Chủ sở hữu quyền tác giả cần “tự bảo vệ mình”

09/08/2024 - 17:33

PNO - Ngày 9/8, tại TPHCM, Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, Viện Triết học Phát triển, Viện những vấn đề phát triển và Viện Quản trị tài sản trí tuệ Minh Đức đã phối hợp tổ chức hội thảo bàn về bản quyền và quyền sao chép tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

hội thảo bàn về bản quyền và quyền sao chép tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Toàn cảnh hội thảo về bản quyền và quyền sao chép tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Theo bà Nguyễn Thị Sánh - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm quốc gia xâm phạm bản quyền ở mức cao. Các tổ chức xã hội, cơ quan quản lý, đặc biệt là các doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nghiên cứu còn nhận thức rất hạn chế về lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Luật sư Phan Vũ Tuấn (Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TPHCM) cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chính là ý thức của chủ sở hữu quyền tác giả.

Năm 2023: xử lý 5,8 triệu trường hợp xâm phạm bản quyền online, đóng cửa 1.000 websits
Luật sư Phan Vũ Tuấn cho biết, riêng năm 2023, K+ đã xử lý 5,8 triệu trường hợp xâm phạm bản quyền phát sóng các giải bóng đá, đóng cửa khoảng 1.000 website vi phạm

Ông Tuấn nêu trường hợp về “bom tấn” Hollywood Deadpool & Wolverine khởi chiếu tại Việt Nam hơn 10 ngày qua và đã tràn lan khắp các trang mạng. “Tại sao các chủ sở hữu quyền của bộ phim không lên tiếng? Nếu chủ sở hữu quyền tác giả còn không tự bảo vệ mình thì làm sao người khác có thể bảo vệ quyền lợi cho mình? Ý thức phải đến từ các chủ sở hữu đầu tiên, sau đó mới đến cộng đồng, cuối cùng mới là cơ quan nhà nước. Ở lĩnh vực điện ảnh, điều tôi nhận thấy trong thời gian gần đây là các chủ sở hữu có thể bỏ số tiền rất lớn để đầu tư sản xuất phim nhưng khi công chiếu lại không muốn chi một số rất nhỏ khác cho biện pháp bảo vệ trọn vẹn, quyết liệt tác phẩm của mình khỏi sự xâm phạm” - ông Tuấn nêu vấn đề.

Nhà sản xuất bộ phim Tết ở làng địa ngục đã xử lý
Nhà sản xuất bộ phim Tết ở làng địa ngục đã chủ động xử lý việc xâm phạm bản quyền phim từ đầu - Ảnh: chụp lại từ tài liệu của luật sư Phan Vũ Tuấn

Luật sư Tuấn cho rằng, các nhà sản xuất hoàn toàn có thể tự bảo vệ mình khi làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, hướng dẫn cộng đồng ngay từ đầu. “Điển hình như trường hợp của phim Tết ở làng địa ngục đã được xử lý hoạt động xâm phạm bản quyền rất ráo riết. Quá trình chuẩn bị phát sóng, liên tục các thư nhắc nhở về vấn đề bản quyền phát sóng của Tết ở làng địa ngục được gửi đến danh sách các địa chỉ “có khả năng xâm phạm” bản quyền phim. Hành động này đã ngăn được khoảng 50% các trang web lậu có ý đồ với bộ phim. Đến khi phim chiếu thì liên tục rà quét để ngăn chặn kịp thời. Và đã xử lý được hơn 46.000/66.000 trường hợp vi phạm ngay lập tức…” – luật sư Phan Vũ Tuấn cho biết.

Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TPHCM Đoàn Hoài Trung chia sẻ về thực trạng xâm phạm bản quyền tràn lan ở lĩnh vực nhiếp ảnh.
Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TPHCM Đoàn Hoài Trung chia sẻ về thực trạng xâm phạm bản quyền tràn lan ở lĩnh vực nhiếp ảnh

Lĩnh vực nhiếp ảnh cũng được cho là bị xâm phạm bản quyền nhiều nhất và dễ dàng nhất. Theo chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TPHCM Đoàn Hoài Trung, rất phổ biến tình trạng sử dụng ảnh mà không xin phép, thậm chí cắt cúp ảnh để sử dụng lại mà không đề tên tác giả, hay phổ biến hơn là việc lấy lại các ảnh trên mạng và chỉ chú thích: “nguồn từ internet”…

Ông Đoàn Hoài Trung cho biết, Hội Nhiếp ảnh TPHCM đang phối hợp với Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng về Luật Sở hữu trí tuệ 2022 và Nghị định 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Cùng với đó, xây dựng một phần mềm cho các tác giả chủ động đăng ký bản quyền tác phẩm ảnh cũng như giao dịch mua bán tác phẩm, tự bảo vệ quyền tác giả của mình.

Dịp này, Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, Viện Triết học Phát triển và Hội Nhiếp ảnh TPHCM cũng ký kết biên bản hợp tác chiến lược trong việc bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan theo quy định của pháp luật Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Dịp này, Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, Viện Triết học Phát triển và Hội Nhiếp ảnh TPHCM cũng ký kết biên bản hợp tác chiến lược trong việc bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan theo quy định của pháp luật Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI