Trẻ cứ than đau đầu
Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ (BS) Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng TP.HCM, cho biết, nơi đây vừa mổ cấp cứu giúp bé trai hai tuổi thoát nguy cơ mù lòa vì bị viêm xoang biến chứng viêm mủ nặng ở mắt.
Trước đó, bé Đoàn Đông T., sinh năm 2017, ở H.Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang nhập viện BV Tai Mũi Họng TP.HCM trong tình trạng: mắt phải tấy đỏ, sưng to, lồi, giảm vận động, không mở mắt được và bạch cầu tăng rất cao.
Bé T. được chẩn đoán bị viêm đa xoang gây biến chứng hốc mắt, có ổ áp-xe ở hốc mắt, tụ mủ ở mắt phải thể nặng. Ngay lập tức, bé được mổ cấp cứu, vì nếu để trễ, bé sẽ có nguy cơ suy giảm thị lực, bị lé hoặc mù. Đặc biệt là nguy cơ nhiễm trùng huyết có thể dẫn đến tử vong.
|
Bé Đoàn Đông T. được mổ kịp thời, tránh nguy cơ mù lòa do biến chứng viêm xoang |
Chị Nguyễn Thị Thúy An, mẹ bé T. kể, cách đó hơn hai tuần, bé bị sổ mũi, nghẹt mũi. Tưởng con bị cảm thông thường nên chị ra hiệu thuốc mua thuốc cho con uống. Sau đó, bé không hết sổ mũi mà mí mắt còn sưng và sốt nên chị đưa đến phòng khám gần nhà.
BS chẩn đoán bé T. bị viêm mũi, họng nên cho thuốc uống. Bé uống thuốc thì đỡ đau, hết thuốc thì bệnh trở lại và mắt sưng to, lúc nào cũng than đau đầu. Chị bèn đưa con nhập viện ở Hậu Giang nhưng mắt T. vẫn sưng và cứ khóc “con đau đầu lắm”.
Chuyển qua BV Nhi Cần Thơ, sau bốn ngày điều trị không đáp ứng, bé T. được chuyển đến BV Mắt TP.HCM. Nhưng tình trạng của bé T. không cải thiện, nghĩ bé bị biến chứng của viêm xoang nên nơi đây đã hội chẩn với BV Tai Mũi Họng TP.HCM. Ngày 25/10, bé được chuyển qua BV Tai Mũi Họng TP.HCM và được mổ cấp cứu.
Vài tháng trước, BV Tai Mũi Họng TP.HCM đã tiếp nhận bé trai 16 tháng tuổi ở tỉnh Bình Thuận bị viêm xoang biến chứng hốc mắt nặng nề đến mức mắt bé gần như lồi hẳn ra ngoài. Khi phẫu thuật, thạc sĩ - BS Nguyễn Minh Hảo Hớn, Trưởng khoa Mũi Xoang của BV, cho biết, khi mở xoang, mủ tràn ra rất nhiều.
Mẹ bé kể, bé bị viêm xoang từ 6 tháng tuổi, bệnh cứ tái đi tái lại. Sáu ngày trước khi nhập viện, bé bị sưng đỏ mắt bên phải. Người nhà nghĩ rằng bé chỉ bị đau mắt thông thường nên cho bé đi khám ở bệnh viện địa phương.
Càng uống thuốc bệnh con càng nặng, mắt càng sưng to, chị vội đưa con đến BV Mắt TP.HCM. Tại đây, BS nghi ngờ bé bị bệnh lý tai mũi họng nên đề nghị chuyển bé qua BV Tai Mũi Họng TP.HCM điều trị. BS phát hiện mắt phải bé có một ổ áp-xe lớn, bạch cầu tăng ở mức báo động.
|
Ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng phẫu thuật khẩn cho bé T. Ảnh: Phạm An |
BV chẩn đoán bé bị biến chứng ổ mắt do viêm xoang, cần mổ cấp cứu ngay. Đây là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất được phẫu thuật ở đây và cũng là một trong những ca bệnh có biến chứng của viêm xoang nặng nề nhất.
Viêm xoang không chừa trẻ nhỏ
Tiến sĩ - BS Nguyễn Thị Thanh Thúy, Trưởng khoa Nhi - Tổng hợp của BV Tai Mũi Họng TP.HCM, cho biết: mỗi năm, nơi đây tiếp nhận hơn chục ca trẻ em bị viêm xoang biến chứng nặng như viêm tai giữa, hốc mắt, nội sọ…
BS Thúy cho biết thêm, viêm xoang là bệnh thường gặp ở người lớn và cả trẻ em. Nhưng nhiều phụ huynh không biết, nghĩ đây là bệnh chỉ có ở người trưởng thành, nên khi con bị sổ mũi, nghẹt mũi, mũi xanh, sốt… không bao giờ nghĩ đến con bị viêm xoang, mà chỉ nghĩ con bị viêm mũi, họng.
Tại BV Tai Mũi Họng TP.HCM, trung bình mỗi năm có hơn chục trẻ nhỏ bị viêm xoang có biến chứng nặng nhập viện. Những biến chứng thường gặp là: viêm tai giữa, polyp mũi, hốc mắt… Nếu để lâu, bé có thể gặp biến chứng (hiếm gặp) nặng nhất của viêm xoang là bị viêm não, viêm màng não, nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong.
Theo BS Trần Phan Chung Thủy, biến chứng ổ mắt do viêm xoang thường gặp ở trẻ em hơn người lớn bởi các mô xung quanh xoang ở trẻ còn lỏng lẻo. Khi bị viêm xoang lâu ngày, vi khuẩn có thể lan tràn qua các mô lỏng lẻo xung quanh gây ra nhiều biến chứng ở ổ mắt, nội sọ, đường hô hấp dưới… Biến chứng ở trẻ em nếu phát hiện trễ sẽ rất nặng nề.
Nhưng làm thế nào phân biệt được trẻ bị sổ mũi thông thường và viêm xoang hay có biến chứng? Theo BS Thúy, khi trẻ có triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi kéo dài, nước mũi xanh, hoặc sốt, đau đầu, đau mắt, hoặc đi kèm bỏ bú, bỏ ăn; hoặc sau 1-2 tuần đỡ bệnh, trẻ lại trở nặng thì nên lập tức đưa đi BV chuyên khoa, BS chuyên khoa. Viêm xoang ở trẻ em chủ yếu điều trị nội khoa (uống thuốc) và chỉ phẫu thuật khi có biến chứng nặng.
Bị viêm xoang có nên điều trị bằng phương pháp dân gian? Hiện nay, trên mạng lan truyền rất nhiều bài thuốc điều trị viêm xoang bằng đường uống và nhỏ trực tiếp. BS Thúy cho biết: “Nói về các phương pháp gia truyền với một số loại cây cỏ, đông y thì cần xem kỹ nguồn gốc và phù hợp với lứa tuổi. Đa phần, thuốc trị viêm xoang gia truyền là dành cho người lớn. Còn nhỏ trực tiếp thì chúng tôi khuyên tuyệt đối không dùng, dù là cây cỏ quen thuộc. Chúng tôi đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân dùng cây cỏ giã nát lấy nước nhỏ mũi sau một thời gian bị tổn thương vùng khe cứu. Dù điều trị hết viêm xoang nhưng bệnh nhân không ngửi được mùi”. BS Thúy cũng cảnh báo phụ huynh không nên dùng nước tỏi nhỏ vào mũi cho trẻ để trị sổ mũi. Vì trong tỏi có tinh dầu cay nồng dễ làm tổn thương niêm mạc mũi của trẻ. Tuyệt đối không nhỏ tỏi, kể cả với người lớn. Khi nhỏ tỏi vào mũi, không phải chỉ niêm mạc mũi nhạy cảm, mà các tế bào luân chuyển - giúp đào thải các chất nhầy, giúp dịch trong xoang từ mũi xuống họng và đi ra ngoài - cũng sẽ bị tổn thương. |
Thùy Dương