Chữ hiếu thời đại dịch

22/05/2021 - 06:00

PNO - Dịch rồi sẽ đi qua nhưng tình người thì còn mãi - điều này không chỉ đúng với việc nhường cơm sẻ áo cùng đồng bào mà còn chuẩn với hành trình quan tâm, yêu thương bản thân và gia đình.

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ chịu cảnh ở nơi xa hướng về mẹ trong ngày giỗ của bà… cho tới khi đại dịch xuất hiện. 

Vì sự an toàn của người còn sống

Tôi nhớ mình đã bàn bạc trong nước mắt với em gái về lựa chọn khó khăn hồi năm ngoái. Khi ấy cũng như bây giờ, tình hình dịch ở TP.HCM lẫn miền Trung đều diễn biến phức tạp. Tôi trở về là đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao, là cách ly tập trung hoặc tại nhà. 

Gia đình tôi có trẻ nhỏ, lại neo người, nhỡ chẳng may… thì còn khổ hơn. Thế là cả hai năm, hai chị em phân chia nhiệm vụ làm đám giỗ má ở hai nơi. Đứa ở xa chỉ có thể tụng kinh, trì chú hồi hướng cho má. Đứa ở gần thì cùng chồng làm mâm cơm cúng đơn giản. 

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Họ hàng cũng không thể đến dự, hàng xóm không dám mời sang chơi, nhà tự nhiên càng vắng vẻ. Các dì lặng lẽ thay hai đứa cháu ra mộ em gái quét tước, thay lọ hoa, đặt ít bánh trái lên khay, đốt vài nén nhang lầm rầm khấn vái: “Đừng buồn con cháu, âu cũng là chuyện không thể làm gì khác”.

Không phải riêng nhà tôi, nhà nào mà có đám đình cũng phải cân nhắc quy mô lẫn cách tổ chức sao cho an toàn cho chính gia đình mình và cả cộng đồng.

Để làm được điều này, người còn trẻ phải thuyết phục người già điều chỉnh mong muốn, thói quen để họ không mang theo nỗi áy náy với người đã khuất khi lựa chọn cách an toàn cho người sống.

Càng đông người càng nhiều nguy cơ - ai cũng hiểu - nên dù được chính quyền nhắc nhở hay không, mọi người đều tự điều chỉnh để hợp với tình hình thời “kháng chiến chống dịch”. 

Thời đại dịch, đám cưới có thể hủy đãi tiệc, rước dâu đơn giản; đám giỗ gọn nhẹ. Nhưng nếu chẳng may nhà ai có người mất vì nguyên nhân liên quan đến vi-rút corona thì cũng phải nuốt nước mắt vào trong chấp nhận trái với di nguyện của người thân, nhằm đảm bảo không lây lan dịch bệnh.

Có nhà còn đau đớn hơn là chẳng ai được trực tiếp đưa tiễn người thân vì phải chuyển vào khu cách ly tập trung. 

Người Việt có câu: Nghĩa tử là nghĩa tận nên nỗi đau này khó mà lắng xuống nhanh, cứ ghim vào tim người còn sống như một sự kiện buồn sâu thẳm. Chưa kể việc làm đám gọn gàng, việc tiếp đón người đến viếng cũng vô cùng cẩn thận. Bởi vậy, chuyện buồn càng thêm buồn…

Đừng đợi để báo hiếu cha mẹ, chăm sóc con cái

Tác giả Shin Kyung Sook, người Hàn Quốc, trong cuốn sách Hãy chăm sóc mẹ đã lấy nước mắt của hàng triệu độc giả trên thế giới. Sách khiến người đọc nhìn thấy bản thân qua hình ảnh những đứa con hoảng hốt kể từ lúc phát hiện mẹ của họ biến mất. 

COVID-19 đã khiến hàng triệu người bất ngờ mồ côi cha hay mẹ. Những đợt phong tỏa cũng đẩy hàng tỷ người phải sống xa gia đình từ vài tháng đến hai năm ròng. Loài người bị đặt vào tình thế không thể đoán định trước tương lai.

Những lần sum vầy hiếm hoi nhắc chúng ta nhớ rằng đừng hứa hẹn vào một ngày mai khi ta rảnh rang, khi ta có đủ tiền thì mới báo hiếu cha mẹ. 

Việc đưa cha mẹ đi du lịch, cùng thưởng thức món ngon hay là kiểm tra sức khỏe, hoặc chỉ đơn giản là tay trong tay đi dạo, bên nhau ăn bữa cơm gia đình đều có thể làm mỗi khi bạn muốn.

Giờ không phải có tiền là được, mà phải nín thở chờ khi dịch đã được kiểm soát. Nên thôi, chúng ta đừng lên kế hoạch đi đâu đó xa xôi mà chỉ cần an ổn cùng nhau là được. 

Nói ra thật không phải, nhưng cũng vì có dịch mà tôi mới có thời gian vài tháng ở nhà chơi đùa, nhìn hai đứa cháu lớn lên từng ngày. Mẹ tụi nhỏ cũng vì dịch mà ở bên cạnh đứa con thứ hai từ thuở lọt lòng đến ngày tròn hai tuổi.

Đứa con gái đầu sắp hoàn thành năm học đầu đời có mẹ mỗi sớm chiều tiễn ra cổng, làm cho bữa cơm nóng hôi hổi, cùng đọc sách, cùng giải toán mỗi tối trước khi bé được xem phim hoạt hình 30 phút. 

Ba của tụi nhỏ nay bận bịu với việc dạy trực tuyến, nhưng trước đó, trong khi chờ đợi chỉ thị mới đã kịp cùng hai con gái hì hục làm con diều bằng giấy để chiều chiều ba cha con ra sau hè đợi gió lên là thả.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mỗi tối, trước khi lũ trẻ đi ngủ nhà lại rộn vang tiếng cười khanh khách bởi ba người lớn có thể bày nhiều trò chơi mà ngày thơ bé đã từng chơi chán chê cho chúng xem, được tham gia cùng. 

Thực ra, việc phải chăm sóc, ở cùng trẻ con suốt 24 giờ trong một thời gian dài chẳng hề dễ với người lớn. Lũ trẻ chơi mãi không biết mệt, nhưng người lớn thì với công việc, những lo toan lẫn nhu cầu sẽ có lúc phát cáu với những đòi hỏi, mong muốn của chúng.

Trẻ con không cần ăn ngon cỡ nhà hàng năm sao, mặc quần áo đẹp kiểu hàng hiệu, chúng cần người lớn hiện diện, chơi đùa cùng cha mẹ, người thân. Nhưng suy cho cùng, nếu bây giờ mà không nhân cơ hội bắt buộc này thì bao giờ chúng ta mới lại có dịp nhìn ngắm nụ cười ngây thơ, cái miệng dẻo quẹo, cái tướng chạy lạch bạch của con trẻ? 

Mà đây cũng là cách để người lớn được nhớ về chính mình ngày xưa và tự hỏi liệu đứa trẻ ấy có những mong mỏi nào chưa được đáp ứng, vết thương nào chưa kịp liền da chăng? Chăm sóc cha mẹ hay chăm sóc con trẻ cũng đồng thời là chăm sóc chính mình, để cùng nhau vượt qua thử thách có tên đại dịch covid-19.

Dịch rồi sẽ đi qua nhưng tình người thì còn mãi - điều này không chỉ đúng với việc nhường cơm sẻ áo cùng đồng bào mà còn chuẩn với hành trình quan tâm, yêu thương bản thân và gia đình. 

Cẩm Phô

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI