Chữ hiếu quá nặng

26/10/2019 - 16:48

PNO - Báo nước ngoài và các trang mạng xã hội vẫn lan truyền hình ảnh cùng những tin nhắn cuối cùng của cô gái Trà My, người được nghi ngờ là một trong số 39 nạn nhân chết cóng trong chiếc container ở Anh quốc.

Những dòng xin lỗi đau đớn

Ai đọc những dòng tin cũng chua xót, không khỏi hình dung cảnh cô gái phải chết một cái chết quá bi thảm.

Trước ngưỡng cửa cái chết, cô gái còn quá trẻ ấy không hề than thân trách phận. Cô chỉ xin lỗi mẹ, cô nói thương bố mẹ, cô tiếc vì con đường đi nước ngoài không thành. Những lời xin lỗi khiến những người làm cha mẹ như tôi ám ảnh. 

Chu hieu qua nang
Hình ảnh Trà Mỹ trên tờ The Times cùng dòng tít " Con đang chết vì không thở nổi, con xin lỗi mẹ", làm bao người nghẹn tim

Vì sao cô xin lỗi cha mẹ, khi chính cô mới là người đang ngộp thở trong đau đớn? Cô có lỗi gì với những người thân, những người đáng ra phải yêu quý, coi trọng mạng sống của cô hơn bất kỳ điều gì khác? Trong tin nhắn, cô nhắc đến địa chỉ nhà, tên thị trấn quê hương, và thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh được Trà My nhắc đến.

Ai đó cùng quê bỗng giật mình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... là những địa phương là nơi rất đông lao động sang châu Âu, cứ người đi trước tìm ra đường dây để  chỉ lối cho người đi sau. Hiện không ít gia đình ở Hà Tĩnh cũng thông báo mất liên lạc với thân nhân, sau khi con em họ theo một đường dây từ đường Trung Quốc sang Anh cùng thời điểm di chuyển của chiếc container xấu số. 

Chữ hiếu quá nặng

Nhiều người kể với tôi, rằng ở các làng quê nghèo trên khắp dải đất Việt Nam hiện nay, ngoài những tấm gương lao động vượt khó hay vươn lên để đổi đời bằng tri thức, giờ đây có đến hàng vạn câu chuyện đổi đời nhờ xuất khẩu lao động.

Từ những xóm nghèo, vô số các căn nhà cao tầng kiểu cách kỳ dị, những khu mộ gia đình hoành tráng được xây lên, cái sau to đẹp hơn cái trước. Rất nhiều dinh thự như thế dựng lên từ số tiền bán sức, thậm chí bán thân, kể cả bán sinh mạng của những đứa con. Tự nguyện có, bị bắt buộc có, để thể hiện chữ hiếu, những đứa trẻ bất chấp mọi nguy cơ để tìm đường rời làng, tới các vùng đất dễ kiếm tiền.

Chu hieu qua nang

Những dòng tin cuối cùng trên Zalo của cô gái xấu số là xin lỗi mẹ

Ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung là trào lưu xuất khẩu lao động, bằng mọi đường, kể cả con đường chui lậu trong những chiếc hộp, nhưng thùng container đông lạnh hay băng rừng chịu đói khát. Ở các tỉnh miền Nam, bên cạnh xuất khẩu lao động, làm thuê làm mướn, còn có làn sóng bán thân làm vợ đàn ông xứ lạ qua Đài Loan, Hàn Quốc. Tiền của những đứa con ấy gửi về giúp cho bố mẹ họ đổi đời, xây nhà, xây cửa, xây mồ mả ông bà, sắm xe cộ và hãnh diện với bà con lối xóm về sự hiếu đễ của các con.

Nhà nào có con đi ra được nước ngoài và có tiền gửi về, nhà ấy được xung quanh xem là có phúc. Hàng xóm ganh tỵ đã đành, rồi nhìn lại mái nhà mình thở dài. Tiếng thở dài sâu và nặng và chán ngán của họ làm nặng lòng những đứa con ngồi bên cạnh.

Chúng nghe cha mẹ thở dài mà như thấy mình có lỗi. Và rồi dần dần chúng cũng cảm thấy: Người ta làm được, thì mình làm được. Chỉ mất vài năm thanh xuân để báo hiếu cha mẹ. Thế là các cuộc ra đi, đi để báo hiếu tiếp tục diễn ra, trên khắp mọi miền đất nước.

Tôi không biết Trà My ra đi vì chính mong muốn của cô, hay cô bị gia đình thuyết phục, bị bạn bè lôi kéo, hướng dẫn… Từng bỏ dở một chương trình cao đẳng, từng có 3 năm lao động xuất khẩu ở Nhật, có lẽ trở về quê, cuộc sống hiện tại bí bách, không tương lai nên cô phải liều mình ra đi lần nữa. Lần này là cuộc trốn chạy dài hơn, nguy hiểm hơn, nhưng cơ hội kiếm nhiều tiền cũng cao hơn, và biết đâu cũng là cơ hội để báo hiếu tốt hơn.

Chu hieu qua nang
Cận cảnh chiếc xe container chứa 39 người nhập cư thiệt mạng

Không chỉ ở những làng quê, mà ngay ở thành phố, bên cạnh tôi, tôi cũng từng thấy biết bao những người cha, người mẹ kiếm cho các con mình những suất du học nước ngoài với mục tiêu duy nhất: con học xong phải tìm cách ở lại nước ngoài. Để chính con đổi đời, và khi con ở lại được nước ngoài, cha mẹ mới hãnh diện với họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp.

Những ước mơ đôi khi không thực tế, đối khi không phù hợp với tính cách, khả năng của những đứa trẻ, thế nhưng chúng vẫn phải gánh lấy, dù có khi chúng bị stress, bị trầm cảm, bị tự kỷ khi rơi vào môi trường sống không phù hợp, không thể hòa nhập, không thể trụ lại...

Tôi không hề có ý trách móc những phụ huynh đang đau khổ tột cùng khi mất con. Tôi chỉ muốn nhắc mình và bạn bè xung quanh một lần nữa: đừng khiến con cái phải nhận lấy gánh nặng báo hiếu bằng mọi giá, kể cả những cái giá vô cùng nguy hiểm, để những bi kịch đau đớn không diễn ra.  

Thanh Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI