Chủ tịch Hội Di sản TP.HCM: 'Sẽ còn bao nhiêu di sản phải kêu cứu?'

11/09/2019 - 17:33

PNO - Mặc dù được kêu cứu rất nhiều lần nhưng cho tới khi di sản bị xoá trắng, người dân vẫn chỉ biết ngậm ngùi.

Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản TP.HCM, cho rằng việc lên tiếng trước vấn đề ngày càng nhiều di sản bị xoá trắng, xâm hại nghiêm trọng không là chuyện của cá nhân nào. Có nhiều trường hợp xảy ra và nhờ chính tiếng nói của người dân, di sản được cứu. Nhưng có quá nhiều di sản cần cứu như thế và việc nói lên tiếng nói của cộng đồng cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Trong những vụ việc nhắc lại, bà Lê Tú Cẩm cho biết Ba Son là di tích dù đã được nhắc nhiều lần vẫn không giữ được. Nhưng đó là câu chuyện đã xa, gần hơn, bà Lê Tú Cẩm điểm lại vụ việc bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) đứng trước nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái hiện tại.

Clip không gian triển lãm Ảnh Di sản Việt Nam năm 2018 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP.HCM:

"Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) là tiếng kêu cứu lớn vì nguy cơ không còn một bán đảo với nhiều động thực vật cần được bảo tồn. Chúng ta thấy bán đảo Sơn Trà đang được phát triển du lịch nhưng du lịch đang diễn ra như thế nào? Du lịch thiên nhiên hay du lịch với những toà nhà bê tông cốt thép? Ở TP.HCM, chúng ta không có những di sản thiên nhiên như nhiều vùng khác nhưng chúng ta có di sản kiến trúc và cũng đã nhiều năm kêu cứu, gìn giữ", bà Lê Tú Cẩm nói. 

Chu tich Hoi Di san TP.HCM: 'Se con bao nhieu di san phai keu cuu?'
Một trong 6 bức ảnh thuộc bộ ảnh Vũ điệu ra khơi của tác giả Trần Bảo Hòa - Đạt giải nhì cuộc thi Ảnh Di sản Việt Nam 2018

Hiện tại, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển vẫn đang tồn tại. Để cân bằng được, câu chuyện không dễ dàng. "Tôi thấy một vấn đề thời sự rằng hiện nay, chúng ta đang đối phó với mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Có vẻ, những di sản kiến trúc của chúng ta có tồn tại hay không hay lại bị yêu cầu của phát triển đưa đến nguy cơ khác nhau. Kể cả với di sản thiên nhiên, chúng ta có được gìn giữ, bảo tồn hay không khi người ta cảm thấy tấc đất là tấc vàng? Đây rõ ràng là vấn đề được đặt ra trong nhiều năm qua nhưng cho đến nay vẫn không giải quyết được", bà Cẩm nói thêm.

Sau khi thất bại trong việc kêu cứu Ba Son, bà Cẩm nhắc đến vụ cầu Bình Lợi đang đứng đưa 2 luồng ý kiến khác nhau rằng nên phá hay nên giữ. "Rồi sẽ còn những gì nữa sẽ được đưa ra bàn luận và tiếp tục mất đi?", bà Cẩm tự hỏi.

Chu tich Hoi Di san TP.HCM: 'Se con bao nhieu di san phai keu cuu?'
Tác phẩm Gánh mạ của Lê Trung Kiên - Đạt giải 3 Ảnh Di sản Việt Nam 2018

Ngay tại buổi phát động giải thưởng Ảnh Di sản Việt Nam năm 2019, Chủ tịch Hội Di sản TP.HCM cho biết các thí sinh, nhiếp ảnh gia nên xem việc lên tiếng trước vấn đề bảo tồn di sản là điều nên thực hiện để góp phần lan toả thông điệp hành động vì di sản Việt Nam. "Các nhiếp ảnh nên đi thẳng vào vấn đề nóng về di sản hiện tại để thể hiện quan điểm của bản thân", bà Cẩm khẳng định.

Cuộc thi Ảnh Di sản Việt Nam năm 2019 phát động từ ngày 11/9 đến ngày 15/10. Ở năm thứ 8 phát động, cuộc thi gồm 5 đề tài: Thiên nhiên (ưu tiên đề tài động vật), Di sản văn hoá vật thể (đặc biệt các di sản kiến trúc), Di sản văn hoá phi vật thể, Môi trường, Du lịch cùng Vietjet. 

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI