Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội phê chuẩn EVFTA

20/05/2020 - 14:27

PNO - Theo ủy nhiệm của Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sáng 20/5 đã trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu.

Cơ hội và thách thức

Theo tờ trình, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) - viết tắt là EVFTA - chính thức khởi động đàm phán vào năm 2012, do nảy sinh một số vấn đề trong đàm phán nên phía EU đã đề xuất tách thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA). 

Toàn cảnh kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV - Ảnh chụp màn hình
Toàn cảnh kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV - Ảnh chụp màn hình

EVFTA gồm 17 Chương quy định chi tiết nhiều vấn đề như: thương mại hàng hoá, mở cửa thị trường, quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hoá thương mại, các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm, các hàng rào kỹ thuật trong thương mại...

Tờ trình chỉ ra 6 lĩnh vực sẽ chịu tác động khi hiệp định này được thông qua, bao gồm cả chính trị, an ninh quốc gia và đối ngoại... EVFTA sẽ khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hệ thống thương mại tự do quốc tế, thúc đẩy đàm phán FTA của Việt Nam với các đối tác quan trọng khác, đánh dấu giai đoạn hội nhập sâu rộng của Việt Nam.

Ở góc độ đa phương, Việt Nam đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN năm 2020, EVFTA sẽ làm gia tăng vai trò, vị thế của Việt Nam trong quan hệ EU và ASEAN, cũng như tạo hình mẫu cho hiệp định thương mại tự do của EU, ASEAN trong tương lai.

"Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á Thái Bình Dương có hiệp định thương mại tự do với EU. Điều này khẳng định vai trò, vị thế địa chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp khó lường, EVFTA vừa giúp ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó vừa củng cố vị thế để thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá đi đôi với củng cố tăng cường quốc phòng, an ninh", Phó chủ tịch nước nhấn mạnh.

Phó chủ tịch nước trình bày tờ trình tóm tắt về việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) - Ảnh chụp màn hình
Phó chủ tịch nước trình bày tờ trình tóm tắt về việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) - Ảnh chụp màn hình

Thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam sau khi EVFTA có hiệu lực được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động. Thu ngân sách của nhà nước có thể sẽ được cải thiện và tăng trung hạn, dài hạn. 

Ngoài ra, cũng có những tác động gián tiếp thông qua sức ép cải cách thể chế  pháp luật theo hướng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, từ đó thúc đẩy đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài cũng như các hoạt động kinh doanh khác. Những ngành như: thuỷ sản, dệt may, da giày, máy móc, phụ tùng, dịch vụ tài chính, ngân hàng… sẽ có thêm nhiều cơ hội lớn để bứt phá.

EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm. Tay nghề, thu nhập của người lao động được dự báo cũng sẽ được cải thiện đáng kể khi hiệp định này có hiệu lực. Ngoài ra, hiệp định cam kết cả về bảo vệ môi trường nên tiến trình mở cửa, tự do hoá thương mại đầu tư sẽ được thực hiện theo cách thân thiện với môi trường hơn, giúp tăng trưởng bền vững.

EVFTA được đánh giá mang lại nhiều lợi thế trong kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh minh hoạ
EVFTA được đánh giá mang lại nhiều lợi thế trong kinh doanh tại Việt Nam (Ảnh minh hoạ)

Tờ trình cũng nêu ra không ít thách thức khi EVFTA được thông qua. Chẳng hạn, việc cam kết mở cửa thị trường với hàng hoá, dịch vụ sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hoá, dịch vụ trong nước. Tuy nhiên, theo đánh giá, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp do cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, không đối đầu trực tiếp. 

EVFTA bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi hóa thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động, thực vật, sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, phát triển bền vững của Việt Nam. Việc này cũng phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả của mua sắm công, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Các cam kết về lao động trong đó bao gồm việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp hay việc thành lập Nhóm tư vấn trong nước (DAG) để thực hiện các cam kết về thương mại và phát triển bền vững với sự tham gia của đại diện người lao động, doanh nghiệp, các nhà khoa học và các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam có thể làm gia tăng sức ép về giám sát xã hội trong quá trình thực thi Hiệp định và từ đó đặt ra những thách thức nhất định đối với Việt Nam.

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ với những nội dung nêu trên, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn toàn văn Hiệp định EVFTA trong kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV.

Kế hoạch EVFTA không có Vương quốc Anh

Cũng tại phiên họp sáng 20/5, theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phân tích, bên cạnh những tác động tích cực và rõ rệt về mặt kinh tế, cải cách pháp luật thể chế theo hướng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế... hiệp định cũng sẽ giúp việc giảm nghèo nhanh hơn. Theo kết quả nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới thực hiện vào cuối tháng 4 vừa qua, thực thi EVFTA sẽ giúp Việt Nam tăng thêm khoảng 0,8 triệu người thoát nghèo vào năm 2030, tương đương với mức giảm tỷ lệ nghèo 0,7%.

Bộ trường Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thuyết minh về EVFTA trước Quốc hội sáng ngày 20/5
Bộ trường Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thuyết minh về EVFTA trước Quốc hội sáng ngày 20/5

 Trong thời điểm dịch COVID-19 tác động bất lợi đến Việt Nam, nhất là đối với cộng đồng doanh nghiệp. Ông Trần Tuấn Anh kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ thống nhất với EU nhanh nhất có thể để Hiệp định có hiệu lực để tận dụng các cơ hội cho hàng hoá xuất khẩu.

“EVFTA sớm thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với các chuỗi cung ứng mới để thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch COVID-19. Cũng là cơ hội tốt để Việt Nam bước vào lấp chỗ trống cho các chuỗi cung ứng trong khu vực, toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đây cũng là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh. Thị trường xuất khẩu có cơ hội được mở rộng và đa dạng hoá hơn giảm sự lệ thuộc vào một số thị trường nhất định”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích.

Liên quan đến việc Vương quốc Anh rời EU sau thời gian EVFTA được ký kết. Ông Tuấn Anh cho biết, theo thoả thuận Brexit, Anh có giai đoạn chuyển đổi bắt đầu khi Anh rời EU từ 1/2/2020 đến hết 31/12/2020 và có thể gia hạn 24 tháng. Do vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét để Anh vẫn được hưởng cam kết thành viên của EU với Việt Nam trong khuôn khổ quyền lợi hai chiều của EVFTA cho tới hết giai đoạn chuyển đổi là 31/12/2020 và có thể gia hạn đến 24 tháng. Sau đó, để tránh gián đoạn thương mại giữa hai nước, Việt Nam và Anh tính đến khả năng ký kết hiệp định thương mại tư do trên cơ sở kế thừa EVFTA.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI