|
Bác sĩ Nguyễn Đình Quân khám nốt ruồi cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Da liễu Trung ương - Ảnh: H.A. |
Mắc ung thư từ một nốt ruồi
Xuất hiện nốt ruồi trên ngón tay cái từ khi còn nhỏ nhưng N.M.H. (24 tuổi, ở Hà Nội) và gia đình không mấy bận tâm. Cách đây 6 năm, nốt ruồi bắt đầu lớn lên và thay đổi màu sắc. Gần nửa năm nay, nốt ruồi bỗng phát triển rất nhanh, kích thước tăng gấp 3-4 lần. Nốt ruồi có đường viền khúc khuỷu và lan ra một nửa tay cái, bề mặt gồ ghề… Lúc này, H. mới đến Bệnh viện Da liễu Trung ương để khám và phát hiện bị ung thư tế bào hắc tố.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Quân - Phó trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu Trung ương) - cho biết, trường hợp của H. chỉ là một trong số các bệnh nhân gặp phải nốt ruồi ác tính mà không được phát hiện sớm, nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng. Vị chuyên gia da liễu cho hay, đa số nốt ruồi là lành tính song cũng có một số nốt ruồi có nguy cơ ác tính, hoặc bị ác tính hóa do nằm ở các vị trí cọ xát trên cơ thể gây ra biến tính.
Thời gian qua, việc tẩy nốt ruồi diễn ra rất phổ biến, theo bác sĩ Quân khoảng 80% là vì lý do phong thủy và tính thẩm mỹ… “Các nốt ruồi nằm ở vùng cọ xát như ở khu vực quai áo, cạp quần, vùng cổ… có nguy cơ biến tính cao do thường xuyên bị cọ xát, thậm chí gây chảy máu. Tuy nhiên, mọi người lại thường không quan tâm bởi ít ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ. Chỉ có khoảng 10 - 20% bệnh nhân tới các cơ sở y tế với mục đích loại bỏ nốt ruồi vì liên quan tới bệnh lý” - bác sĩ Quân cho hay.
Đặc biệt, theo bác sĩ Quân, nốt ruồi nằm ở khu vực lòng bàn tay, bàn chân là nơi bị cọ xát nhiều nhất nên có nguy cơ ung thư cao. Một nghiên cứu cho thấy, trong các ca mắc ung thư tế bào hắc tố ở Việt Nam, gặp nhiều nhất là các tổn thương nằm ở lòng bàn tay và bàn chân.
Hiểm họa khi tự ý tẩy nốt ruồi
Theo các chuyên gia, việc tẩy nốt ruồi tùy tiện là một trong những nguy cơ có thể ác tính hóa nốt ruồi hoặc làm chậm trễ việc phát hiện, điều trị ung thư da. Điển hình như trường hợp của một nam bệnh nhân 55 tuổi, ở Hà Nội. Bệnh nhân này đi tẩy nốt ruồi tại spa nhưng sau đó, nốt ruồi không những không mất đi mà còn phát triển nhanh, xâm lấn sâu hơn, thay đổi cả kích thước và màu sắc. Tới khi vào Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư tế bào đáy.
Bác sĩ Nguyễn Đình Quân khẳng định: không phải nốt ruồi nào cũng có thể tẩy được. Việc tự ý tác động tới vùng tổn thương đã khiến các tế bào ung thư xâm lấn sâu hơn, phát triển nhanh hơn khiến quá trình điều trị trở nên phức tạp, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng của bệnh nhân.
Các chuyên gia chỉ ra thực tế, hiện nay, dịch vụ tẩy nốt ruồi không chỉ ở cơ sở y tế mà còn khá phổ biến ở các spa, thậm chí tiệm cắt tóc, gội đầu. Hầu hết người thực hiện không được đào tạo, không phân biệt được nốt ruồi thông thường và những tổn thương ác tính nên dễ bỏ qua các trường hợp có liên quan tới bệnh lý.
Đặc biệt, việc lựa chọn phương pháp tẩy nốt ruồi không phù hợp cũng tiềm ẩn nguy cơ. Theo bác sĩ Nguyễn Đình Quân, phương pháp tẩy nốt ruồi phổ biến là sử dụng lazer và đốt điện. 2 phương pháp này có ưu điểm nhanh gọn, chi phí rẻ song chỉ áp dụng với các nốt ruồi có kích thước nhỏ, vị trí nông ở phần thượng bì. Với các nốt ruồi lớn hơn và sâu hơn, nốt ruồi không tẩy được triệt để nên không ít trường hợp phải đốt đi đốt lại. Việc tác động nhiệt nhiều lần sẽ làm tăng nguy cơ nốt ruồi biến tính, tiến triển thành ung thư.
“Trong các trường hợp này, chúng tôi đều khuyến cáo bệnh nhân nên dùng phương pháp phẫu thuật cắt nốt ruồi để đảm bảo thẩm mỹ, an toàn. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện bởi các bác sĩ được đào tạo” - bác sĩ Nguyễn Đình Quân nói.
Bên cạnh đó, một số nơi còn sử dụng hóa chất để chấm, tẩy nốt ruồi. Điều này rất nguy hiểm bởi hóa chất không rõ nguồn gốc, nguy cơ gây bỏng da, nốt ruồi biến tính. Các bác sĩ khuyến cáo, trước khi quyết định tẩy nốt ruồi, người dân nên thăm khám tại cơ sở y tế có bác sĩ da liễu kinh nghiệm để có chỉ định chính xác.
“Khi thấy nốt ruồi bất thường, người dân nên đến cơ sở y tế để thăm khám. Với các nốt ruồi có dấu hiệu không điển hình và nghi ngờ, các bác sĩ sẽ loại bỏ và tiến hành xét nghiệm” - bác sĩ Nguyễn Đình Quân nhắn nhủ.
5 dấu hiệu nhận biết nốt ruồi có nguy cơ ác tính - Không đối xứng: Nốt ruồi thường có hình tròn và oval, 2 bên đối xứng nhau, nhưng với nốt ruồi có nguy cơ ác tính thì 2 phía không đối xứng. - Đường viền bất thường: Các nốt ruồi lành tính có đường viền mềm mại, cong tròn nhưng nốt ruồi không điển hình lại có viền như hình bản đồ, khúc khuỷu, không đều. - Màu sắc không đồng nhất: Thay vì chỉ có màu nâu hay màu đen, nốt ruồi có nguy cơ ác tính có chỗ đậm, chỗ nhạt, chỗ màu đen, màu nâu hoặc mất sắc tố. - Kích thước lớn: Nốt ruồi thông thường có kích thước dưới 6mm. Các nốt ruồi có kích thước trên 6mm được đánh giá có yếu tố nguy cơ. - Phát triển bất thường: Với nốt ruồi có nguy cơ ác tính, thời gian chuyển từ kích thước nhỏ tới lớn rất ngắn. Có thể chỉ trong vài tháng, nốt ruồi đã tăng tới vài lần. |
Huyền Anh