|
Chủ quan sau khi tiêm 2 mũi vắc xin sẽ rất nguy hiểm |
Trưa 29/10, Ban chỉ đạo phòng, chống COVID TPHCM cho biết, theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, tính đến hết ngày 28/10, Thành phố đã tiêm được 12.938.986 mũi, trong đó 5.689.910 người tiêm mũi 2.
Trong đó, 99,48% người trên 18 tuổi đã tiêm mũi 1, người tiêm đủ 2 mũi chiếm 78,93%, người trên 65 tuổi được tiêm 2 mũi là 90,15% và 84,16% người trên 50 được tiêm 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19. Đến nay, 79.418 trẻ từ 12-17 tuổi ở TPHCM được tiêm ngừa.
Ngành Y tế TPHCM đang rất nỗ lực trong công tác phủ vắc xin cho người dân và trẻ em đủ điều kiện tiêm ngừa để sớm kiểm soát chặt COVID-19. Tuy nhiên, người dân cần xác định tiêm vắc xin ngừa bệnh không có nghĩa sẽ được bảo vệ 100% trước virus SARS-CoV-2.
Theo các chuyên gia y tế, việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 nghĩa là sau khi một người được tiêm ngừa sẽ tạo ra kháng thể trung hòa với virus, kháng thể này được tạo ra từ tuần thứ 2 sau khi tiêm và không có một loại vắc xin nào trên thế giới ngăn chặn 100% virus. Việc tiêm vắc xin sẽ giúp ngăn chặn sự xâm nhập của virus vào các tế bào, làm giảm quá trình gây tổn thương tế bào các cơ quan trong cơ thể, ngăn chặn quá trình gây bệnh lý…
Do đó, những người đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 sẽ có kháng thể bảo vệ, lúc này nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 sẽ giảm, cũng như không may mắc phải thì ít khả năng bệnh diễn tiến nặng, tử vong so với người không tiêm hoặc chưa tiêm vắc xin.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM nói: “Nếu nghĩ rằng tiêm 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 sẽ không mắc bệnh là sai lầm, nguy hiểm. Bất kỳ vắc xin nào, khi được tiêm đủ liều cũng chỉ có hiệu quả bảo vệ nhất định, không vắc xin nào được khẳng định mang đến 100% hiệu quả bảo vệ”.
Ngoài ra, hiệu quả bảo vệ của vắc xin cũng tùy theo đáp ứng miễn dịch của từng người, không phải ai cũng đạt được hiệu quả tối đa mà nhà sản xuất vắc xin đưa ra. Vì vậy, đối với COVID-19, thời gian qua tại Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung vẫn có trường hợp mắc bệnh dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo hướng dẫn tiêm ngừa. Tuy nhiên, một số báo cáo chứng minh rằng mức độ tiến triển nặng của bệnh giảm đi nếu người bệnh đã được tiêm vắc xin.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng đã nhắc nhở người dân cần hiểu rõ một người tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 để nếu chẳng may nhiễm virus SARS-CoV-2 thì có thể có triệu chứng nhẹ, ít bị nặng, giảm nguy cơ tử vong chứ không đảm bảo 100% hiệu quả bảo vệ.
Bên cạnh đó, việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cũng không đồng nghĩa với người đã tiêm ngừa được tự do đi lại, không tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch. Bởi vì 2 mũi vắc xin quý giá có thể hạn chế tỉ lệ tử vong so với người không tiêm hoặc chỉ tiêm 1 mũi khi không may mắc bệnh. “Người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn có thể nhiễm SARS-CoV-2 và nguy cơ lây bệnh cho người khác vẫn có”, ông Sơn nói.
Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam có 8 loại vắc xin ngừa COVID-19 đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Comirnaty của Pfizer/BioNTech, Moderna, Hayat-Vax, Abdala và Janssen. Tất cả những loại vắc xin này đã được nhiều quốc gia cấp phép sử dụng, hầu hết 8 loại vắc xin cũng được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp trong việc phòng, chống COVID-19. Hiệu quả bảo vệ của các loại vắc xin này theo nhà sản xuất cung cấp, cũng như được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam như sau: 1. AstraZeneca do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất được Bộ Y tế phê duyệt ngày 1/2/2021, triển khai tiêm chủng từ tháng 3/2021 (loại vắc xin được tiêm ngừa nhiều nhất). Hiệu quả bảo vệ sau tiêm mũi 1 đạt 76% và hiệu quả cao nhất sau 21 ngày. Sau khi hoàn thành 2 mũi tiêm sẽ đạt 82% hiệu quả bảo vệ. 2. Sputnik V do Viện Nghiên cứu Gamaleya, Nga sản xuất, Bộ Y tế phê duyệt ngày 23/3/2021, Sau tiêm liều mũi 1 khoảng 21 ngày, hiệu quả bảo vệ đạt 91,6% và tăng lên 97,6% sau 35 ngày tiêm liều thứ nhất. Hiệu quả ước tính đối với người mắc COVID-19 nặng là 100% sau 21 ngày tiêm mũi thứ nhất. Ở người từ 60 tuổi trở lên nếu được tiêm đủ 2 mũi sẽ giúp giảm 91,8% nguy cơ mắc COVID-19 có triệu chứng sau 21 ngày tiêm mũi đầu tiên. 3. Vero Cell do Sinopharm phát triển và Beijing Institute of Biological Products Co. Ltd - Trung Quốc sản xuất. Bộ Y tế phê duyệt ngày 3/6/2021, Vero Cell được khuyến cáo cho nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên, hiệu quả 78,2% trong việc ngăn ngừa COVID-19. 4. Comirnaty của Pfizer/BioNTech sản xuất, được Bộ Y tế phê duyệt ngày 16/6/2021. Hiệu quả bảo vệ sau tiêm mũi 1 đạt 52%, sau khi hoàn thành 2 mũi tiêm thì đạt 95% hiệu quả phòng bệnh. Đối với người cao tuổi, sau khi tiêm mũi 1, hiệu quả bảo vệ người trên 70 tuổi đạt 61%. Hoàn thành 2 mũi tiêm giúp giảm 94,7% nguy cơ mắc COVID-19 có triệu chứng. 5. Moderna do Moderna sản xuất, Bộ Y tế đã phê duyệt vào ngày 28/6/2021. Hiệu quả đạt được sau 14 ngày tiêm mũi thứ 2 là 94,1%. Ở người từ 65 tuổi trở lên nếu được tiêm đủ 2 mũi vắc xin Moderna sẽ giúp giảm 86,4% nguy cơ mắc COVID-19 có triệu chứng. 6. Janssen do Janssen Pharmaceutica NV (Bỉ) và Janssen Biologics B.V (Hà Lan) sản xuất, Bộ Y tế phê duyệt ngày 15/7/2021. Trong thử nghiệm lâm sàng toàn cầu với 44.000 tình nguyện viên, vắc xin đạt hiệu quả 66%. Trong thử nghiệm tại Mỹ, vắc xin có tác dụng 72% sau 28 ngày. Ở Nam Phi, độ bảo vệ của vắc xin giảm xuống còn 64% do biến chủng B.1.351. (Beta). Hiện, Việt Nam chưa tiếp nhận vắc xin này. 7. Hayat-Vax do Công ty TNHH Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG), Trung Quốc, sản xuất bán thành phẩm. Bộ Y tế đã có quyết định phê duyệt ngày 10/9/2021. Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, đối với SARS-CoV-2 bất hoạt (tế bào vero) có hiệu quả bảo vệ và an toàn tốt ở những người khỏe mạnh từ 18 tuổi trở lên, với hiệu quả bảo vệ đạt 79,34%, tỷ lệ tạo ra kháng thể trung hòa chống lại virus SARS-CoV-2 đạt 99,52%. 8. Abdala được sản xuất tại Công ty AICA Laboraries, Base Business Unit (BBU) AICA, Bộ Y tế đã phê duyệt ngày 17/9/2021. Hiệu quả 91,2% trong thử nghiệm giai đoạn cuối. |
Phạm An