Chủ tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 "xé rào" bất thành

30/03/2022 - 21:07

PNO - Với mong muốn chuyển đổi nghề, có tiền trả nợ ngân hàng, chủ tàu vỏ thép đã cải hoán tàu cá thành tàu câu mực nhưng không được cấp giấy phép.

Đó là câu chuyện của vợ chồng ngư dân Ngô Thanh Phong (47 tuổi), Phạm Thị Thanh Lan (44 tuổi) ở xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Hồi năm 2015, vợ chồng anh Phong quyết định đóng tàu cá vỏ thép mang số hiệu Qng 95179 TS, 811 CV theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Tàu được hạ thủy vào đầu năm 2016. Dự toán 14 tỷ đồng. Sau đó, chủ tàu bỏ thêm vốn tự có gần 1 tỷ đồng để trang bị thêm trên tàu. Tổng giá trị tàu cá 15 tỷ đồng.

Chị Lan kể, trước khi đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67, gia đình có tiền gửi ngân hàng; mua đất đai; 2 chiếc tàu gỗ hoạt động hiệu quả. Kể từ khi được đóng tàu vỏ thép thì gia đình bán hết tàu gỗ; đất đai cũng bán sạch, rồi đi mượn sổ đỏ người thân thế chấp vay vốn. Vợ chồng chị cũng đã từng ước mơ đến con tàu vỏ thép của Nghị định 67, nhưng đã là người trong cuộc mới hiểu được cảnh “dở khóc dở cười”.

Tàu cá vỏ thép của anh Phong lúc hành nghề cá
Tàu cá vỏ thép của anh Phong lúc hành nghề cá

Anh Phong vốn là người có kinh nghiệm mấy chục năm đi biển, rồi lên tài công mười mấy năm nay. Làm ăn kém hiệu quả, con tàu là tâm huyết cả đời của vợ chồng anh nên không thể để tàu neo bờ, rồi bán tàu. Số tiền nợ đóng tàu hiện là 12 tỷ. Vợ chồng anh Phong không bó gối ngồi chịu cảnh nợ nần nên "xé rào".

Hai người bàn bạc với nhau, quyết tâm trả nợ lần cho nhà nước, năm 2019, anh chị cầm cố tài sản, sổ đỏ của hai bên nội ngoại, vay mượn được 3 tỷ đồng để cải hoán con tàu vỏ thép nghề cá thành tàu nghề mực.

Năm 2020, gia đình chủ tàu xin đăng kiểm tàu vỏ thép hành nghề cá thành tàu hành nghề mực nhưng đến nay vẫn bất thành. Cũng trong năm này tàu cá không hoạt động được vì gia đình không có tiền đủ chi phí cho thuyền viên khoảng gần 30 người nên đành phải neo bờ.

Tàu cá vỏ thép đã cải hoán nhưng không được cấp phép
Tàu cá vỏ thép đã cải hoán nhưng không được cấp phép đăng kiểm

Mỗi lần ra khơi, trạm kiểm soát biên phòng xử phạt từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng vì lý do không đủ giấy phép hành nghề. "Nếu không đi biển thì gia đình tôi “đổ nợ” nên chỉ mong được phép cải hoán, được cấp phép để yên tâm hành nghề", chị Lan nói.

Tại điểm a, khoản 2; điều 7, Nghị định 67: Mức hỗ trợ 40 triệu đồng/chuyến biển đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV đến 800CV; từ 60 triệu đồng/chuyến biển đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên; hỗ trợ tối đa 10 chuyến biển/năm. Gia đình ngư dân Ngô Thanh Phong không nhận được số tiền hỗ trợ gần 800 triệu đồng trong 2 năm khi không được cấp phép cải hoán con tàu. Theo chị Lan, đó là tổn thất rất lớn với gia đình chị.

Ngoài ra, do nguồn lợi thủy, hải sản cạn kiệt, khiến không chỉ gia đình anh Phong mà nhiều ngư dân khác gặp khó khăn. “Bạn thuyền bỏ đi, nếu chuyển qua nghề mực thì bạn thuyền mới chịu tiếp tục theo thuyền ra khơi bám biển, giờ chị chỉ mong muốn cải hoán tàu để có quyền lợi cho chủ tàu và gần 30 thuyền viên trên tàu, chứ mình vay là mình phải chấp nhận", chị Lan tâm sự.

Đại diện lãnh đạo xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn) xác nhận: Do làm ăn không hiệu quả nên tàu cá vỏ thép của ông Phong, bà Lan đã có phương án xin cấp thẩm quyền cải hoán nhưng chưa được cấp phép. Khi xuất bến để đánh bắt, đồn biên phòng yêu cầu xuất trình các giấy tờ cần thiết thì tàu này còn thiếu.

Về vấn đề cải hoán tàu cá vỏ thép thành tàu hành nghề câu mực, nhân viên ngân hàng BIDV chi nhánh huyện Bình Sơn cho biết: “Chi nhánh đã có văn bản xin ý kiến chỉ đạo ở trụ sở chính, sau đó trụ sở chính sẽ làm việc với các cấp, các ngành, đối chiếu với quy định của nghị định 67 và đã trả lời ngư dân”.

Chị Lan cho biết đến thời điểm hiện tại, tàu cá của anh, chị vẫn không thể được cấp phép cải hoán.

Một cán bộ Chi cục bảo vệ nguồn lợi Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho hay, về mặt quản lý nhà nước, tàu cá nói chung được phép cải hoán. Tuy nhiên, Nghị định 67 không có cơ chế cải hoán; chỉ có cơ chế chuyển đổi chủ, chứ không cho phép chuyển đổi ngành nghề.

Theo quy định, tàu cá vỏ thép đã thế chấp cho ngân hàng; khi muốn cải hoán phải có ý kiến chấp thuận của ngân hàng. 

"Chi cục bảo vệ nguồn lợi Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản gửi ngân hàng BIDV, tuy nhiên ngân hàng không giải quyết", cán bộ này cho biết thêm.

"Ngân hàng làm vậy là quá khó khăn đối với ngư dân, đáng lý ra họ phải tạo điều kiện cho ngư dân làm ăn để trả nợ cho ngân hàng", một người công tác lâu năm trong ngành thủy sản tâm sự.

Như Báo Phụ Nữ TPHCM đã thông tin, Quảng Ngãi có 62 tàu vay vốn theo Nghị định 67, trong đó có 11 tàu thép; 80% hoạt động không hiệu quả do nhiều nguyên nhân. Một số ngư dân vay ngân hàng đóng tàu vỏ thép hơn chục tỷ đồng để rồi làm ăn thua lỗ, lâm vào cảnh nợ nần, đang đứng trước nguy cơ bị "siết nhà", nợ nần chồng chất vì đóng tàu vỏ thép. Tuy nhiên, một số tàu vỏ thép khác không đóng theo nghị định này lại có thể tiếp tục làm ăn, vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền. 

Thanh Vạn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI