Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: "Khi tinh gọn bộ máy, chuyện phải chú ý nhất là lợi ích người dân"

26/12/2020 - 20:07

PNO - Chiều 26/12, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên dẫn đầu đoàn công tác làm việc với Quận ủy quận Thủ Đức về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ quận Thủ Đức.



Vì sao là TP. Thủ Đức mà không phải quận Thủ Đức?

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho hay, năm 1997, sau khi huyện Thủ Đức tách thành ba quận 2, 9, Thủ Đức; mỗi quận đã được định hướng để có sự phát triển riêng và đã đem lại những kết quả nhất định; đời sống của người dân cũng từ đó chất lượng hơn.

TP.Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập ba quận 2, 9, Thủ Đức sẽ chính thức vận hành vào ngày 1/3/2021
TP.Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập ba quận 2, 9, Thủ Đức sẽ chính thức vận hành vào ngày 1/3/2021

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định: "Việc sáp nhập ba quận cần một thể chế, mô hình quản lý thích hợp. TPHCM đã mời rất nhiều chuyên gia quốc tế nghiên cứu, thảo luận và thống nhất khả năng TP. Thủ Đức tương lai sẽ trở thành một đô thị sáng tạo, đô thị thông minh mà trên tính toán, đóng góp 30-35% GRDP cho TPHCM, chiếm 7% GDP cả nước".

Quy mô dân số và diện tích của TP. Thủ Đức gấp đến mười mấy lần so với các quận huyện còn lại nên chiếc áo thành phố là phù hợp nhất. Việc thực hiện mô hình “thành phố trong thành phố” cũng giúp TPHCM xin được những cơ chế để phát triển, khơi dậy tiềm năng.

“Nói như vậy để thấy, khi chúng ta thông tin về TP. Thủ Đức, cần phải để anh em (cán bộ, công chức - PV) và đặc biệt là người dân thấy rằng việc thành lập TP. Thủ Đức là một sự tự hào, một sứ mệnh và có đóng góp vào thành phố, cả nước bằng công sức của đội ngũ và công sức của nhân dân” - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Trong hai ngày 25, 26/16, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã dẫn đầu đoàn công tác về làm việc tại ba quận 2, 9, Thủ Đức
Trong hai ngày 25, 26/12, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã dẫn đầu đoàn công tác về làm việc tại quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức

Sắp xếp cán bộ thế nào?

Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức cho rằng, trước thông tin sáp nhập, một số “anh em" bày tỏ tâm tư về việc dôi dư cán bộ. Tuy nhiên, Quận ủy đã coi đây là nhiệm vụ và đã từng bước sẻ chia, tạo sự an tâm cho cán bộ.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thông tin thêm, dù thành phố đã công bố số cán bộ dôi dư, tuy nhiên việc sắp xếp, tinh giản nhân sự bộ máy diễn ra trong 5 năm.

“Thành phố sẽ có phương án cụ thể và việc sắp xếp sẽ rất hợp tình hợp lý chứ không phải tùy tiện” - ông Phong khẳng định.

Theo ông Phong, ngày 31/12/2020 tới đây, thành phố sẽ công bố Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP. Thủ Đức và ngày 1/3/2021, TP. Thủ Đức sẽ chính thức vận hành.

Trong chiều 26/12, UBND TPHCM cũng đã cùng Bộ Nội vụ trình Bộ Tư pháp thông qua Nghị định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 131 về Tổ chức chính quyền đô thị, trong đó có một chương về TP. Thủ Đức. Trên cơ sở đó sẽ triển khai cho các quận trước ngày 1/1/2021.

Cũng theo ông Phong, sau khi có nghị định hướng dẫn, thành phố sẽ triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính theo hai mốc thời gian. “Luật cho phép triển khai trong 60 ngày, nhưng do có bầu cử Hội đồng nhân dân, bầu cử Quốc hội nên thành phố sẽ lấy mốc ngày 29/1/2021, những công việc liên quan tiếp theo sẽ hoàn thành vào ngày 1/3/2021 khi TP.Thủ Đức chính thức vận hành”.

Ngày 31/12/2020, TPHCM sẽ công bố Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, được truyền hình trực tiếp tại điểm cầu Trụ sở UBND Q.2. UBND ba quận 2, 9, Thủ Đức cũng đồng thời tổ chức các địa điểm để người dân theo dõi trực tiếp tại địa phương. Ngoài Nghị quyết 1111, cũng tại Lễ công bố này, TPHCM còn công bố Quyết định Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 1111; ra mắt Ban Chỉ đạo và công bố lộ trình sắp xếp, tổ chức bộ máy cũng như kế hoạch đầu tư các công trình trọng điểm tại TP. Thủ Đức
Ngày 31/12/2020, TPHCM sẽ công bố Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, được truyền hình trực tiếp

Miễn phí chuyển đổi giấy tờ cho người dân, doanh nghiệp

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Khi tinh gọn bộ máy, chuyện phải chú ý nhất chính là lợi ích của người dân. Việc thay đổi bảng tên, biển hiệu hay chuyển đổi, điều chỉnh giấy tờ tôi yêu cầu không thu phí người dân, doanh nghiệp”.

Ông Phong đồng thời nhắc nhở cán bộ trong giải quyết tâm tư của người dân liên quan đến điều chỉnh giấy tờ và việc thành lập TP. Thủ Đức phải dựa trên sự chia sẻ, giải thích tận tình nhằm tạo sự đồng tình và thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Phải giải quyết tất cả các khiếu nại của người dân. UBND TPHCM sẽ lập một tổ chuyên xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển giao, chuyển tiếp hoặc an ninh chính trị trước và sau khi TP. Thủ Đức vận hành (giai đoạn chuyển tiếp tính từ 1/1/2021 đến 1/3/2021).

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: “Quan điểm của thành phố là không để người dân bị ảnh hưởng"

Tại phiên làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: “Quan điểm của thành phố là không để người dân bị ảnh hưởng”. Quá trình diễn ra việc thành lập TP.Thủ Đức đều tổ chức lấy ý kiến người dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết. Việc thành lập TP.Thủ Đức cần lập nhóm để vấn đề nào giải quyết được cho người dân, doanh nghiệp sớm nhất thì giải quyết trước tiên. “Chúng ta cứ làm như trong tâm thế chưa làm gì cho dân hết để lo cho dân được tốt hơn” - ông khẳng định.

Tuyết Dân

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI