PNO - Tuyên truyền không lái xe sau khi uống rượu bia ngay tại quán nhậu là ý tưởng tốt. Tuy nhiên, yêu cầu chủ quán báo cáo khi khách say xỉn mà vẫn lái xe về là chuyện không khả thi.
Chủ quán nhậu phải ký cam kết sẽ nhắc nhở thực khách có bia rượu thì không lái xe
Thực tế thì, các vụ tai nạn giao thông diễn ra từ trước đến nay phần lớn đều do rượu bia. Từ đó, Khoản 3 điều 4 Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia quy định về Quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia ghi rõ việc phản ánh, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia… Nghĩa là, bất kỳ công dân nào cũng có nghĩa vụ phản ánh và tố cáo ai đó về hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi say xỉn.
Đó cũng là lý do Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08 Công an TPHCM) yêu cầu các chủ quán cam kết đồng hành phòng chống tác hại của rượu bia, với nội dung các chủ nhà hàng, quán nhậu, karaoke… sẽ thường xuyên nhắc khách đến ăn uống chấp hành nghiêm quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, không tự lái xe sau khi đã uống rượu bia. Các quán nhậu cũng sẽ chủ động treo băng rôn với nội dung "Không lái xe sau khi đã uống rượu bia", và thậm chí là phải gọi điện "méc" CSGT nếu khách say xỉn mà vẫn tự lái xe về...
Tuy nhiên, điều này gần như không khả khi, bởi mối quan hệ giữa khách - chủ quán là mối quan hệ gắn với nhau bởi... rượu bia. Nói một cách tả thực và không né tránh, chủ quán nào cũng muốn khách uống càng nhiều rượu bia càng tốt (bán càng nhiều thì càng có lợi nhuận), và giữ mối quan hệ hữu hảo với thực khách càng nhiều càng tốt - sự hữu hảo dựa trên tiêu chí "khách hàng là thượng đế", "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi". Với mối quan hệ như thế, chủ quán nhậu, karaoke nào có thể tố cáo "thượng đế"?
Đó là chưa kể, việc nhắc nhở các vị khách đang trong trạng thái say xỉn là việc rất không nên. Ở trạng thái đó, con người luôn dễ bị kích động và có hành vi thiếu chuẩn mà mọi lời khuyên răn, nhắc nhở nhẹ nhàng đều dễ trở thành mồi lửa cho một quả bom xô xát. Trong khi đó, chủ quán lại không có chức năng lẫn kỹ năng kiềm chế hay khống chế những cơn kích động trên. Nhắc nhở các bợm nhậu ư? Có khi tai nạn giao thông do say xỉn chưa xảy ra mà thương tích do xô xát nhau thì đã xuất hiện rồi!
Một ai đó có thể làm được công việc can gián, nhất là can gián một người có hơi men, khi và chỉ khi họ được trao công cụ cưỡng chế. Ở đây, các chủ quán đang được yêu cầu "tay không bắt giặc" mà lại là kẻ giặc mà họ cần giao hảo, làm vui lòng. Điều đó không cần phải phân tích sâu xa thì mới hiểu được, vậy thì yêu cầu, bắt chủ quán ký cam kết này nọ để mà chi, khi ai cũng biết rằng họ không nuốn và những gì diễn ra sau đó là họ sẽ tìm mọi cách né đi?
Tinh giản và chống phình to biên chế rất cần cơ chế phân cấp, phân quyền, cá nhân chịu trách nhiệm. Cần hệ thống đánh giá công việc công bằng, thiết thực.