Khách sạn bán cơm, chủ thuyền rồng bán cá
Hơn một năm kể từ ngày dịch COVID-19 bùng phát, chân cầu Trường Tiền thuộc tuyến đường Chương Dương, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành điểm mưu sinh của cả chủ lẫn nhân viên thuyền rồng du lịch sông Hương. Họ tụ về đây buôn bán tôm, cá, hoa quả để sống qua ngày.
Bà Đỗ Thị Lài - chủ thuyền rồng TTH - 0375 - cho biết, mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình bà đều trông chờ vào chiếc thuyền rồng nhưng một năm rưỡi qua, thuyền phải nằm bờ vì không có khách. “Nhà tôi có bốn đứa con đều đang tuổi ăn, tuổi học. Không kinh doanh thuyền rồng được, chồng tôi phải đi phụ hồ, còn tôi đi buôn bán cá như ri đây” - bà Lài vừa nói, vừa chỉ tay vào mẹt cá.
|
Bộ phận bếp của khách sạn Saigon Morin chuẩn bị suất cơm trưa để giao tận nơi cho khách - Ảnh: Thuận Hóa |
Bà Võ Thị Lời - chủ thuyền rồng TTH - 0068 - cũng thở than: “Từ khi xảy ra dịch bệnh, hầu hết người làm nghề thuyền rồng du lịch sông Hương phải đi làm việc khác để kiếm sống. Người thì buôn bán, người đi phụ thợ nề, đi lặn vớt vẹm về bán. Như tôi bán cá đây mà kiếm được 70.000 - 100.000 đồng/ngày là mừng lắm rồi”.
Gần một tháng qua, khách sạn bốn sao Saigon Morin mở thêm dịch vụ cung ứng cơm trưa văn phòng. Chị Cao Thị Hương Giang - Phó phòng Kinh doanh - Tiếp thị của khách sạn - cho hay, phần lớn khách đặt mua cơm mang về hoặc nhân viên khách sạn giao theo yêu cầu, ai muốn ăn tại chỗ thì khách sạn bố trí phòng ăn. Gần như lịch đặt phòng tháng Năm và tháng Sáu của các đơn vị đã bị hủy nên khách sạn phải xoay xở để kiếm nguồn thu. Hiện mỗi ngày, chỉ khoảng 5-7 phòng của khách sạn có khách lưu trú. “Từ các đợt dịch COVID-19 trước đến nay, khách sạn có hơn 130 lao động nhưng chưa nhân viên nào phải nghỉ việc. Thu nhập có giảm nhưng mọi người đều thấu hiểu và chia sẻ” - chị Hương Giang nói.
Bà Châu Thị Hoàng Mai - Giám đốc điều hành Khách sạn Alba Spa - cũng cho biết, khách sạn chuyển sang kinh doanh ẩm thực, nhân viên phụ trách giao hàng, quảng bá thức ăn. Ngoài ra, cơ sở Alba Spa trên đường Nguyễn Văn Cừ còn mở quầy bán thực phẩm sạch được nuôi, trồng ở trang trại Alba, xã Phong Sơn, H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Đề xuất cho vay vốn để chuyển nghề hoặc chờ việc
Trong đợt bùng dịch thứ tư này, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam không có ca dương tính với vi-rút SARS-CoV-2, nhưng du lịch vẫn đứng sựng vì không có du khách. Ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ Hoa Hồng, ở TP.Hội An - cho biết, từ tháng Sáu năm ngoái, công ty đã phải bán bớt xe du lịch vì không thể nào chịu nổi gánh nặng chi phí vận hành, bảo dưỡng. Công ty bắt đầu chuyển sang đầu tư siêu thị sạch, vườn hữu cơ nhưng vẫn chờ ngày du lịch hồi sinh, vì đó mới là ngành kinh doanh chính của công ty.
|
Do dịch COVID-19, bà Võ Thị Lời - chủ thuyền rồng du lịch trên sông Hương - phải ra đường bán cá - Ảnh: Thuận Hóa |
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An - nhìn nhận, chính quyền thành phố đang tìm các giải pháp để giảm phụ thuộc vào ngành kinh tế du lịch, chẳng hạn như tái cho phép nuôi trồng thủy sản. Nhưng trước mắt, phải chống dịch đã.
Tính từ đầu năm 2020 đến nay, TP.Đà Nẵng đã trải qua năm đợt dịch khiến ngành du lịch điêu đứng. Theo khảo sát của Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch TP.Đà Nẵng, năm 2020, COVID-19 đã gây thiệt hại cho ngành du lịch thành phố này khoảng 26.000 tỷ đồng. Còn năm 2021, ngành này hầu như bị tê liệt hoàn toàn.
Theo một khảo sát của tiến sĩ Bùi Kim Luận và thạc sĩ Trần Văn Hóa (Viện Đào tạo và Nghiên cứu du lịch, thuộc Trường đại học Duy Tân) cùng các cộng sự về mức độ gắn bó với nghề của hướng dẫn viên du lịch tại TP.Đà Nẵng giai đoạn COVID-19 bùng phát, trong tổng số 331 hướng dẫn viên tham gia khảo sát, có 286 hướng dẫn viên (chiếm 92%) cho rằng, ngoài nghề chính là hướng dẫn viên du lịch, họ cần có thêm một nghề phụ để dự phòng.
Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch TP.Đà Nẵng - cho biết, quỹ đã đề xuất phương án hỗ trợ người lao động trong ngành du lịch vay vốn với tổng vốn cho vay là 65 tỷ đồng. Đối tượng vay sẽ gồm hai nhóm, dự kiến 1.000 người, gồm người lao động vay vốn để chuyển đổi ngành nghề (chuyển hẳn sang nghề mới) hoặc vay vốn để tiếp tục khôi phục sản xuất kinh doanh phục vụ du lịch (bổ sung vốn lưu động kinh doanh nhà hàng, sửa chữa phương tiện vận chuyển…) và người lao động ngành du lịch bị thất nghiệp, vay vốn để trang trải cuộc sống gia đình (nhóm này đang chờ việc và sẽ tiếp tục làm trong ngành du lịch khi ngành này hồi sinh).
Theo ông Cao Trí Dũng, nguồn vốn dự kiến này sẽ có bộ điều kiện đi kèm, người lao động thấy bộ điều kiện nào phù hợp thì tiếp cận: “UBND TP.Đà Nẵng đã có chủ trương rồi, chỉ còn chờ HĐND thành phố thông qua là triển khai thôi”. Ông cho biết thêm, trong khi chờ giải quyết được dịch bệnh và khôi phục hoạt động, ngành du lịch TP.Đà Nẵng vẫn đang tích cực giữ liên lạc với các đối tác du lịch Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc… để nắm thêm tình hình mỗi bên, dự trù các kế hoạch hợp tác khi dịch COVID-19 trên thế giới được kiểm soát tốt.
TP.Huế hiện có 125 thuyền rồng thuộc 12 doanh nghiệp với khoảng 400 lao động, chuyên đưa khách du lịch tham quan, trải nghiệm trên sông Hương. Du lịch đóng băng do dịch COVID-19, họ phải vật vã mưu sinh bằng nhiều nghề khác.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế - tính từ cuối năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có trên 13.000 lao động ngành du lịch bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch bệnh. Hiện toàn tỉnh chỉ còn 5/91 doanh nghiệp lữ hành hoạt động, khoảng 30% doanh nghiệp đã thông báo dừng hoạt động khiến khoảng 8.000 người lao động không có việc làm. Còn theo ông Nguyễn Duy Thông - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh này - từ đầu năm 2021 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận 3.214 hồ sơ đề nghị trợ cấp thất nghiệp. Riêng tháng 5/2021, có 1.057 người lao động đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp.
Nhóm phóng viên miền Trung