Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Điện ảnh có vai trò quan trọng để đưa hình ảnh Việt Nam ra trường quốc tế

23/10/2021 - 13:35

PNO - Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Điện ảnh sửa đổi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh vai trò của ngành công nghiệp điện ảnh.

Chủ tịch nước khẳng định điện ảnh có vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh của đất nước
Chủ tịch nước khẳng định điện ảnh có vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh của đất nước

Điện ảnh Việt nhìn từ phim Hàn Quốc

Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Điện ảnh sửa đổi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò của ngành công nghiệp điện ảnh và phát triển đất nước. Nhiều nước đi từ công nghiệp điện ảnh mà quảng bá hình ảnh đất nước, cụ thể như tại châu Á có Hàn Quốc. Những bộ phim của Hàn Quốc đã góp phần giới thiệu đất nước của họ tới Việt Nam. 

Do đó vai trò của điện ảnh đối với phát triển đất nước rất lớn, chưa nói đến nguồn thu, các vấn đề khác trong đời sống xã hội nhưng có thể nói đó là tiền đề phát triển. “Văn hóa soi đường quốc dân đi, vậy thì đây là loại hình văn hóa, một loại hình nghệ thuật có làm được vai trò nhiệm vụ đó không?”, Chủ tịch nước nhấn mạnh có nhiều yếu tố tổ chức thực hiện nhưng có yếu tố khách quan là luật pháp tạo ra hành lang pháp lý để điện ảnh phát triển.

Việt Nam đang hội nhập quốc tế, Chủ tịch nước lưu ý phải giữ gìn được văn hóa dân tộc khi phát triển điện ảnh. “Chúng ta phải giữ gìn được văn hóa thông qua điện ảnh, thông qua hình ảnh đất nước con người Việt Nam”, Chủ tịch nước khẳng định nếu quên đi mục tiêu này sẽ bỏ qua những nhiệm vụ quan trọng của ngành điện ảnh Việt Nam.

Chủ tịch nước đề nghị, về vấn đề chính sách, phải đặt vấn đề mọi tổ chức, cá nhân được làm phim, trên khung pháp lý Nhà nước quy định để khuyến khích xã hội hóa. Bên cạnh xã hội hóa, Nhà nước nên đặt hàng, dành kinh phí cho các tác phẩm lịch sử, tư liệu giới thiệu đất nước con người Việt Nam.

“Những vấn đề thuộc về lịch sử, tư liệu, cuộc kháng chiến dân tộc, giới thiệu văn hóa, con người Việt Nam, Nhà nước nên có cơ chế đặt hàng, hỗ trợ, có chính sách khen thưởng… đối với các loại hình này để khuyến khích”, Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước đề nghị nên có cơ chế đặt hàng, hỗ trợ dòng phim lịch sử, văn hóa Việt Nam
Chủ tịch nước đề nghị nên có cơ chế đặt hàng, hỗ trợ dòng phim lịch sử, văn hóa Việt Nam

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch nước, cần nói rõ các hành vi nào bị nghiêm cấm vi phạm đạo đức, có xu hướng xóa nhòa lịch sử, hành vi tiêu cực trong tư tưởng… Đề nghị cần cụ thể hóa hơn trong quá trình xây dựng luật.

Chủ tịch nước cũng nêu thực trạng, Việt Nam còn thiếu chính sách trong phát hành phim. Trước hết là về cơ sở vật chất của điện ảnh, các phim trường chúng ta chưa làm được. Nhất là việc quảng bá ra nước ngoài "chưa được bao nhiêu", đưa hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài còn hạn chế. Do đó, hợp tác quốc tế cần có vai trò cao hơn, cần chính sách để thế giới biết, hiểu một cách đầy đủ hơn về Việt Nam. "Điện ảnh có vai trò quan trọng để đưa hình ảnh Việt Nam ra trường quốc tế", Chủ tịch nước nhắc lại vai trò của điện ảnh. 

Cân nhắc quy định về quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh

Trình bày về Dự án Luật sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, đối với quy định về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước, dự thảo Luật đưa ra 2 phương án.

Phương án 1: Sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước được thực hiện theo một trong hai hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng. Phương án 2: Giữ nguyên quy định của Luật hiện hành (bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim.

"Đa số thành viên Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất với phương án 1", Bộ trưởng thông tin.

Đối với vấn đề phổ biến phim trên không gian mạng, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Luật Điện ảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim.

Báo cáo thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về quy định về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước, đa số ý kiến thành viên Ủy ban lựa chọn phương án giữ nguyên như Luật hiện hành, gồm cả hình thức đấu thầu.

“Vì thực hiện đấu thầu tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân và phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể trường hợp áp dụng hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nói.

Về phổ biến phim trên không gian mạng, đa số ý kiến thành viên Ủy ban cho rằng, cần kết hợp việc tổ chức, cá nhân phổ biến phim tự phân loại phim với việc cấp phép phân loại, trong đó chủ yếu là các tổ chức, cá nhân tự phân loại phim; nghiên cứu cấp phép phân loại đối với những cơ sở phổ biến phim có tầm ảnh hưởng lớn tới chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và trong điều kiện có thể cấp phép phân loại được.

Đối với quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, quỹ được quy định tại Luật hiện hành nhưng đến nay chưa được thành lập. Dự thảo Luật tiếp tục quy định thành lập quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh và giao Chính phủ quy định chi tiết. Đa số ý kiến thành viên Ủy ban đề nghị cân nhắc quy định về quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh trong Dự thảo Luật vì nội dung chi của quỹ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước; chưa đưa ra giải pháp về khả năng tài chính độc lập.

"Thực tế thời gian qua, khi thông qua một số luật, Quốc hội đã bãi bỏ một số quỹ đã được lập theo các luật chuyên ngành. Trường hợp có quy định thành lập quỹ, đề nghị làm rõ mục đích, nguồn thu, cơ chế hoạt động và quản lý quỹ", Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu rõ.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI