|
Chỉ cần thấy con cháu hạnh phúc là ông bà, cha mẹ đã vui, mãn nguyện (Ảnh minh họa) |
“Nếu người làm cha mẹ đề cao việc tôn trọng quyết định của con cái thì ngược lại, con cái cũng cần tôn trọng cảm xúc, suy nghĩ của cha mẹ mình, đó chính là chữ hiếu”, tiến sĩ Phạm Thị Thúy - chuyên gia tâm lý tư vấn tại Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM - chia sẻ.
Phóng viên: Gần đây, các bạn trẻ chia sẻ cảm xúc về chữ hiếu nhiều hơn, đặc biệt là các dịp lễ Vu lan. Theo chị đó có phải là tín hiệu giới trẻ đã quan tâm hơn đến ông bà, cha mẹ của mình?
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy: Theo quan điểm của ông cha xưa, trong 100 nết thiện thì chữ hiếu đứng đầu. Đạo hiếu thể hiện nhân cách của mỗi con người, văn hóa của xã hội. Chúng ta nhìn vào cách con cháu đối với ông bà, tổ tiên có thể biết được nền tảng văn hóa của con người đó.
Mỗi mùa Vu lan, người ta nói nhiều tới đạo hiếu, nhớ về ba mẹ của mình nhiều hơn. Nhưng tôi nghĩ rằng, chữ hiếu luôn cần được coi trọng và nhắc đến không chỉ trong dịp Vu lan mà quanh năm.
Tuy nhiên, các bạn trẻ cần hiểu đúng về chữ hiếu. Hầu hết các bậc cha mẹ không mong cầu con trả hiếu cho mình. Cha mẹ cho đi tình yêu thương, chăm sóc con cái để các con cảm nhận tình yêu thương, chỉ cần thấy con cái hạnh phúc là họ đã vui, đã mãn nguyện rồi.
Hơn nữa, ngày nay người già cũng không còn bị động về mặt kinh tế nữa. Tôi biết nhiều người trung niên đã tích lũy về kinh tế để khi về già họ không phiền tới con cái, thậm chí có còn lo ngược lại cho con cháu.
Vì vậy, chữ hiếu không chỉ gói gọn trong việc con cái phụng dưỡng cha mẹ như trước kia. Nó liên quan tới tình yêu thương, cảm xúc tích cực con cái trao cho cha mẹ như sự quan tâm, lời thăm hỏi, cuộc điện thoại, tin nhắn, sự quan tâm tới bữa ăn, giấc ngủ, thói quen sinh hoạt, đáp ứng nhu cầu tinh thần của người già… giúp họ vui hơn. Chúng ta đừng chờ tới mùa Vu lan mới làm điều này.
* Vâng lời cha mẹ, làm theo đúng những lời cha mẹ dạy bảo, như thế đã đủ hiếu?
- Chữ hiếu đang thay đổi theo xu hướng của xã hội. Khổng Tử có nói 3 cấp độ chữ hiếu.
Tiểu hiếu: là con cái biết nghe lời cha mẹ, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó.
Trung hiếu: là con biết chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ, biết lắng nghe những điều hợp lý và phản biện lại những điều chưa hợp lý.
Đại hiếu: là người con không chỉ biết chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ mà còn biết làm rạng danh cha mẹ, rạng danh dòng tộc, biết tự biết tu thân, tự lo cho bản thân, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội…
Ở cấp độ trung hiếu, bạn chú ý đến khía cạnh con cái phải biết lắng nghe điều hợp lý và phản biện lại những điều chưa hợp lý của cha mẹ. Có nhiều bậc cha mẹ can thiệp quá sâu vào đời sống con cái, áp đặt con làm những việc con không thích, lấy người con không yêu…
Nếu con cái chỉ biết nghe lời cha mẹ kể cả những điều không hợp lý, không đúng với hoàn cảnh, tính cách, sở thích… của bản thân, sẽ dẫn đến không có niềm vui, hứng thú khi làm việc, không thể hiện được năng lực… dẫn đến cuộc sống không như mong muốn, không thành công, hạnh phúc… Khi đó bạn sẽ không có cơ hội để đạt đến cấp độ đại hiếu như lời Khổng Tử.
Tôi từng tiếp xúc với nhiều bậc cha mẹ, khi về già họ rất hối hận vì đã từng khuyên con sai hoặc áp đặt những điều không phù hợp với con. Có những người làm cha, làm mẹ cảm thấy “may mà con không nghe lời”.
Chính vì vậy, hiếu đúng cách, theo tôi, là người con biết phân biệt phải trái, tôn trọng ý kiến cha mẹ nhưng cần biết phản biện khi cha mẹ đưa ra ý kiến chưa hợp lý.
* Như chị đã nói, ngày nay cha mẹ không mong cầu nương tựa vào con khi về già. Tuy nhiên người Việt vẫn có câu “trẻ cậy cha, già cậy con”. Nhiều người trẻ vẫn muốn “vận động” cha mẹ ở cùng để con có điều kiện phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ tốt hơn. Theo chị, điều này có tốt?
- Quan niệm của tôi, dù ở xa hay gần, con cái vẫn có nhiều cách quan tâm đến cha mẹ. Tôi có quen một người bạn, chị ấy sống ở nước ngoài, ba mẹ chị ấy ở viện dưỡng lão. Thi thoảng, chị ấy đăng tải những tấm hình ông bà rất vui vẻ. Mỗi năm, chị ấy dành khoảng một tháng vào viện dưỡng lão ở cùng ba mẹ mình. Cuộc sống của họ rất vui vẻ.
Ngay bản thân tôi cũng có thời gian muốn ba mẹ ở cùng để chúng tôi phụng dưỡng. Nhưng khi tôi bày tỏ mong muốn, ông bà không muốn xa quê hương. Tôi tôn trọng mong muốn đó của ba mẹ mình. Và đến giờ ông bà vẫn sống ổn ở quê vì được sum vầy với những hàng xóm, họ hàng, những người bạn già. Con cháu cũng không lơ là quan tâm đến ông bà, vẫn gọi điện trò chuyện thăm hỏi thường xuyên, có dịp là lại về thăm ông bà.
|
Không nhất thiết phải sống chung chăm sóc cha mẹ mỗi ngày mới là hiếu nghĩa (Ảnh minh họa) |
Nếu chúng ta cứ ép cha mẹ lên thành phố với mình với lý do tiện chăm sóc nhưng không đủ điều kiện quan tâm đến đời sống tinh thần của cha mẹ thì thật không nên. Con cái báo hiếu cần xem xét dựa trên nhu cầu của cha mẹ. Khi con cái còn trẻ cha mẹ tôn trọng quyết định của con thì ngược lại, khi cha mẹ về già, con cái cũng nên tôn trọng ý kiến của cha mẹ. Có nhiều người bán đất theo con lên thành phố, khi sống chung cơm không lành, canh không ngọt thì họ không còn nhà để về.
Nhưng cũng có cha mẹ lại “năng động” con cái ở đâu họ ở đó. Trường hợp này thì dễ thu xếp. Nói như vậy để thấy rằng không có ba-rem nào cho việc báo hiếu cả, phải tùy vào hoàn cảnh và nhu cầu của mỗi người.
Tôi cho rằng chữ hiếu cần thể hiện linh hoạt theo nhu cầu gia đình, theo nhu cầu của cha mẹ chứ không có công thức chung.
An Nhiên (thực hiện)