Chiều 3/10, tại buổi gặp gỡ giữa Đoàn ĐBQH với doanh nghiệp (DN), doanh nhân TP.HCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: đội ngũ doanh nhân Việt Nam phải thực sự là “những người lính tiên phong trên mặt trận kinh tế”; có trình độ, kiến thức toàn diện, phẩm chất đạo đức, ý thức công dân và tinh thần dân tộc; xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, quan hệ lao động hài hoà, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội; bảo đảm doanh nghiệp phát triển bền vững; đời sống vật chất, tinh thần của người lao động không ngừng được nâng cao…”
Khắc phục lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để trục lợi
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước cho biết sẽ tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, chung sức đồng lòng xây dựng cộng đồng DN Việt Nam lớn mạnh, năng động, sáng tạo, cạnh tranh, bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế, là lực lượng chủ lực, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn chặt với tái cấu trúc nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
“Cần khắc phục tình trạng một số doanh nhân chưa nhận thức đầy đủ, còn thiếu văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội, chưa tự giác tuân thủ pháp luật, lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để trục lợi, móc nối với những phần tử thoái hóa, biến chất trong bộ máy nhà nước để trục lợi, tham nhũng, buôn lậu, trốn thuế, gây thiệt hại đến lợi ích, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân”- Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước cho rằng đội ngũ doanh nhân cần tích cực và chủ động hơn nữa trong hội nhập quốc tế. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp, doanh nhân cần tiếp tục tích cực tham gia các chương trình bảo đảm an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, đóng góp các quỹ nhân đạo, từ thiện xã hội vì cộng đồng…
“Cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân TP. Hồ Chí Minh phải luôn đóng vai trò tiên phong, là hạt nhân phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội các tỉnh phía Nam, phát huy tốt lợi thế của TP. Hồ Chí Minh trong phát triển vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt cần đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, đầu tư, nuôi dưỡng, hiên thực hóa các ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo, có khả năng tăng trưởng nhanh và đột phá”- Chủ tịch nước đề nghị.
Trên rải thảm đỏ dưới rải đinh
Tại buổi gặp, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Khu công nghiệp TP.HCM cho hay để phát triển, doanh nghiệp cần vốn, lao động, công nghệ, hội nhập. Tuy nhiên, cái mà doanh nghiệp cần nhất chính là hệ thống luật pháp, chính sách thông thoáng để giúp họ tồn tại và phát triển. Điều này kể cả doanh nghiệp phát đang phát triển hay khởi nghiệp đều cần.
Tuy nhiên, qua hai năm VN thực hiện cải cách hành chính qúa chậm và quá cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Cải cách hành chính mà để cho một rừng hệ thống các văn bản, thủ tục hành chính cản trợ doanh nghiệp phát triển.
Ông Bé liệt kê một loạt thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đơn cử như Bộ Tài chính liên quan đến 1.645 thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp là 678 thủ tục, Bộ LĐ-TB-XH và Bộ NN-PTNT đều 569 thủ tục, Bộ Công thương là 547 thủ tục.
“Chỉ mới có 7 bộ đứng đầu mà các thủ tục hành chính đã kinh khủng như vậy chứ nếu kể hết 21 bộ ngành thì không biết thủ tục hành chính thế nào. Nhiều thủ tục như vậy thì doanh nghiệp được gì. Doanh nghiệp được hàng trăm loại giấy phép con, giấy xác nhận, giấy kiểm định; xuất nhập khẩu thì trung bình phải mất 14 ngày để thông quan hàng”, ông Bé nói.
Ông Bé cho hay Chính phủ thể hiện sự quyết tâm rất lớn đến cải cách hành chính nhưng chuyển biến ở dưới rất chậm. “Người ta thường nói sống và làm việc bằng pháp luật nhưng doanh nghiệp lại sống và làm việc bằng nghị định và thông tư, tức là những điều dưới luật”, ông Bé nói.
Theo ông Bé, cái này là dễ hiểu bởi luật giao cho bộ ngành viết tức sẽ đẩy khó khăn cho doanh nghiệp. Nói như vậy điều tôi muốn nói là nếu luật càng chi tiết thì không cần có nghị định và nghị định càng tiết thì không cần thông tư. Trong tương lai chúng ta cần xây dựng luật chi tiết như bao nhiêu nước trên thế giới”.
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho hay đến nay thương hiệu doanh nghiệp đang có sự teo tóp, doanh nhân vẫn đang khó phát triển.
“Nhưng doanh nghiệp vẫn chưa yên tâm lắm khi các cơ quan nhà nước chưa thực sự đồng hành với doanh nghiệp, nói chưa đi đôi với làm, trên rải thảm đỏ nhưng dưới rải đinh. Các giải pháp chậm đi vào cuộc sống. Nhà nước và Quốc hội luôn đề ra những chủ trương kịp thời nhưng chủ trương vẫn đến chậm với người dân và doanh nghiệp”, ông Minh nói.
Ông Minh kiến nghị Đảng và Nhà nước trước khi ban hành liên quan đến doanh nghiệp, người dân thì nên tham khảo đối tượng bị tác động để sớm đưa chính sách vào cuộc sống. Cần có sự tham khảo của doanh nghiệp, người dân, đồng hành thực hiện, kiểm tra chính sách, chủ trương đưa ra.
“Chính sách, nhất là thủ tục hành chính đề ra nếu không không hơn thì phải bằng các nước phát triển để giúp doanh nghiệp hội nhập, phát triển”, ông Minh kiến nghị.
Trong khi đó, ông Đỗ Long- Chủ tịch Công ty Bitas bức xúc : “Một năm có 3-4 đợt xuống kiểm tra môi trường rất lãng phí. Nên chăng kiểm tra có trọng tâm, tập trung vào các doanh nghiệp có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường. Đoàn này ra thì đoàn khác vào khiến doanh nghiệp không còn đầu óc nào mà làm việc cả. Nên gom tất cả như kiểm tra môi trường, kiểm tra phòng cháy chữa cháy… thành một đoàn, kiểm tra một lần”.
Quỳnh Mai