Nghe tiếng đàn guitar trên lầu, cô Dung bước lên. Thấy Jack (Khounphinit Sodalay) đang ngồi ôm đàn nghêu ngao, cô ngồi xuống bên cạnh và ngoắc tay gọi Vinh đang đứng trong phòng. Cả ba cô cháu cùng ngân nga bài hát. Vinh và Jack là hai trong sáu sinh viên đang được cô Dung nhận nuôi ăn ở trong suốt thời gian học đại học.
Ngôi nhà hạnh phúc của sinh viên nghèo
Trong căn nhà ba tầng rộng rãi, cô Dung dành tầng trệt và một phần lầu một làm quán cơm. Lầu hai là nơi cô ở. Còn lầu ba và một phần lầu một được chia thành bốn phòng, mỗi phòng đều có quạt máy, bàn ghế, nệm dành cho các bạn sinh viên.
Căn phòng của Jack khá rộng rãi, đầy đủ tiện nghi. Jack và một người bạn cùng phòng là Axe (Phrathepsouvanh Thipphakone) đều là sinh viên Lào đang theo học y khoa tại Việt Nam. Hai bạn có duyên được trở thành thành viên trong đại gia đình của cô Dung từ chương trình “Sinh viên Lào với gia đình Việt” năm 2019. Sau ba tháng tham gia trải nghiệm cuộc sống gia đình Việt, Jack và Axe xin được ở lại nhà cô Dung trong những năm theo học tại Việt Nam. Cô Dung khen Jack và Axe đều ngoan và cô thương hai bạn như con mình.
|
Cô Dung hạnh phúc bên các bạn sinh viên được cô nhận nuôi ăn, ở trong suốt thời gian học tập |
Sống với cô Dung, Jack và Axe không chỉ được cô dạy thêm tiếng Việt, văn hóa gia đình Việt mà các em còn học ở cô tấm lòng nhân ái. Jack nói: “Dù ở Lào hay Việt Nam, em không nghĩ sẽ có một người tốt như cô. Dù không phải họ hàng nhưng cô lại chấp nhận nuôi hai đứa em đến hết sáu năm đại học. Em thấy rất ngạc nhiên và ngưỡng mộ tấm lòng của cô”. Còn Axe: “Được gặp cô Dung là điều may mắn. Ở nhà cô, được ăn cơm cùng cô và mọi người như một gia đình, em cảm thấy như sống ở nhà mình, vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ ba mẹ”.
Cô Dung nhớ lại chuyện nhận nuôi ăn ở các bạn sinh viên: khoảng năm 2014, trong một lần đi trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học ở H.Củ Chi, cô gặp bạn Tuyết Anh, có dáng người bé xíu như học sinh lớp Sáu. Hỏi chuyện mới biết Tuyết Anh vừa thi đậu đại học y nhưng gia đình không có điều kiện cho học tiếp. Đến tận nhà tìm hiểu, cô Dung liền gợi ý với gia đình sẽ đón Tuyết Anh về nhà mình nuôi ăn ở trong suốt những năm em học đại học. “Cô bé bây giờ đã là bác sĩ, làm việc ở Bệnh viện Nhi Đồng. Em thường xuyên tham gia các chuyến khám chữa bệnh cho trẻ em nghèo, khó khăn” - cô Dung tự hào.
Và Tuyết Anh là nguồn cảm hứng khiến cô Dung nhận nuôi các bạn sinh viên nghèo, nhiều bạn đã hoàn thành chương trình học và có việc làm. Trường hợp gần nhất là Vinh. Một ngày, Vinh đến nhờ cô Dung giúp đỡ. Trò chuyện, cô Dung biết Vinh đang học y khoa, vừa bị đuổi khỏi nhà trọ vì không có tiền. Mẹ Vinh ở quê buôn bán trái cây dạo, không đủ sức nuôi con trở thành bác sĩ. Cô Dung đón em về nhà, sắp xếp một căn phòng trên lầu ba để em yên tâm học tập.
Trường hợp tương tự là Đại. Đi tập thể dục, nghe người bạn nói có một sinh viên ngủ ngoài ghế đá công viên nhiều ngày liền. Sinh viên đó là Đại, đang học ngành khách sạn - nhà hàng. Vì gia đình quá khó khăn nên Đại phải sống lay lắt ngoài công viên gần tháng. Đại về ở nhà cô Dung hơn một năm qua.
Cho đi là hạnh phúc
Thời trẻ, cô Dung từng theo học ngành sư phạm rồi đi dạy học. Nhưng thấy mình không có duyên với nghề giáo nên cô chuyển sang làm công ty, rồi mở quán bán cơm suốt 35 năm nay. Cũng từ quán cơm ấy, các con của cô lần lượt ra đời, trưởng thành, hiếu thuận và ủng hộ việc làm của mẹ. Cô Dung cho biết, nhiều năm trước, cô đã ra nước ngoài ở với con, nhưng do không quen với cuộc sống nơi xứ lạ nên cô đã trở về.
Cô Dung cùng các bạn sinh viên |
|
Trong ngần ấy năm duy trì quán cơm, cô Dung đã cưu mang biết bao mảnh đời khó khăn. Cô Phượng - một nhân viên phụ bếp, quê ở tỉnh Trà Vinh, vì gia đình khó khăn, đã xa chồng và hai con nhỏ để lên thành phố làm thuê và may mắn được nhận vào làm việc tại quán cơm của cô Dung. Cô Phượng kể: “Thấy tôi hay ngồi khóc vì nhớ con, cô Dung cho tiền về quê đón các cháu lên ở cùng. Các con đi học cũng được cô giúp đỡ. Lớn lên, cô cho tiền con trai học lái xe, con gái học kế toán. Ơn của cô Dung tôi không bao giờ trả hết. Tôi đã có 33 năm gắn bó với cô Dung. Các con tôi nay cũng đã lớn, có nghề nghiệp, có gia đình riêng, nhưng tôi vẫn ở lại làm việc cho cô đến khi nào không còn làm được nữa”.
Ngoài cô Phượng, quán còn có bà Bảy đã 35 năm phụ bếp và một phụ huynh có con đang học Đại học Kiến trúc cũng đang ở tại nhà cô.
“Tất cả những việc tôi làm đều xuất phát từ tấm lòng yêu thương. Tôi nghĩ, những gì mình làm ra, khi chết cũng có mang theo được đâu. Cho đi là hạnh phúc, nên mình cứ cho đi. Tôi không mong được trả ơn mà chỉ mong nhìn thấy họ sống tốt hơn là được” - cô Dung nói về việc mình đang làm.
Chồng cô Dung qua đời chưa tròn năm. Hiện tại, cô đang dần giao lại quán cơm cho vợ chồng anh con trai để có thời gian đến với các vùng quê nghèo khó. Vừa cùng những người bạn đi tặng quà cho đồng bào dân tộc S'Tiêng ở H.Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước trở về, cô lại đang lên kế hoạch cho chuyến thiện nguyện ở tỉnh Lâm Đồng.
Thiên Ân