Chủ quyền biển đảo mạnh mẽ trong ý thức cộng đồng

22/07/2023 - 06:48

PNO - Thái độ đối với chủ quyền biển đảo Trường Sa - Hoàng Sa của công dân Việt Nam luôn rõ ràng, mạnh mẽ, đồng lòng.

Đài truyền hình MBC Hàn Quốc vừa đưa tin về diễn tiến đêm nhạc của nhóm Blackpink tại Việt Nam, đồng thời nhắc đến phản ứng của khán giả Việt Nam thời điểm hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” được đăng trên website của IME Việt Nam - công ty tổ chức đêm nhạc. Bình luận dưới bản tin, nhiều người Hàn bày tỏ sự chia sẻ với phản ứng của người hâm mộ Blackpink tại Việt Nam về vụ việc này. 

IME Việt Nam đã có lời xin lỗi và đây có lẽ cũng là bài học kinh nghiệm cho các đơn vị quốc tế tổ chức sự kiện tại Việt Nam sau này. 

Mới đây, một clip du học sinh Việt Nam tại Nhật phản đối bản đồ có “đường lưỡi bò” thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Cụ thể, trong buổi học, khi một bạn nữ người Trung Quốc sử dụng hình ảnh bản đồ có “đường lưỡi bò” cho bài thuyết trình, nam du học sinh Việt đã mạnh mẽ phản ứng: “Cái này đừng nên xuất hiện ở đây thì tốt hơn. Trên thế giới không có quốc gia nào công nhận đường lưỡi bò”. Thái độ rõ ràng, dứt khoát của bạn nhận được nhiều lời khen ngợi, ủng hộ từ cộng đồng. Thái độ đối với chủ quyền biển đảo Trường Sa - Hoàng Sa của công dân Việt Nam luôn rõ ràng, mạnh mẽ, đồng lòng. 

Chú thích ảnh: Mỗi viên gạch xây dựng nên các công trình ở Trường Sa đều có khắc quốc huy Việt Nam. Nguồn ảnh: Thông tin Chính phủ
Chú thích ảnh: Mỗi viên gạch xây dựng nên các công trình ở Trường Sa đều có khắc quốc huy Việt Nam. Nguồn ảnh: Thông tin Chính phủ

Việc quốc kỳ Việt Nam tại đảo Trường Sa Lớn bị “xóa trắng” trên ứng dụng Google Maps, Google Earth vừa qua cũng do cộng đồng mạng phát hiện, lên tiếng. Phía đại diện Google tại Việt Nam giải thích “do chất lượng ảnh kém” và đã khắc phục.

Quốc kỳ Việt Nam bằng gốm trên đảo Trường Sa Lớn có kích thước 310m2, được họa sĩ Nguyễn Thu Thủy ghép từ 310.000 viên gốm, nằm trên mái nhà hội trường của đảo. Chủ quyền thiêng liêng của biển đảo được khẳng định bằng ngôn ngữ nghệ thuật, quốc kỳ Việt Nam ở Trường Sa Lớn trở thành biểu tượng không thể phai dấu trên Google Earth. 

“Giữa trùng trùng bão cuốn/ Nam quốc sơn hà nam đế cư/ Câu thơ được kết bằng máu/ bằng xương/ bằng hồn thiêng/ Câu thơ cắm mốc chủ quyền lãnh thổ…” - nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM - chia sẻ lại bài thơ Nam quốc sơn hà giữa Trường Sa chị viết cho nơi đầu sóng. Ở thời điểm “đường lưỡi bò” được nhắc đến trên truyền thông, mạng xã hội, sáng tác của văn nghệ sĩ cũng là một phần sức mạnh trên mặt trận tư tưởng. 

Khẳng định chủ quyền biển đảo không chỉ là ngăn chặn, phản ứng trước những hành động/phát ngôn vi phạm chủ quyền mà còn cần thêm nhiều hành động thiết thực. Tích cực đưa câu chuyện giáo dục về chủ quyền biển đảo vào trong nhà trường; lan tỏa nhiều hơn nữa các tác phẩm văn học - nghệ thuật về nơi đầu sóng... là điều cần làm. Đó không chỉ là cách giáo dục nhận thức cho thế hệ sau mà còn là cách khẳng định chủ quyền mạnh mẽ trước cộng đồng quốc tế. 

Cầm Thi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI