Chủ quyền quốc gia không phải để đùa

20/05/2017 - 09:55

PNO - Khi người ta trẻ, những sai lầm sẽ dễ được tha thứ nhưng nếu bạn cứ vin vào câu hát “Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép” để cho phép mình sai, có khi hậu quả chẳng thể nào cứu vãn được, có hối cũng quá muộn.

Câu chuyện nhóm phượt thủ dùng son môi sửa số 3 thành số 8 trên cột mốc biên giới Việt - Trung để chụp ảnh check-in đang khiến cộng đồng phẫn nộ. 

Chu quyen quoc gia khong phai dẻ dua
Mốc địa giới thiêng liêng của quốc gia bị các phượt thủ mang ra đùa bỡn bằng cách vẽ son sửa nội dung

Ngày 15/5, ảnh một nhóm phượt thủ đứng bên cột mốc biên giới được đưa lên mạng. Bức ảnh thể hiện đây là mốc 428, thuộc huyện Đồng Văn (Hà Giang), nhưng sự thật không phải như vậy.

“Cột mốc 428” trong ảnh có thiết kế đỉnh phẳng, nằm trên đỉnh núi; trong khi cột mốc 428 thực sự do Việt Nam xây dựng có thiết kế hình chóp, nằm dưới lòng sông với tọa độ cương vực quốc gia nằm chính xác trên đỉnh chóp. Ngay khi bức ảnh được tung lên, nhiều người từng đến biên giới đã nhận ra cột mốc nhóm phượt thủ chụp ảnh là cột mốc 423, nằm trên đường lên cột cờ Lũng Cú, do phía Trung Quốc xây dựng theo Hiệp định biên giới ngày 31/12/1999.

Không ai biết lý do vì sao nhóm bạn ấy lại sửa 423 thành 428 - đó là chuyện của cơ quan điều tra; nhưng chắc chắn hành vi này đã xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền biên giới quốc gia, vi phạm Luật Biên giới. Đáng chú ý là trước những chỉ trích từ cộng đồng, chủ nhân bức ảnh còn thản nhiên cho là vì mình “không rảnh đi” nên mới lấy son sửa tên cột mốc biên giới để chụp ảnh và mắng lại người đã góp ý.

Đến khi sự việc căng thẳng và biết cơ quan chức năng đã vào cuộc, bức ảnh mới được xóa kèm lời xin lỗi “vì chưa hiểu biết về an ninh quốc gia” và vì “chút bồng bột” nên mới “đụng chạm đến nơi thiêng liêng của tổ quốc”.

Lâu nay, những trò lố của các phượt thủ thường làm cộng đồng phiền lòng không ít. Trên đường họ đi qua, rác thải vung vãi khắp nơi; hoa lá bị vặt trụi để phục vụ cho việc chụp hình “sống ảo”. Đỉnh điểm là vụ tràn vào bãi sỏi của Linh quy pháp ấn - nơi nhà chùa đã đặt bảng cảnh báo, giày xéo các họa tiết biểu trưng cho luân hồi, cũng chỉ để chụp ảnh check-in.

Trên những cung đường phượt thủ đi qua, các phương tiện giao thông khác thường phải giật mình tránh né kiểu phóng xe bạt mạng, hò hét biểu diễn các trò yên hùng xa lộ của họ. Mà mỉa mai làm sao, trên những chiếc xe phượt còn cắm cả... quốc kỳ. Không phải tự nhiên mà nhiều người than, nơi nào phượt thủ đi qua, nơi đó sẽ nát tan; nhưng vô ý thức đến mức thay đổi cả cột mốc chủ quyền đất nước vì một bức ảnh sống ảo thì không còn lời lẽ nào có thể biện hộ được. 

Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI