Chữ hiếu trong kinh doanh

17/12/2024 - 08:51

PNO - Tôi thích được ngồi nghe mẹ kể chuyện xưa, được ăn cơm với mẹ, được cùng mẹ đi thăm bà con… Mấy món mẹ nấu là ngon nhất thế giới.

Từ mấy chục năm nay, sáng thứ Hai hàng tuần, công ty chào cờ ngay tại phòng làm việc. Mọi người để tay phải lên ngực trái, hát quốc ca và đồng thanh:

“Trước anh linh tổ tiên và có đất trời chứng giám, chúng tôi tâm nguyện – Tận trung với tổ quốc – tận hiếu với gia đình – tận tâm với cuộc sống – tận lực với công việc. Chúng tôi tự nguyện đồng tâm, hiệp lực; xây dựng và phát triểu thương hiệu theo các giá trị "Tiên phong – Tự chủ - Chính trực – Quyết thắng". Một phút suy gẫm và tiếp nhận”. Đúng một phút.

Sau đó giao ban văn phòng, tuần cuối kết hợp tổ chức sinh nhật nhân viên trong tháng. Đây là dấu ấn mà hơn trăm nhân viên đã rời công ty gần 30 năm vẫn luôn ghi nhớ.

Dù chuẩn bị qua U80, tôi vẫn làm hướng dẫn viên khi có yêu cầu. Một trong những chức năng của hướng dẫn viên công ty là "tự nguyện phục vụ". Thấy tôi xăng xái mọi chuyện, các đối tác ái ngại, dành làm, tôi cười bảo: “Các bạn để tôi làm thương hiệu cá nhân và PR cho công ty”.

Với ông, giúp ích cho cộng đồng cũng là chữ hiếu
Với ông, giúp ích cho cộng đồng cũng là chữ hiếu

Thấy tôi nhiệt thành, các hướng dẫn viên khác và sinh viên thực tập không thể thờ ơ. Có phụ huynh điện thoại cám ơn vì: “Từ khi vào công ty làm việc, về nhà cháu ngoan và hiếu thảo hơn”.

Vào công ty, làm dịch vụ du lịch, bài học đầu tiên là ân cần, niềm nở, hết lòng với khách. Tự dưng, nhiều bạn nghĩ lại, lâu nay chưa hết lòng với người thân. Chưa hiếu thảo trong gia đình, khó mà hết lòng chăm chút người dưng.

Sau buổi dạy đầu tiên, tôi luôn dặn sinh viên, về nhà gặp ba mẹ hoặc điện thoại hỏi thăm, các em nhớ nói dùm tôi câu: “Con yêu ba mẹ”. Nhiều em cười bảo, em mà nói vậy, ba mẹ em sẽ bảo: “Mày muốn gì thì nói đại đi”.

Lần đầu nói vậy, ai cũng ngượng miệng vì chưa quen. Cái gì cũng phải tập, nói thật lòng. Ba mẹ nào cũng thích được nghe như vậy. Tôi vẫn thường làm vậy với ba mẹ hai bên và luôn được nghe: “Ba mẹ cũng yêu con”.

Mọi việc phải bắt đầu từ gia đình. Tôi không tin, kẻ bất hiếu trong nhà có thể tử tế với người khác. Trước đây, hàng năm, công ty có tour báo hiếu, dành cho các bậc sinh thành để cha mẹ hiểu hơn công việc của con cái, các gia đình hiểu nhau hơn. Thành công của nhân viên luôn gắn với sự hỗ trợ, thông cảm, tạo điều kiện và tiếp sức từ gia đình. Hậu phương vững thì tiền tuyến mạnh.

Từ nhỏ, tôi được cha mẹ dạy: “Đi thưa về trình”, “Chào hỏi phải vòng tay lễ phép”, “Anh em như thể tay chân”, “Chị ngã em nâng”, “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Thương người như thể thương thân”, “Học thầy không tầy học bạn”… thành nếp nhà bền vững. Ba tôi chỉ học tới lớp Bốn hồi xưa (lớp Hai bây giờ). Mẹ là con ông Đồ nhưng không được đi học (nghe nói, sợ biết chữ viết thư cho trai?). Mẹ chỉ học lóm, biết đọc viết bình thường.

Những hạnh phúc bình dị chinh là tài sản vô giá với ông
Những hạnh phúc bình dị chinh là tài sản vô giá với ông

Nhà tôi thuần nông. Bảy anh em (tôi lớn nhất) lần lượt sinh ra và lớn lên giữa đồng ruộng, hồn nhiên như cây cỏ, chẳng biết khổ là gì, vì cả làng, ai cũng vậy. Lên tỉnh học (làng quê chỉ có bậc tiểu học) mới biết mình nghèo khó, thua thiệt. Lắm lúc mặc cảm, mùa gặt công việc ngập đầu, muốn bỏ học; mẹ lại bảo: “Khôn hồn thì ráng học để mai này không khổ như ba mẹ”.

Tôi chưa bao giờ biết học thêm là gì. Cũng chưa bao giờ có tiền trong túi để ăn vặt. Đi học, được ngồi trong phòng, sướng gấp mấy lần dang nắng đội mưa làm ruộng, kiếm củi. Làng nghèo, nhà nghèo, nhưng nhiều người còn nghèo hơn. Mấy hành khất già yếu, lỡ đường; gặp bữa, mẹ ân cần mời họ vào nhà, dùng bữa đạm bạc với gia đình, trò chuyện như người thân ở xa về.

Hồi nhỏ ở quê, đứa nào chẳng nghịch phá. Con đông, túng thiếu, ba đi làm thuê xa, mẹ hay bực mình. Có lỗi, mẹ lấy roi, bắt mấy đứa nằm trên phản, hỏi tội.

Từng đứa “xưng tội” và đề nghị hình phạt (mấy roi). Mẹ thường tăng gấp đôi so với đề nghị, nhưng chỉ phạt một phần ba, còn lại cho nợ. Có lúc cảm thấy bị oan, tôi từng mong lớn lên sẽ bỏ đi thật xa, để không còn bị la mắng, ăn đòn.

Hè năm 1974, tốt nghiệp Tú tài II, tôi một mình vào Sài Gòn đi học, làm đủ nghề kiếm sống. Xa nhà, xa mẹ, mới biết yêu ba mẹ hơn. Biết thế nhưng tuổi trẻ mải mê công việc, quên mất việc mẹ ngày đêm ngóng chờ. Tháng 8/1975, đang chuẩn bị vào chiến dịch của Thành Đoàn thì nhận thư mẹ. Mẹ nhắc: “Con còn sống thì về cho mẹ thấy mặt, nghe nói Sài Gòn nguy hiểm lắm”. Tôi trốn vào nhà vệ sinh, khóc tức tưởi.

Xa mẹ, tôi có thêm nhiều má nuôi khác. Mấy má ở xã Vĩnh Lộc (lúc đó thuộc Tân Bình) xem tôi như con đẻ. Có má muốn tôi làm rể. Mấy chục tết xa nhà, chỉ mỗi năm vài lần về thăm vì công việc lúc nào cũng tối mặt. Tôi khởi nghiệp, làm du lịch từ 1995 và bắt đầu bằng các chương trình thiện nguyện, phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, TW Hội Phụ nữ Việt Nam như Liên hoan Những người con hiếu thảo; các Festival Biết ơn Mẹ, Nụ cười Hồng, Đền ơn đáp nghĩa; các Họp mặt Đại biểu phụ nữ Nam bộ, Đại biểu phụ nữ miền Nam, Đội quân tóc dài miền Nam, Nữ Thanh niên Xung phong miền Nam…

Xem các má, các dì như ba mẹ mình, nên tôi và các hướng dẫn viên chẳng nề hà, sẵn sàng ẵm bế các thương binh liệt cột sống vào tham quan Dinh Độc Lập. Các đại biểu già yếu, có xe lăn và người đẩy, lúc cần ẵm luôn vào hội trường. Tôi nhớ lần đưa các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở quận 12 và Hóc Môn tham quan Hạ Long, thấy tôi chăm sóc đoàn, có mấy khách xin phụ cõng các má vì: “Tụi con từng là bộ đội”.

Hơn 10 năm nay, giao điều hành công ty cho các bạn trẻ, tôi có dịp gần mẹ nhiều hơn, còn ba thì đã mất. Vài tháng hoặc có dịp họp hành đi ngang là tìm cách ghé nhà, ở lại mấy ngày. Tôi thích được ngồi nghe mẹ kể chuyện xưa, nhiều lúc kể đi kể lại; được ăn cơm với mẹ; được cùng mẹ đi thăm bà con…

Mấy món mẹ nấu là ngon nhất thế giới. Những hạnh phúc bình dị mà vô giá với tôi. Tôi muốn bù đắp lại thời gian xa mẹ trước đây. Giờ cả ba mẹ và mẹ vợ cũng không còn, tôi càng quyết “Sống, làm việc và giúp ích cộng đồng nhiều hơn”.

Giữ nếp nhà xưa, nghề chọn tôi vào ngành du lịch, dù không có trong ước mơ thưở nhỏ. Tôi đã và đang làm hết mình. Từ lúc khởi nghiệp, tôi đã khẳng định “Khách hàng là người thân” để luôn tận tình trân quý; trái ngược với những tâng bốc “Khách hàng là Vua”, “Khách hàng là Thượng đế”… Tôi luôn xin phép xưng hô với đoàn khách là “cả nhà”, để hành xử thân thiện và mong được đối xử lại như vậy.

Từng là người lính, suýt chết, suýt bị bắt sống ở Campuchia; tôi cũng không xem “thương trường là chiến trường”, vì chiến trường chỉ có sống và chết. Vậy cần gì các hiệp hội nghề, cần gì tương trợ để cùng Win – Win. Tôi luôn dạy sinh viên “Thương trường như cuộc đua Marathon vô tận, đầy cam go, thử thách; có từng chặng cụ thể và luật định rõ ràng”. Tham gia cuộc chơi, ai cũng muốn chiến thắng, nhưng phải chuẩn bị, lượng sức, rèn luyện; nếu không sẽ tụt hậu, bỏ cuộc.

Tôi nghĩ, mình là doanh nhân, dù làm gì, về nhà, vẫn là thành viên trong gia đình. Chung tay với ba mẹ, lo cho các em. Chung sức chia sẻ công việc với vợ con những gì mình có thể. Hồi nhỏ mẹ dặn “Con cười là mẹ cười”, “Con ngoan thì mẹ khỏe”. Khi hoạt động kinh doanh hiệu quả, đúng pháp luật, giúp ích cộng đồng; cha mẹ và người thân mình cũng rất vui.

Với tôi, đó cũng là chữ Hiếu. Trước khi kinh doanh hiệu quả, phải biết “Tề gia”.

Thể lệ cuộc thi Doanh nhân với chữ hiếu và gia đình

Bài viết tham dự cuộc thi phải giới thiệu những tập thể, cá nhân điển hình trong việc giữ gìn nếp sống hiếu đạo đối với bậc sinh thành và người thân trong gia đình, đóng góp cho cộng đồng. Họ có thể là doanh nhân người Việt, gốc Việt đang sinh sống, kinh doanh trong nước và/hoặc các quốc gia khác.

Bài viết thể hiện lối sống của doanh nhân đối với người thân là: ông bà, cha mẹ, vợ con, cháu trong gia đình; thông qua các câu chuyện/tình huống ứng xử trong gia đình, giúp doanh nhân luôn cân bằng giữa công việc ngoài xã hội với việc chăm sóc gia đình.

Tác phẩm dự thi phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi nào khác, chưa được đăng báo. Nhân vật trong bài viết có thể đã được ghi nhận gương điển hình trong các bài viết trên báo chí, là nhân vật trong các cuộc thi viết khác, giải thưởng khác. Bài viết về doanh nhân phải được sự cho phép của nhân vật.

Mỗi tác phẩm từ 800 đến không quá 2.000 chữ, được đánh máy bằng tiếng Việt. Bài viết có hình ảnh (nhân vật, hoạt động liên quan tới việc chăm sóc bậc sinh thành, người thân...) phù hợp với nội dung (cần ghi rõ nguồn, tên tác giả ảnh).

Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải Đặc biệt trị giá 20 triệu đồng.

- 1 giải Nhất trị giá 15 triệu đồng.

- 2 giải Nhì, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 3 giải Ba, trị giá 5 triệu đồng/giải.

- 5 giải Khuyến khích, trị giá 3 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết được yêu thích do bạn đọc bình chọn (tính theo lượt like lượt share trên fanpage Báo Phụ nữ TPHCM) trị giá 1 triệu đồng.

Cùng với giải thưởng hiện kim, các tác giả còn được trao giấy chứng nhận của ban tổ chức cuộc thi.

Các tác phẩm được trao giải và đạt chất lượng sẽ được tuyển chọn để xuất bản thành sách (sách giấy và sách điện tử).

Bài dự thi (bao gồm file bài viết, file hình ảnh) gửi về email: doanhnhanvachuhieu@baophunu.org.vn.

Điện thoại: 0966182727.

Nguyễn Văn Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI