PNO - Hôm nay 9/3/2022, Đại hội Phụ nữ Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 bước vào phiên trù bị. Trước thềm đại hội, bà Hà Thị Nga - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - có nhiều chia sẻ cùng hội viên phụ nữ cả nước về sự kiện chính trị quan trọng này của giới.
Phóng viên: Xin bà cho biết đôi nét về quá trình chuẩn bị Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII?
Bà Hà Thị Nga: Với chủ đề “Phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vì hạnh phúc của phụ nữ, vì sự phồn vinh của đất nước”, đại hội lần này sẽ đánh giá phong trào phụ nữ và hoạt động Hội 5 năm qua và đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022 - 2027. Hội LHPN Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng các điều kiện tổ chức để đại hội thực sự là ngày hội lớn của các cấp Hội và cán bộ, hội viên phụ nữ cả nước.
Hội Phụ nữ các cấp không chỉ tham gia tích cực vào cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 mà còn góp nhiều công sức trong việc giảm bớt những đau thương và mất mát do dịch gây ra. (Trong ảnh: Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (giữa) thăm trẻ mồ côi vì dịch COVID-19 tại TPHCM) - Ảnh: Thu Lê
Về nội dung, có thể khẳng định dự thảo các văn kiện trình đại hội và các tham luận được chuẩn bị sớm, công phu, qua nhiều lần, nhiều vòng, lấy ý kiến của các nhà lãnh đạo, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn, nguyên lãnh đạo Hội, cán bộ Hội các cấp và các lực lượng phụ nữ. Có nhiều điểm mới, đột phá trong phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022 - 2027 sẽ được thảo luận và thông qua tại đại hội, đặc biệt là thông qua năm trung tâm thảo luận sâu về năm vấn đề lớn liên quan đến phụ nữ, gia đình, bình đẳng giới và tổ chức Hội.
Về công tác tuyên truyền, Hội LHPN Việt Nam cũng đã chuẩn bị kỹ với những điểm nhấn, đó là bộ nhận diện đại hội với biểu trưng mang ý nghĩa “Phụ nữ Việt Nam khát vọng vươn xa”, phát hành Báo Phụ nữ Việt Nam số đặc biệt, xây dựng phóng sự Sắc xanh khát vọng về dấu ấn nổi bật nhiệm kỳ 2017 - 2022, xây dựng bộ phim tài liệu ba tập mang tên Hoa lửa về truyền thống cách mạng, anh hùng của phụ nữ Việt Nam, triển lãm Hội LHPN Việt Nam - Viết tiếp những ước mơ… Hội đã phát động đợt thi đua đặc biệt, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cán bộ, hội viên, phụ nữ với rất nhiều công trình, phần việc thiết thực, ý nghĩa hướng về đại hội. Công tác nhân sự cũng được thực hiện bài bản, đúng quy định hiện hành để đảm bảo chất lượng và tính liên hiệp của tổ chức Hội.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội cùng các cấp Hội đã có quyết tâm cao, sáng tạo, linh hoạt, thích ứng với điều kiện thực tiễn. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án, sự lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng và chính quyền, 100% Hội LHPN cấp tỉnh, huyện, cơ sở và các tổ chức thành viên đã hoàn thành đại hội đại biểu phụ nữ các cấp, làm tiền đề quan trọng hướng tới Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Đối với Đại hội Phụ nữ Việt Nam lần thứ XIII, ban tổ chức đại hội cũng đã tiến hành các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh trong suốt thời gian đại hội diễn ra.
* Được biết có đến 130 công trình tiêu biểu của phụ nữ cả nước hướng về đại hội, xin bà chia sẻ thêm thông tin? - Theo thống kê từ các tỉnh thành và các đơn vị, toàn quốc có gần 420.000 công trình, phần việc trị giá trên 600 tỷ đồng chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Trong đó có 130 công trình tiêu biểu được giới thiệu, lựa chọn cấp toàn quốc. Đây chính là kết quả của đợt thi đua đặc biệt chào mừng đại hội do Hội LHPN Việt Nam phát động.
Các công trình chào mừng không chỉ mang ý nghĩa tuyên truyền, cổ động, hay đơn thuần để báo cáo kết quả hoạt động của phụ nữ hướng về đại hội, mà từng công trình đều có ý nghĩa rất thiết thực, được thực hiện bằng tình yêu thương, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, phụ nữ đối với cộng đồng xã hội.
Qua hai vòng bình chọn trực tuyến, Hội đồng Thi đua Khen thưởng Hội LHPN Việt Nam đã lựa chọn quyết định tặng bằng khen cho 13 công trình xuất sắc tiêu biểu, trong đó có công trình của Hội LHPN TPHCM mang tên “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”.
Với công trình này, các cấp Hội đã tích cực vận động nguồn lực thực hiện chương trình “Vòng tay yêu thương”, chăm lo tổng cộng 60.700 phần quà, trị giá hơn 24 tỷ đồng cho phụ nữ và trẻ em khó khăn do dịch COVID-19; ký kết với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Báo Phụ Nữ TPHCM, bàn giao bảo trợ 682 trẻ em mồ côi do dịch COVID-19 đến năm 18 tuổi với sự đồng hành của hơn 11 đơn vị doanh nghiệp/nhà hảo tâm, kinh phí hơn 100 tỷ đồng; trao 253 máy tính bảng cho trẻ em mồ côi; vận động, kết nối chăm lo 2.402 trẻ em dưới 16 tuổi mồ côi cha/mẹ hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ do COVID-19 trên địa bàn TPHCM.
Trung ương Hội LHPN Việt Nam và cá nhân tôi rất cảm động trước những hoạt động vô cùng ý nghĩa của các cấp Hội, thể hiện sự nỗ lực, kiên trì, sáng tạo, nhân văn của cán bộ, hội viên, phụ nữ.
* Sắp tới là nhiệm kỳ đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển Hội LHPN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, trong bối cảnh có nhiều cơ hội và thách thức. Hội sẽ làm gì giúp chị em vượt qua rào cản, tận dụng cơ hội để khẳng định vai trò, góp phần xứng đáng vào xây dựng và phát triển đất nước?
- Hiện nay, mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới có những tiến bộ rõ nét, cụ thể, với chỉ số phát triển giới ở mức 1,003, Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu trong năm nhóm gồm 166 nước trên toàn thế giới, xếp thứ 68 trong số 166 nước về chỉ số phát triển giới. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội (Báo cáo số 474/BC-CP về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ). Đây là điều kiện, cơ hội để chị em khẳng định phẩm chất, tiềm năng và vai trò trong gia đình, ngoài xã hội.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (giữa) thăm gia đình trẻ mồ côi vì dịch COVID-19 tại quận 11, TPHCM
Tuy nhiên, khoảng cách giới ở một số đối tượng, vùng miền vẫn là những thách thức. Nhận thức của xã hội và của bản thân phụ nữ về bình đẳng giới chưa đầy đủ. Tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý có tăng nhưng vẫn còn thấp so với chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ lãnh đạo nữ tại các doanh nghiệp chưa tương xứng với số lượng, tiềm năng của lực lượng lao động nữ… Chúng ta có hệ thống pháp luật về bình đẳng giới tương đối đầy đủ nhưng việc thực hiện có lúc, có nơi chưa hiệu quả. Còn không ít những rào cản vô hình, những tác động tiêu cực của định kiến giới trong xã hội và gia đình ảnh hưởng đến sự phát triển của phụ nữ.
Thách thức và cơ hội đó đòi hỏi chị em phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần tự chủ, sức sáng tạo, vượt qua khó khăn để khẳng định mình, thực hiện tốt trách nhiệm của người công dân, vai trò người vợ, người mẹ. Về phía các cấp Hội LHPN Việt Nam, nhiệm kỳ tới, Hội xác định lấy chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đồng hành giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ là nhiệm vụ xuyên suốt; lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ là mục tiêu; lấy sự đồng thuận và tin tưởng của phụ nữ là thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chủ động tham mưu, đề xuất hoàn thiện luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới, thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Hội.
Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII sẽ thông qua nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho giai đoạn 2022 - 2027. Đây là tiền đề cần thiết giúp hội viên, phụ nữ vượt qua rào cản, tận dụng cơ hội để tiếp tục phát huy khẳng định mình, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
* Nhân dịp này, bà có nhắn nhủ gì với chị em?
- Thưa các chị em, tôi mong rằng, từ Đại hội Phụ nữ Việt Nam lần thứ XIII này, cán bộ, hội viên phụ nữ cả nước sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu, cùng nhau đoàn kết, đem hết khả năng, trách nhiệm, nỗ lực cống hiến bằng những hành động cụ thể, thiết thực nhất để có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, vào dòng chảy vẻ vang của tổ chức Hội LHPN Việt Nam.
Phụ nữ Việt Nam sẽ cùng nhau viết tiếp những ước mơ.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.