Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP.HCM: 'Ảnh di sản nên đi thẳng vào hiện trạng di sản'

23/09/2019 - 09:30

PNO - Bên lề cuộc thi ảnh di sản Việt Nam 2019, bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam bày tỏ quan điểm: ảnh di sản nên đi thẳng vào hiện trạng di sản Việt Nam hơn.

Phóng viên: Lâu nay, các cuộc thi ảnh xoay quanh đề tài di sản đều ưu tiên khía cạnh vẻ đẹp tiềm ẩn, hoặc những vẻ đẹp mang tính tích cực. Trong khi đó, di sản đang chịu áp lực rất lớn từ đời sống. Các cuộc thi ảnh di sản có nên cập nhật về tiêu chí không, thưa bà?

Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM: Tôi nghĩ, nhiếp ảnh cũng là một loại hình nghệ thuật, nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật; thông qua tác phẩm để chiến đấu chống lại cái xấu, chưa lành mạnh trong xã hội. Hiện nay, di sản văn hóa đang chịu áp lực rất lớn từ đời sống. Chúng ta đang đối mặt với thực trạng làm sao hài hòa giữa bảo tồn và xu thế phát triển của xã hội.

Chu tich Hoi Di san Van hoa TP.HCM: 'Anh di san nen di thang vao hien trang di san'
Tác phẩm Nghề làm bánh hỏi truyền thống (tác giả Nguyễn Cảnh Hùng) đạt giải nhất cuộc thi ảnh di sản Việt Nam 2018

Có một thực tế: lực lượng mệnh danh sự phát triển, có tiền, có thế lực, và lực lượng mong muốn bảo tồn đang ở trong một cuộc chiến không mấy cân sức. Phải chăng, người ta nghĩ, họ sẽ thu được nhiều lợi hơn khi phá di sản, thay vì để lại một khu bảo tồn thiên nhiên cho đất nước, một di sản cho đất nước? Đây rõ ràng là một vấn đề đặt ra cho chúng ta nhiều năm qua, và dường như càng ngày áp lực càng lớn.Đây cũng là điều mà các nhà nhiếp ảnh cần quan tâm. 

Chúng ta có nhiều công cụ, nhiếp ảnh cũng là công cụ, và các cuộc thi nhiếp ảnh là cơ hội để ta sử dụng công cụ này chống lại các hiện tượng tiêu cực trong công cuộc xây dựng phát triển, xử lý hài hòa giữa bảo tồn - phát triển. Không ai nói phát triển là xấu cả. Chúng tôi làm bảo tồn, cũng không có suy nghĩ bảo tồn là giữ khư khư. Nhưng xin đừng nhân danh phát triển để xóa sạch những di sản cần bảo tồn. Gần đây, tôi có nghe trên ti vi, di sản văn hóa là sức mạnh mềm của xã hội chúng ta. Không phải lúc nào xóa bỏ cũng là phát triển. Chúng ta hoàn toàn phát triển được trên cơ sở di sản - những gì chúng ta đã có.

Tôi có thể dẫn ra trường hợp di tích Hỏa Lò, một trong những điểm đến hấp dẫn tạo nên nguồn thu không nhỏ cho ngành văn hóa nói riêng và Hà Nội nói chung. Tôi nghĩ, những nghệ sĩ nhiếp ảnh có nhiệm vụ làm cho mọi người thấy được cái đẹp của di sản mà chúng ta yêu quý, nhưng đồng thời cũng cần cho mọi người thấy những nguy cơ để cùng nhau bảo vệ, gìn giữ nó. Bên cạnh khía cạnh nghệ thuật, ảnh di sản cũng phải mang tính chiến đấu của nó.

* So với những loại ảnh khác, ảnh di sản có những đặc trưng nào?

- Di sản là giá trị, nên nếu theo ảnh di sản, bằng kinh nghiệm lẫn cảm xúc của mình, nghệ sĩ nhiếp ảnh cần phản ánh trung thực giá trị của di sản đó. Có thể đó là giá trị bên trong, giá trị tiềm ẩn, cũng có thể là giá trị bên ngoài. Tôi nghĩ, đó là đặc trưng cơ bản rất cần của một ảnh di sản. Nó không chỉ phản ánh được cái đẹp của nghệ thuật, mà còn nói lên được giá trị thực chất của di sản đó.

Chu tich Hoi Di san Van hoa TP.HCM: 'Anh di san nen di thang vao hien trang di san'
Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM

* Bà vừa nói, bên cạnh những vẻ đẹp tiềm ẩn, ảnh di sản cũng nên nói được những nguy cơ hiện nay. Nhưng một người đứng đầu một cuộc thi ảnh từng chia sẻ với tôi, những bức ảnh nói lên được những nguy cơ chưa chắc dễ qua cửa kiểm duyệt, vì thế họ buộc phải chọn những bức ảnh đèm đẹp cho… an toàn?

- Đúng là không phải ban tổ chức các cuộc thi ảnh ngay từ đầu ưu tiên những khía cạnh đẹp an toàn đó. Chẳng hạn như cuộc thi ảnh di sản do tạp chí Heritage tổ chức, tôi còn nhớ, một vài năm đầu, họ từng trao giải rất cao cho bộ ảnh đi săn khỉ. Nhưng có lẽ vì lý do như bạn nói, vấn đề xin cấp phép mở triển lãm thường khó khăn. Tôi có cảm giác, hình như những nhà quản lý của chúng ta không muốn phơi bày những mặt xấu thì phải. Nhưng tôi nghĩ rằng, trong xu thế hiện nay, bao giờ cũng phải có yếu tố tích cực và tiêu cực, chính diện và phản diện đấu tranh với nhau.

Vẫn mong các nhà quản lý nhìn nhận đúng và tạo điều kiện cho những bức ảnh phản ánh hai chiều đó, để nó có cơ hội được lan tỏa thông điệp trong xã hội, để công chúng có cái nhìn đầy đủ, đúng đắn hơn về di sản, thì mới có ý thức tham gia bảo vệ di sản được. Lắm khi, một bức ảnh cũng đủ cho một lời lên án đanh thép.

* Ở đây còn có một vấn đề nữa. Thường thì, trong suy nghĩ của không ít người, cái đẹp nghệ thuật phải mang tính tích cực, chứ ít người nghĩ cái đẹp ngay trong sự đổ vỡ, tàn phá…

- Nếu đó là nhà nhiếp ảnh giỏi, anh ta sẽ phản ánh được một di sản nào đó đang lụi tàn nhưng sắc nét, thì đó vẫn là một bức ảnh đẹp. Cái đẹp bên trong sự hủy diệt, phôi phai. Cái đẹp giục giã người ta bảo vệ nó.

* Cảm ơn bà. 


Đậu Dung (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI