Theo đó, Hà Nội đã giải thể 200 Ban chỉ đạo (BCĐ), còn lại 108 BCĐ. Ở TPHCM, chỉ có 20 BCĐ hoạt động hiệu quả. Đà Nẵng đã giải thể 70 BCĐ.

Điều đáng buồn là ở TPHCM, có uỷ viên UBND TP làm trưởng 30 BCĐ nhưng không thể nhớ hết. Ở Trung ương, có lãnh đạo là Trưởng của hàng trăm BCĐ. Có BCĐ 3 đến 4 năm họp 2 lần, nhiều BCĐ họp chỉ có chuyên viên tham dự. Không ít BCĐ có chức năng, nhiệm vụ trùng lắp, chồng chéo, khi xảy ra sự cố không ai chịu trách nhiệm.

"Tôi kiến nghị phải có có văn bản pháp quy chỉ đạo, rà soát, thống kê tổng số BCĐ trong cả nước và thông báo cho nhân dân biết. Chỉ đạo giải thể đại bộ phận BCĐ không hiệu quả, nhất là cần sớm giải thể BCĐ toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá của TPHCM", ông Nguyễn Hữu Châu nói.

Trả lời ý kiến cử tri Nguyễn Hữu Châu về vấn đề tinh giảm bộ máy biên chế, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, sẽ tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy chính trị tinh gọn, hiệu quả, đồng thời sắp xếp, đổi mới cải tiến đơn vị sự nghiệp công lập.

"Vấn đề đại biểu quan tâm sẽ được giải quyết trong thời gian tới. Chúng ta đã làm rồi, nay tiếp tục. Kết quả đạt nhưng còn khiêm tốn. Bộ máy chúng ta vẫn còn chỗ này chỗ kia cồng kềnh, biên chế phình ra nên rất khó cải cách tiền lương. Sắp tới, tập trung thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII của Đảng và nghị quyết của Quốc hội", Chủ tịch nước nói.

Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI